2021 - năm trâu mỹ mãn của tỷ phú tuổi Sửu Trần Đình Long

Thảo Nguyên |

Năm 2021 sắp kết thúc và tỷ phú tuổi Sửu Trần Đình Long gần như đã có một năm tuổi thành công mỹ mãn.

Áo sơ mi trắng, thắt cà vạt màu cô ban, vị chủ tịch liên tục lắc đầu tiết lộ về điều khiến mình nhức đầu: Phải đọc hàng ngàn mã sản phẩm nội thất. Nội thất vốn là xuất phát điểm từng bước tạo nên tên tuổi cho doanh nghiệp của ông trở thành tập đoàn công nghiệp lọt vào top Đông Nam Á còn bản thân ông trở thành tỷ phú đô la. Thế nhưng giờ đây, ông cho biết tập đoàn bằng mọi giá phải thoái vốn khỏi mảng kinh doanh này.

"Tôi nói câu chuyện những người lớn tuổi như chúng tôi đều biết cách đây 40-50 năm ở đường phố Hà Nội cứ 10-15m có một hàng nước chè nhưng bây giờ thì không thể còn nữa. Ở những giai đoạn lịch sử nó còn giá trị nhưng sau đó hết vai trò đi. Thế thì nội thất cũng có 2 vấn đề: Một là mã sản phẩm quá phức tạp, doanh thu thấp. Thứ 2 là mình đang đi cạnh tranh, dùng sở trường của một tập đoàn lớn, vốn nhiều đi cạnh tranh với kinh tế gia đình nhỏ đúng là không lại được", ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ tại Đại hội cổ đông hồi tháng 4 vừa qua.

Gấp rút thoát khỏi mảng kinh doanh mang tính lịch sử, đầu tư mảng kinh doanh mới, 2021 là năm bận rộn của tỷ phú Trần Đình Long. Đây cũng là năm chứng kiến tài sản của ông vua ngành thép trên sàn chứng khoán cùng với giá cổ phiếu HPG liên tục đạt đỉnh mới.

2021 - năm trâu mỹ mãn của tỷ phú tuổi Sửu Trần Đình Long - Ảnh 1.

Năm 2016 khi được hỏi tại sao một tập đoàn sản xuất công nghiệp lại lấn sân làm nông nghiệp, chủ tịch Hòa Phát từng chia sẻ: “Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nghĩa là Hoà Phát chấp nhận cạnh tranh. Hoà Phát là “xe tăng, xe lu” đi thị trường giữa. Nhiều người đi thị trường ngách, nhưng Hoà Phát cứ đường thẳng mà đi. Mình tôn trọng họ, nhưng mình không có gì phải lo”.

Sau 5 năm cỗ xe lu Hòa Phát không những chứng minh được sức nặng của bản thân mà còn xô đổ nhiều kỷ lục về chiến lược kinh doanh lẫn giá trị cổ phiếu. Những điều này được phản ánh rõ nhất qua cuộc tổng tiến công cấp tập của cỗ xe lu này trong năm 2021.

Mặc dù là lĩnh vực làm nên tên tuổi cho Hòa Phát ngày hôm nay nhưng theo quan điểm của người đứng đầu tập đoàn này, nội thất đã hoàn thành xong sứ mạng lịch sử của mình. Bên cạnh việc không cạnh tranh lại được với kinh tế gia đình, mảng nội thất đang bộc lộ những điểm yếu về hiệu quả kinh doanh. Ông Long tiết lộ công ty nội thất Hoà Phát có 2.000 nhân viên làm ra doanh thu 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận năm tốt thì được 200 tỷ đồng.

Trong khi đó với cùng quy mô nhân sự, công ty ống thép Hoà Phát làm ra 20.000 tỷ đồng doanh thu, gấp 10 lần nội thất. Điều này được lý giải bởi công ty ống thép Hòa Phát dùng máy móc là chính, bán sản phẩm thô, số lượng lớn tới các đại lý. Chủ tịch Long cho biết đấy chính là lý do vì sao bán mảng nội thất.

