Các đời iPhone dùng được lâu thật, đến nay số lượng người còn dùng iPhone 7, iPhone 8 vẫn không hề ít vì chúng vẫn được nâng cấp lên các hệ điều hành gần như mới nhất, giao diện vẫn mượt mà, dùng ứng dụng đủ mượt và đặc biệt là camera chụp khá đẹp ở hầu hết điều kiện sáng.
iPhone đời cũ chụp ảnh vẫn rất ổn, nhưng cũ đến 9 năm như iPhone 5C thì sao?
Thế nhưng, nếu vẫn còn dùng chiếc iPhone 5C đã 9 năm tuổi thì sao? Tôi đã mang chiếc iPhone 5C theo và thử dùng để chụp ảnh trong chuyến du lịch Đà Nẵng và kết quả hoàn toàn bất ngờ. Hóa ra, chất ảnh của máy vẫn cực kì tốt, kể cả so với tiêu chuẩn hiện tại về độ chi tiết và màu sắc. Minh chứng là bộ ảnh dưới đây, tất cả đều chụp bởi iPhone 5C, chỉnh sửa màu sắc đơn giản bằng ứng dụng RNI.
Camera của iPhone 5C có phần cứng thua cả camera trước các máy Android giá rẻ hiện nay: Từ độ phân giải 8MP, khẩu độ f/2.8 đến kích thước cảm biến chi 1/3.2 inch.
Điều tôi thích nhất ở camera của iPhone 5C là chất ảnh rất thật, thậm chí so với tiêu chuẩn bây giờ có thể nói là quá “thô”. Chỉ cần zoom nhẹ lên là thấy rõ nhiễu hạt xuất hiện khắp ảnh kể cả ban ngày.
Ảnh chụp từ iPhone 5C có nhiễu hạt thấy rõ nhưng màu sắc chân thật và độ chi tiết gần như tuyệt đối đến từng pixel - điều quan trọng khi muốn chỉnh sửa ảnh chuyên sâu hơn.
Tuy nhiên, đây cũng là lợi thế vì nhờ ảnh thô mà các chi tiết được bảo toàn gần như 100%, sắc nét đến từng pixel. Kiểu chi tiết này giống trên các dòng máy ảnh chuyên nghiệp hơn, và việc khử nhiễu hay không tùy thuộc vào người dùng thay vì để máy móc tự xử lý trước bằng phần mềm.
Ngoài ra, máy thể hiện màu sắc vẫn cực kì tốt, thiên hướng chân thực, hơi ám vàng nhẹ và cực kì “ăn màu” khi dùng các bộ lọc trong RNI hay VSCO. Lý do phần lớn cũng là vì các nhà phát triển ứng dụng thường dùng iPhone để tạo ra và tối ưu chất lượng của filter màu đó.
Bức ảnh chụp vào một ngày nắng tuyệt đẹp ở Đà Nẵng, màu sắc cực kì no, chất ảnh trong vắt dù ống kính chỉ làm bằng nhựa và đã rất cũ.
Không có camera góc siêu rộng nên đành dùng tính năng chụp panorama, cũng may là thuật toán ghép ảnh vẫn rất tốt với cảnh tĩnh thế này.
Khi trời âm u, màu sắc trở nên ảm đạm hơn nhưng hoàn toàn cứu được qua lớp filter màu của RNI.
iPhone 5C không dùng thuật toán AI nào để tăng HDR cho ảnh cả. Thay vào đó là cách ghép HDR truyền thống là chụp 3 ảnh rồi ghép lại vào nhau. Nếu giữ vững tay thì ảnh sẽ đẹp thế này....
Nếu không, ảnh chụp ra vừa rung mờ, vừa dễ loang lổ ở phần chênh sáng mạnh.
Một ví dụ khác cho việc bị nhòe ảnh vì chụp HDR kiểu cũ. Tuy nhiên khi phủ lên lớp bộ lọc màu lại tạo cảm giác như chụp máy phim và bị rung tự nhiên thật.
