Do hiện tượng khí hậu El Nino phát triển mạnh, năm 2016 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại, TTXVN dẫn lời giới chuyên gia của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO)(1).
Trong báo cáo phân tích của WMO, tháng 11/2018 là thời điểm đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp nóng nhất trong lịch sử khí hậu được ghi nhận (gồm các năm 2015, 2016, 2017 và 2018). Nhiệt độ trung bình toàn cầu (cả trên đất liền và đại dương) trong năm 2018 đều cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Chưa hết, 20 năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra trong vòng 22 năm qua.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, trên toàn thế giới phải hứng chịu 14 thảm họa thiên tai gây thiệt hại về của trên 1 tỷ USD (tính riêng mỗi thảm họa). Tính tổng 14 thảm họa thiên tai này cướp đi sinh mạng của ít nhất 247 người, gây thiệt hại ít nhất 91 tỷ USD, TTXVN lấy số liệu của WMO.
Điều đáng chú ý là, những năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu đều trùng với các năm có hiện tượng El Nino diễn ra. Và nay, các nhà khoa học lại phát hiện điểm bất thường của El Nino trong vòng 400 năm trở lại đây.
Cụ thể, theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học quốc tế về khoa học Trái Đất và khí hậu, từ cuối thế kỷ 20 đến nay, hiện tượng El Nino bắt đầu gia tăng mạnh mẽ ở khu vực Trung Thái Bình Dương.
Để hiểu rõ vấn đề, các tác giả lý giải:
Hiện tượng El Nino mô tả sự nóng lên gần như cả năm của bề mặt đại dương tại khu vực Nam Thái Bình Dương. Hiện tượng mặt biển nóng lên bất thường này diễn ra mạnh mẽ đến nỗi tác động của chúng gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Trong các năm huất hiện hiện tượng El Nino mạnh mẽ, Australia và một số khu vực châu Á thường nhận được lượng mưa ít hơn nhiều so với những năm bình thường, gây hạn hán ở nhiều nơi. Ngược lại, các nước tại khu vực châu Mỹ lại phải hứng chịu những trận mưa như thác đổ, gây ra lũ lụt trên diện rộng.
Tại sao El Nino cùng khiến cho mặt biển các khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương nóng lên nhưng tác động của nó (hạn hán-lũ lụt) lại khác nhau?
Nguyên nhân là do những thay đổi mà El Nino gây ra trong hoàn lưu khí quyển. Cụ thể:
Trong những năm bình thường (không có El Nino), sự lưu thông Walker di chuyển dọc theo đường xích đạo trên khắp khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khi El Nino xuất hiện, việc nước biển nóng lên bất thường đã phá vỡ, thậm chí là đảo ngược, mô hình lưu thông Walker.
Mô hình lưu thông Walker (Walker circulation, hay Walker cell) được mô tả là mô hình các khối khí lưu chuyển lên-xuống. Các khối khí di chuyển hướng lên tạo ra thời tiết mưa nhiều, ngược lại, các khối khí di chuyển hướng xuống tạo thời tiết khô ráo.
Bề mặt đại dương nóng lên đồng nghĩa với thảm họa siêu bão xảy ra dữ dội, khó lường. Ảnh minh họa siêu bão Yutu mạnh nhất năm 2018. Nguồn: Vệ tinh NOAA.
Và ở khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương, các khối khí hướng lên (gây mưa) nằm ở phía Tây. Tuy nhiên, dưới tác động mạnh mẽ của El Nino, các khối khí hướng lên đều bị kéo sang phía Đông, gây nên những trận mưa lũ khổng lồ cho châu Mỹ, và ngược lại, phía Tây lại hứng chịu hạn hán nặng nề.
Đó là lý do, trong những năm xuất hiện El Nino, các nước vùng châu Mỹ thường xuyên hứng chịu các trận mưa lớn, bão, siêu bão... gây lũ lụt nặng nề. Trong khi đó, các nước tại Đông Nam Á, Australia... lại phải chịu những trận nắng nóng khắc nghiệt gây hạn hán, cháy rừng lớn.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia về khoa học Trái Đất, hiện tượng El Nino mới đã được phát hiện tại khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương. Kiểu El Nino mới này được mô tả là khiến cho vùng nước đại dương tại Trung Thái Bình Dương nóng lên.
Mặc dù không mạnh như hiện tượng El Nino xuất hiện ở Đông Thái Dương nhưng việc El Nino khiến nước biển nóng lên tại Trung Thái Bình Dương đã được quan sát rõ ràng hơn trong những thập kỷ gần đây (bao gồm cả năm 2014-2015 và gần đây nhất là năm 2018-2019).
Phát hiện này khiến các nhà khoa học thực sự lo lắng. Tại sao vậy?
Thế giới ngày nay, cùng với những phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, gia tăng dân số... là những "cái giá" mà chính chúng ta đang phải "trả" qua từng năm. Đó là ô nhiễm môi trường, là biến đổi khí hậu nhân tạo, là ấm lên toàn cầu...
Dưới tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu nhân tạo (sinh ra từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, sinh hoạt... của con người), El Nino nói riêng và các dạng thời tiết cực đoan khác nói chung ngày càng bất thường, khó đoán và mạnh hơn bao giờ hết.
Trong một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Khí quyển (IAP) tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc: Năm 2018, nhiệt độ đại dương giữ kỷ lục nóng nhất trong lịch sử 70 năm trở lại đây. Lượng nhiệt mà đại dương toàn cầu năm 2018 phải hấp thụ gấp 150 triệu quả bom nguyên tử "Little Boy" Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945(đọc chi tiết).
Việc El Nino "biến đổi hành vi" (xuất hiện và làm nóng bề mặt mặt biển tại Trung Thái Bình Dương) chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội và hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Một minh chứng rõ ràng, hiện tượng El Nino xuất hiện gần đây nhất vào năm 2015-2016 đã kích hoạt dịch bệnh bùng phát trên quy mô toàn cầu.
Dĩ nhiên, đó là chưa kể đến những tác động từ khí hậu và thời tiết cực đoan mà El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu nhân tạo mang đến những "sát thủ thầm lặng" như: Siêu bão khó lường, nắng nóng cực đoan, lũ lụt, hạn hán... tất cả đang khiến chính con người và môi sinh bị tàn phá nặng nề.
Không tự nhiên mà giới khoa học xếp ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu vào danh sách "Những thảm họa đe dọa sự tồn vong của nhân loại" cùng với thiên thạch khổng lồ lao vào Trái Đất, chiến tranh hạt nhân, dịch bệnh quy mô toàn cầu...
Giữa tháng 4/2019, National Geographic dẫn lời các nhà khoa học cho biết, do tác động của hiện tượng El Nino cộng với hệ quả của biến đổi khí hậu nhân tạo, giới khoa học đưa ra cảnh báo: Năm 2019 được dự báo là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại(đọc chi tiết).
"Mỗi một biến động (tăng dần) của sự ấm lên toàn cầu đều có tác động rất lớn đến sức khỏe con người, đến việc tiếp cận lương thực và nước ngọt, cũng như ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của động-thực vật, hay đến sự tuyệt chủng của các rạn san hô và sinh vật biển.", Phó tổng thư ký WMO Elena Manaenkova cho biết.
Với những thảm họa thiên tai khó lường này, nhiều người trên khắp thế giới đang tự hỏi thời tiết khắc nghiệt nào sẽ xảy ra với họ trong những tháng và năm tới?
Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.