Đến tháng 8, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét của Hòa Phát đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Nội thất Hòa Phát, tương đương 99,6% cho CTCP Nội thất Eden Việt Nam. Giá trị chuyển nhượng 896,4 tỷ đồng, trong khi giá trị ghi sổ là 398 tỷ đồng, ghi nhận lãi 498 tỷ đồng.

2021 - năm trâu mỹ mãn của tỷ phú tuổi Sửu Trần Đình Long - Ảnh 2.

Không phải bỗng dưng Chủ tịch Trần Đình Long dẫn dắt Hòa Phát vào một cuộc chơi hoàn toàn mới. Năm 2020, thế giới chứng kiến sự thiếu hụt nguồn cung container cực lớn. Lại sẵn thép "của nhà trồng được", Hòa Phát nắm ngay lấy cơ hội gia nhập cuộc chơi dù không nằm trong chuỗi giá trị của ngành logistics.

"Hoà Phát mục tiêu sản xuất 500.000 container một năm, đây đồng thời là đầu ra hơn 1 tiệu tấn thép Dung Quất. Tất nhiên thép Dung Quất bán theo giá thị trường chứ không phải bán rẻ để sản xuất container", ông Long nhấn mạnh.

Ngay trong tháng 4, tập đoàn này đã thành lập CTCP Sản xuất Container Hòa Phát có trụ sở tại KCN Phú Mỹ II mở rộng với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Kế hoạch của tỷ phú thép là khởi công nhà máy container trong tháng 6 nhưng do COVID-19 bùng phát đợt 4 và địa phương áp dụng nhiều biện pháp giãn cách để chống dịch nên thực tế đã khởi công vào cuối tháng 11 mới đây.

2021 - năm trâu mỹ mãn của tỷ phú tuổi Sửu Trần Đình Long - Ảnh 3.

Không chỉ lấn sân mảng contairer, hồi cuối tháng 9, Hòa Phát quyết định thành lập CTCP Điện máy gia dụng Hòa Phát vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để thực hiện quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm điện lạnh, điện gia dụng.

Thực ra trước đây Hòa Phát đã lập một công ty con hoạt động trong lĩnh vực điện máy dân dụng là Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát từ năm 2001. Tính đến tháng 7/2021, công ty này có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, quy mô còn khá bé, chỉ tập trung sản xuất Tủ lạnh, Tủ đông, Tủ mát mang thương hiệu Hòa Phát và Funiki. Doanh thu của mảng này đạt khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2019, 2020. Mặc dù doanh thu khá thấp trong ngành, tuy nhiên điện lạnh Hoà Phát vẫn đạt 142 tỷ lợi nhuận sau thuế năm 2020 - tăng 34% so với năm trước.

Mở công ty mới quy mô gấp 3, mục tiêu mới của "cỗ xe lu" Hòa Phát là doanh thu từ hoạt động sản xuất mảng gia dụng đạt 1 tỷ USD vào năm 2030 và trở thành nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất cả nước. Hòa Phát sẽ tập trung vào các sản phẩm bao gồm máy điều hoà không khí, tủ lạnh, máy lọc nước và máy giặt, với 50% sản lượng dành cho xuất khẩu.

Mới đây, ngày 30/11/2021 tập đoàn này đã tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất hàng gia dụng đầu tiên tại KCN Hòa Mạc, tỉnh Hà Nam.

Thông tin từ Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Global Trade Atlas cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc vào Việt Nam năm 2020 là 4,4 tỷ USD. Trong đó Hòa Phát đạt 705 triệu USD chiếm 16% và là khách hàng Việt Nam lớn nhất của Úc. Dự kiến năm 2021, Hòa Phát sẽ nhập của Úc 4 triệu tấn quặng, 3,5 triệu tấn than các loại, 145.000 con bò.

Do đó chủ động nguồn nguyên liệu cho lĩnh vực sản xuất thép, vị tỷ phú đô la quyết định đi săn mỏ quặng tại Úc. Đầu tháng 3 Hòa Phát thông báo ý định manh nha này thì tới cuối tháng 5 đã hòa tất thương vụ. Tập đoàn này mua đứt 100% mỏ quặng sắt Roper Valley có trữ lượng ước tính đạt 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm.

2021 - năm trâu mỹ mãn của tỷ phú tuổi Sửu Trần Đình Long - Ảnh 4.