Đặc biệt đẹp là khi dùng iPhone 5C chụp ảnh vào những ngày trời nắng trong xanh. Màu sắc hiện ra trong vắt, nếu chỉ xem trên màn hình nhỏ chắc hẳn nhiều người nghĩ phải chụp bằng máy nào hiện đại đời mới lắm. Khả năng chụp ảnh cận cảnh của máy cũng rất tốt, lấy nét tương phản chậm nhưng ít bị lệch nét, xóa phông với khẩu f/2.8 hơi ít nhưng đủ tách bạch vật thể so với phông nền, cộng thêm cách xử lý chi tiết chân thực, sắc nét từng chi tiết nhỏ nhìn đã mắt cả trên màn hình máy tính cỡ lớn.
Khả năng chụp cận cảnh, hoa lá của iPhone 5C rất tốt vì chi tiết sắc nét, màu sắc chân thật, không bị bệt hay lệch cân bằng trắng.
Góc chụp 33mm cũng giúp ảnh ít bị méo hơn các điện thoại ngày nay. Tính ra camera iPhone 5C có thể coi là dùng zoom quang cỡ 1.4x so với iPhone 14 vừa ra mắt rồi.
Khẩu độ nhỏ nên xóa phông hơi kém nhưng máy vẫn bù lại bằng khả năng bắt nét gần, chính xác và không làm bệt chi tiết.
Ảnh chụp đủ sáng đẹp thế nhưng nếu ép iPhone 5C chụp thiếu sáng quả thật quá khó. Tôi thử chụp vài tấm khi trời nhá nhem tối ở Hội An thì chất lượng ảnh vẫn không tệ lắm vì còn ánh sáng đầy màu sắc từ đèn lồng trông đẹp mắt, nhưng khi về Đà Nẵng để chụp ảnh Cầu Rồng phun lửa thì khó mà chấp nhận được. Ảnh chụp rung nhòe 100% vì máy giảm tốc chụp xuống 1/15s và không có chống rung OIS hay dùng tripod. Cứ thử so ảnh với một chiếc điện thoại Android tầm trung của năm 2021 thôi là thấy khác biệt 1 trời 1 vực.
iPhone 5C luôn đo sáng quá cao so với thực tế và chỉ cần giảm EV xuống vài nấc là cho ra ảnh với màu sắc, độ sáng vừa mắt.
Vùng tối có thể hơi tối quá mức vì dải tương phản động kém nhưng màu sắc và chi tiết không hề tệ.
Tuy nhiên, khi trời đã tối hẳn và ít đèn thì ảnh chụp ra dễ rung nhòe, nhiễu hạt dày đặc dù màu sắc vẫn đủ chính xác.
Cầu Tình Yêu trở nên tối om, mất hết phần lung linh dưới ống kính iPhone 5C.
So sánh thử ảnh chụp đêm của iPhone 5C (trái) và một chiếc điện thoại Android tầm trung 2021 (phải). Có thể thấy cách xử lý hình ảnh của Apple hồi đó dù tốt đến mấy cũng không cứu được sự rung nhòe thấy rõ vì thiếu OIS và khẩu độ nhỏ, cảm biến kém nhạy sáng.
Ảnh chụp hoàng hôn qua lớp cửa kính máy bay vẫn rất ấn tượng vì màu sắc đẹp, chuyển màu mượt mà, miễn là biết cách chỉnh lại EV cho đúng.
Khen là vậy nhưng rõ ràng, chiếc iPhone 5C vẫn không thể sử dụng như điện thoại chính. Tôi chỉ coi nó là món đồ kỉ niệm và chụp ảnh cho vui, giống như cầm máy ảnh lomo vậy, ngoại trừ việc có ảnh ngay để đăng lên mạng khoe với bạn bè thôi.
Một số hình ảnh khác chụp từ iPhone 5C, chỉnh sửa màu sắc bằng ứng dụng RNI.