Tính cả năm 2015 và 2016 trước đó, 2017 là năm nóng nhất lần thứ ba trong lịch sử từng ghi nhận theo dữ liệu của NASA. Đây cũng là năm nóng nhất liên tiếp lần thứ 5 kể từ 2010 (dữ liệu của NOAA).
Đặc biệt, dữ liệu thống kê của Văn phòng Met Office (Dịch vụ thời tiết quốc gia Anh) và Phòng nghiên cứu khí hậu thuộc trường ĐH. East Anglia cho thấy, 2017 là năm nóng nhất lần thứ 3 và năm nóng chưa từng thấy ngay cả khi không chịu sự tác động từ hiện tượng El Niño.
Hiện tượng El Niño là một chu trình tự nhiên của hệ thống khí hậu gây ra tình trạng nhiệt độ bề mặt biển Thái Bình Dương nóng hơn so với thông thường.
Ước tính, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm ngoái đã cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đồng thời, mức nhiệt cũng tăng 0,4 độ C so với trung bình giai đoạn 1981-2010.
Trong khi đó, Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA tiết lộ, 2017 là năm có nhiệt độ bề mặt toàn cầu nóng nhất lần thứ 2 liên tiếp kể từ năm 1880. Trước đó 2016 là năm nóng kỷ lục và cao nhất.
Số liệu thống kê của NASA được tổng hợp từ 6.300 trạm thời tiết, máy đo nhiệt độ từ tàu biển và các phép đo nhiệt độ tại các trạm nghiên cứu ở Nam Cực.
Bản đồ cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu từ 2013 tới 2017 so với mức trung bình 1951-1980. Trong đó, màu vàng và cam thể hiện mức nhiệt độ nóng hơn. Ảnh Viện nghiên cứu không gian Goddard thuộc NASA.
Số liệu của Met Office và trường ĐH. East Anglia đưa ra cùng ngày với NASA và NOAA.
Biểu đồ phân vị nhiệt độ trung bình toàn cầu đất liền và đại dương giai đoạn tháng 1-12/2017 cho thấy nhiệt độ toàn cầu đang gia tăng theo cách không thể kiểm soát. Ảnh NOAA
Điều bất ngờ là số liệu từ các tổ chức độc lập, bao gồm cả NOAA và NASA lại cho thấy sự tương đồng đến khó tin bất chấp các phương pháp đo đạc và nghiên cứu khác nhau. Cụ thể, cả NOAA và Met Office đều khẳng định, 2017 là năm nóng nhất lần thứ 3 liên tiếp trong lịch sử.
Qua từng năm, nhiệt độ càng gia tăng một cách chóng mặt. Ảnh NOAA
Sự nhất quán giữa số liệu phân tích từ các bên một lần nữa chứng minh tính đúng đắn của dữ liệu thu thập được.
Tiến sĩ Colin Morice thuộc Văn phòng Met Office cho biết: "Các số liệu nhiệt độ toàn cầu 2017 của chúng tôi có sự tương đồng với các trung tâm khí hậu khác trên thế giới.
2017 là một trong ba năm nóng nhất lịch sử và đây cũng là năm nóng nhất kể từ năm 1985 mà không chịu sự tác động của hiện tượng El Niño".
NASA cho biết, 2015 và 2016 là những năm nóng nhất trong lịch sử nhưng chịu sự tác động từ El Niño. Còn 2017 là một năm tồi tệ hơn thế.
Trong khi đó, tiến sĩ Stephen Cornelius, cố vấn khí hậu của tổ chức WWF khẳng định, 2017 tiếp tục là năm ghi dấu tiếng gọi khẩn thiết của thiên nhiên.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan, tình trạng tẩy trắng san hô hay quần thể rùa Úc sinh ra toàn con cái đều là những hậu quả nhãn tiền do nhiệt độ toàn cầu tăng lên.
Hậu quả của biến đổi khí hậu và hiện tượng Trái Đất nóng lên đã ở ngay trước mắt
Vấn đề trên thực sự nguy hiểm tuy nhiên các nhà khoa học khí hậu không quá ngạc nhiên trước các số liệu mới nhất.
Tiến sĩ Dann Mitchell thuộc Hội đồng Nghiên cứu Môi trường Thiên nhiên thuộc Đại học Bristol khẳng định:
"Các quan sát nhiệt độ toàn cầu gần đây phù hợp với những gì chúng ta đã mong đợi từ lâu, không chỉ mang tính lý thuyết mà còn liên quan đến các mô hình dự báo và sự hiểu biết của con người về hệ thống khí hậu.
Khí quyển đang ấm dần lên, gần như đã chạm ngưỡng 1 độ C trên toàn cầu. Và chúng ta đang tiến tới rất gần giới hạn 1,5 độ C đã đặt ra trong thỏa thuận Paris".
GS. Bob Lowe, giám đốc Viện Năng lượng Đại học Luân Đôn đồng ý với quan điểm trên. Ông cho rằng, dữ liệu thời tiết năm 2017 về cơ bản không thay đổi.
Lowe tin rằng, khoa học khí hậu ngày càng thể hiện được sự chắc chắn trong việc dự đoán, giải thích các xu hướng và mô hình khí hậu toàn cầu.
Những số liệu nhiệt độ được công bố hàng năm sẽ là cơ sở quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo và doanh nghiệp các nước có thể đưa ra các quyết sách nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu tốt hơn.
Khi được hỏi về tác động của biến đổi khí hậu đang diễn biến như thế nào, GS Martin Siegert, chuyên gia về biến đổi khí hậu tại Học viện Hoàng gia Luân Đôn, khẳng định:
"Hãy quyên đi lời nói của những người theo chủ nghĩa hoài nghi, biến đổi khí hậu là có thật và chúng đang xảy ra ngay lúc này. Chúng ta đã trải qua những cơn bão và hạn hán khắc nghiệt xảy ra ở cấp độ lịch sử trên khắp thế giới.
Đây là một lời cảnh báo khác. Để phát triển nền kinh tế bền vững không còn carbon và để mọi thứ không quá muộn, chúng ta phải nỗ lực gấp đôi hơn thế".
2017 là một năm đặc biệt tốn kém với Mỹ khi nước này đã phải chi rất nhiều tiền cho việc khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu, bao gồm các cơn bão nhiệt đới, cháy rừng và nay là bom bão tuyết.
Năm ngoái, các nhà khoa học đã nhận thấy sự sụt giảm mạnh mẽ của lớp băng vĩnh cửu tại Bắc Cực và Nam Cực. Sự suy giảm này cũng kéo theo hiện tượng nước biển dâng, đồng thời tạo ra một chu kỳ luẩn quẩn khiến tốc độ băng tan nhanh hơn.
Băng tan khiến mức độ phản xạ ánh sáng của Mặt trời thấp hơn, dẫn tới nhiệt độ bề mặt Trái Đất ngày càng tăng. Nhiệt độ gia tăng trong bối cảnh lượng CO2 trong khí quyển giống như một tấm lưới dày, chặn nhiệt độ thoát ra khỏi không gian vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.