Không ai làm thép mãi được. Doanh thu sau này 200.000 tỷ thì Hòa Phát phải đa ngành, trong đó có bất động sản”, Chủ tịch Trần Đình Long trả lời bên lề đại hội cổ đông hồi tháng 4.

Sau hơn nửa năm xúc tiến đi lại khảo sát thị trường, tới ngày 30/11, Hòa Phát chính thức hợp tác cùng Tập đoàn KDI Holdings đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án bất động sản lớn tại tỉnh Khánh Hòa.

Phân khúc bất động sản mà tập đoàn hướng đến đó là bất động sản khu công nghiệp, đại đô thị, sân golf. Sản phẩm cốt lõi là các đại đô thị diện tích từ 300-500ha tương đương với các đại đô thị như Ecopark hay Oceanpark hiện nay. Hoà Phát sẽ làm bất động sản cao cấp nhưng không phải siêu sang, nhắm đến những người dân có thu nhập trung bình và cao.

2021 - năm trâu mỹ mãn của tỷ phú tuổi Sửu Trần Đình Long - Ảnh 5.

Hồi đầu năm, UBND TP. Cần Thơ cũng có văn bản chấp thuận cho Hòa Phát khảo sát, nghiên cứu, đề xuất 3 dự án bao gồm: dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy, khu đô thị thương mại - dịch vụ và khu đô thị thương mại - dịch vụ phụ thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.

Thực ra Hòa Phát đã sớm tham gia thị trường bất động sản với dự án Mandarin Garden vào năm 2009, chính thức ra mắt vào năm 2010 với giá 45 triệu/m2. Tuy nhiên đến năm 2012, ông lớn ngành thép này đã đưa ra chương trình giảm giá sốc đối với các căn hộ sau 1 tháng chủ đầu tư đã bán được khoảng trên 110 căn hộ. Và sau 1 năm, hơn 1000 căn hộ của Mandarin Garden đã bán được khoảng 90%.

2021 - năm trâu mỹ mãn của tỷ phú tuổi Sửu Trần Đình Long - Ảnh 6.

Áp dụng truyền thống đầu tư bài bản, quy mô lớn của một nhà sản xuất công nghiệp vào mảng nông nghiệp khiến Hòa Phát đuổi kịp, thậm chí vượt những đối thủ lâu năm khác.

"5 năm làm nông nghiệp, Hòa Phát chúng ta đã làm được rất nhiều việc và định hình vị thế của Nông nghiệp Hòa Phát trên thị trường. Hiện tại cứ 2 con bò Úc ở Việt Nam thì có một con của Hòa Phát, đứng đầu cả nước. Đây là minh chứng rõ nhất của việc Hòa Phát luôn làm đến nơi đến chốn ở bất cứ ngành nghề nào.”, chủ tịch Trần Đình Long từng khẳng định như vậy vào năm 2020.

Sang đến năm 2021, tập đoàn thép này cho biết đã đưa được trứng gà vào hệ thống siêu thị như chuỗi 58 siêu thị của Tập đoàn BRG ở nội, ngoại thành Hà Nội và một số siêu thị tại Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương. Ngoài ra, Hòa Phát còn bán buôn trứng cho các đại lý lớn của Hà Nội, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ. Hiện nay trứng gà Hòa Phát đang cung cấp đến 70% nhu cầu trứng gà của Công ty Điện tử Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Ngoài Công ty Samsung, trứng gà Hòa Phát còn được cung cấp cho cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Hòa Phát đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ phát triển doanh thu mảng nông nghiệp gấp đôi năm 2021, dự kiến xấp xỉ 20.000 tỷ, lợi nhuận đặt kế hoạch thận trọng 1.700 - 1.800 tỷ, sản lượng thức ăn chăn nuôi 850.000 tấn, 200.000 con bò, 300 triệu quả trứng, 780.000 con heo thành phẩm trong năm.

2021 - năm trâu mỹ mãn của tỷ phú tuổi Sửu Trần Đình Long - Ảnh 7.

