"Món quà" thứ 3 của ông Trump với Israel
Sau khi Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem và Cao nguyên Golan là lãnh thổ Israel, nhiều tin đồn cho rằng ông Donald Trump có thể sẽ tặng thêm một "món quà" cho Thủ tướng Netanyahu bằng cách thừa nhận chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây.
Các nhà bình luận chính trị Israel hiện đã thảo luận về xác suất của một kịch bản như vậy.
Vào ngày 12/8, tờ Times of Israel đưa tin , trích dẫn các quan chức của Văn phòng Thủ tướng (PMO), rằng ông Netanyahu đang vận động Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây trước cuộc bầu cử vào tháng 9 để bảo đảm chiến thắng của Đảng Likud của ông.
PMO đã từ chối bình luận khi nhận được các câu hỏi của phóng viên. Điều đó tương đồng với việc giả định nói trên không hoàn toàn bị bác bỏ.
Ông Trump công nhận Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng của Syria thuộc chủ quyền Israel
Vào ngày 6/12/2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ về thành phố này, điều mà các tổng thống tiền nhiệm đã "tránh" trong 22 năm, kể từ khi thông qua Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem 1995.
Thông báo của ông Trump được đưa ra 6 ngày trước ngày lễ Hanukkah của người Do Thái.
Động thái táo bạo thứ hai của Tổng thống Mỹ là công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan (chiếm từ Syria sau Chiến tranh Sáu ngày 1967) vào ngày 22/3/2019.
Quyết định được công bố chưa đầy ba tuần trước cuộc tổng tuyển cử của Israel và trùng với ngày lễ Purim của người Do Thái, khiến ông Netanyahu gọi động thái của Trump là "phép màu Purim".
Trong khi chiến thắng tháng 4 của Netanyahu phần lớn liên quan đến việc công nhận Golan, câu hỏi được đặt ra là liệu ông Trump sẽ tặng thêm một món quà bầu cử nào cho thủ tướng Israel vào tháng 9 hay không.
Những người lính Israel tại Đông Jerusalem đang mang theo một chiến lợi phẩm là bức chân dung của vua Jordan Hussein, hình ảnh được ghi lại trong Chiến tranh 6 ngày 1967
Bờ Tây có thể củng cố vị thế chính trị của cả ông Netanyahu và ông Trump?
Nhà phân tích chính trị và nhà báo người Israel Avigdor Eskin cho rằng các báo cáo gần đây "không chỉ là tin đồn".
Ông Eskin đã trích dẫn tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman trong một cuộc phỏng vấn tháng 6 của tờ New York Times rằng một số phần của Bờ Tây (Judea và Samaria) có thể xem xét nằm dưới quyền tài phán của Israel.
"Những vùng lãnh thổ này chưa bao giờ thuộc về người Palestine, chúng từng nằm dưới quyền cai trị của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, người Anh, người Jordan và bây giờ là Israel với quyền tự trị nhất định đối với những người Palestine do Mahmud Abbas lãnh đạo".
Bờ Tây, một lãnh thổ không có bờ biển gần Địa Trung Hải đã nhiều lần đổi chủ trong những thế kỷ qua.
Sau khi bị tách ra khỏi Đế quốc Ottoman, khu vực này được gọi là Lãnh thổ Ủy trị Palestine trong khoảng thời gian từ 1920 đến 1947 và sau đó bị Jordan chiếm giữ sau hậu quả của Chiến tranh Arab-Israel năm 1948. Năm 1967, nó đã bị Israel kiểm soát sau trong Chiến tranh 6 ngày và được coi là một lãnh thổ bị chiếm đóng bởi Liên Hợp Quốc.
Israel đưa ra yêu sách đối với khu vực "Kinh Thánh của Judea và Samaria", một phần của Bờ Tây ngoại trừ Đông Jerusalem, vì Samaria tương ứng với Vương quốc Israel cổ đại, và Judea tương ứng với Vương quốc Judah cổ đại.
Các khu định cư và các khu vực cấm người Palestine ở Bờ Tây
"Một trong những giải pháp quan trọng là xem xét khả năng trao trả cho người Palestine ở Bờ Tây quyền công dân gốc (Jordan) vì phải đến cuối những năm 1980 họ mới có quyền tự trị nhất định.
Trong khi đó luật pháp Israel được thực thi trên các lãnh thổ do các khu định cư Do Thái kiểm soát".
Theo nhà báo, kịch bản này đã được "thảo luận công khai và trong các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các quan chức Israel và Mỹ".
Tuy nhiên, Eskin nhận xét rằng nhiều khả năng xác nhận chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây sẽ được Mỹ công nhận trước cuộc tổng tuyển cử ở Israel, dự kiến vào ngày 17/9.
"Có thể có một tuyên bố chung của Tổng thống Trump thể hiện sự công nhận về các khu vực Kinh thánh là một phần của Israel.
Một số động thái sẽ kết nối các tuyên bố với các cuộc bầu cử. Điều này sẽ củng cố vị thế của các ông Donald Trump và Benjamin Netanyahu".
Cái giá phải trả: Intifada lần 3 của người Palestine
Người Palestine đã tiến hành hai cuộc nổi dậy (Intifada) toàn diện chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây và dải Gaza.
Trong cuộc nổi dậy lần đầu tiên (1987-1993), vũ lực của binh lính Israel đã làm bị thương hàng ngàn trẻ em Palestine, một số chỉ mới 10 tuổi. Trong cuộc nổi dậy lần thứ 2 (2000-05), các chiến binh Palestine đã đánh bom các xe buýt và hộp đêm của người Israel.
Tất cả đều cho thấy bạo lực là một đặc điểm tiêu biểu của Intifada.
Cả hai cuộc intifada đều có những nguyên nhân cụ thể. Cuộc đầu tiên bắt đầu khi một chiếc xe tải của quân đội Israel đâm trúng một nhóm người Palestine ở Gaza, giết chết 4 người.
Cuộc thứ 2 được châm ngòi bởi việc Thủ tướng Israel ở thời điểm đó, ông Ariel Sharon đến thăm các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem. Và chắc chắn quyết định của ông Trump sẽ châm ngòi cho cuộc Intifada lần 3.
Tuy nhiên, đổ máu không phải là đặc trưng duy nhất của intifada. Một thước đo thứ hai của intifada là tính tổ chức và leo thang quân sự hóa.
Trong khi cuộc Intifada đầu tiên được giám sát bởi một nhóm ủy ban của người dân thì trong cuộc thứ hai, các nhóm chiến binh đã tiến hành các trận đánh được lên kế hoạch từ trước chống lại binh sĩ Israel.
Với leo thang như vậy, chắc chắn Intifada lần 3 sẽ trở thành một cuộc xung đột vũ trang trong lòng Israel, và có thể sẽ trở thành thảm họa nhân đạo khủng khiếp, tương tự như những gì đang diễn ra ở Yemen hiện tại.
Cuộc Intifada lần 2 của người Palestine (2000-2005)