"Đầu tư vào một ngành được xem là quan trọng của quốc gia cũng là một lợi thế. Thép đang và sẽ là ngành được bảo hộ. Các bạn thử nghĩ một công ty có giá thành thấp nhất, nắm hơn 40%-42% thị phần chắc sẽ xảy ra vào năm 2021, chất lượng sản phẩm tốt, lợi thế của nó lớn đến mức nào?". Đánh giá này được "hoa hậu chứng khoán" Mai Phương Thúy đưa ra từ tháng 5/2020 khi nói về Hòa Phát. Thời điểm này giá mỗi cổ phiếu của HPG chỉ ở mức hơn 20.000 đồng.

Những nhà đầu tư như Mai Phương Thúy đã hưởng lợi lớn trong năm 2020 khi cổ phiếu của Hòa Phát tăng dựng đứng gấp hơn 2 lần trong năm 2020. Đà tăng này tiếp tục kéo dài sang năm 2021.

Những lời có cánh này cũng không quá khó hiểu khi đối chiếu với những đỉnh mới liên tiếp mà cổ phiếu của cỗ xe lu này đã san phẳng trong 2 năm qua.

Chỉ cách đây hơn 1 tháng, vào trung tuần tháng 10/2021, giá HPG lập đỉnh lịch sử ở mức khoảng 57.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2021. Với việc sở hữu hơn 26% cổ phần công ty, cùng danh sách dài người thân cùng nắm giữ cổ phần Hòa Phát, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long và gia đình đã tăng rất mạnh trong 2 năm 2020 và 2021.

Giá cổ phiếu phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt sau khi tập đoàn này liên tục công bố kết quả kinh doanh thuận lợi và những kế hoạch tương lai đầy xán lạn. Quý 4 năm 2020, Hòa Phát báo lãi kỷ lục 4.660 tỷ đồng, tăng 142% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020 Hòa Phát đạt 91.279 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với năm 2019 còn lợi nhuận sau thuế đạt 13.506 tỷ đồng, gấp 2,42 lần năm trước đó.

2021 - năm trâu mỹ mãn của tỷ phú tuổi Sửu Trần Đình Long - Ảnh 8.

Năm 2020 lần đầu tiên thép Hòa Phát đạt mức 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019. Đầu năm 2021, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất chính thức hoạt động đồng bộ cả 2 giai đoạn. Điều này cho phép Tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước.

Sang đến năm 2021, thép vẫn là "trụ đỡ" chính trong 4 lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn này, chiếm tỉ trọng trên 80% doanh thu và lợi nhuận.

Ngay trong quý 1/2021 với việc sản xuất 2 triệu tấn thép thô, tăng 60% so với cùng kỳ, Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam. Đứng thứ hai là Formosa Hà Tĩnh với sản lượng 1,62 triệu tấn, thấp hơn 20% so với sản lượng của Hòa Phát.

Sang quý 3/2021, thậm chí Hòa Phát đạt lợi nhuận 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên chỉ tiêu này vượt mốc 10.000 tỷ đồng trong một quý.

Với nhà đầu tư cổ phiếu HPG, năm 2021 không dễ dàng như năm 2020 khi giá lên xuống như tàu lượn. Thời điểm đầu tháng 6 năm 2021, HPG lần đầu tăng giá lên hơn 55.000 đồng/cổ phiếu. Điều này cũng khiến tạp chí Forbes đưa ông Trần Đình Long lên vị trí tỷ phú đô la thứ 2 với tổng tài sản 2,7 tỷ USD. Thời điểm này ông Long đứng thứ 1.216 tỷ phú giàu nhất hành tinh, trong khi bà Thảo xếp thứ 1.227.

Kể từ tháng 6, giá cổ phiếu HPG biến động lên xuống khá mạnh. Tầm giữa tháng 7, giá cổ phiếu HPG từng có lúc chỉ hơn 44.000 đồng. Cổ phiếu HPG nhanh chóng được giới đầu tư bắt đáy và sau đó tăng mạnh lên mức đỉnh mới lên 58.000 đồng hồi cuối tháng 10. Giá HPG vượt đỉnh lịch sử, Hòa Phát lọt Top 15 Công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới, tài sản của ông Trần Đình Long đạt 3,8 tỷ USD. Từ tháng 11 tới nay, một lần nữa cổ phiếu HPG lao dốc giảm tới 16% chỉ trong 1 tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại