Chiều 24/11, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bến Tre cho biết, sáng cùng lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng tránh, ứng phó bão số 9 tại các địa phương khu vực xung yếu tại các huyện ven biển.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng tránh, ứng phó bão số 9 và quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tạm ngưng hoạt động đối với các bến phà, bến đò qua sông, đò du lịch kể từ 17h hôm nay.
Các khu du lịch, khu vui chơi giải trí tập trung đông người, nhất là đối với các khu du lịch ven biển, ven sông, các cồn tạm ngưng hoạt động kể từ 13h cùng ngày.
Các lực lựơng sơ tán, di dời dân ở các khu vực xung yếu có nguy cơ cao bị ảnh hưởng như: trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển cửa sông có nguy cơ bị sóng, gió lớn, khu vực ngập sâu có nguy cơ sạt lở, các cồn, nhà tạm bợ....
Ghe tàu neo tại bến, tránh bão.
Theo lãnh đạo tỉnh, số lượng người cần di dời sơ tán tại 3 huyện biển Bến Tre là Ba Tri, Giồng Trôm và Thạnh Phú là khoảng 16.000 người. Từ chiều qua Bộ Chỉ huy BĐBP đã liên lạc tổng số 2.558 phương tiện đang hoạt động trên biển với 15.699 người. Trong đó hoạt động gần bờ 750 phương tiện (2.102 người), hoạt động xa bờ 1.8.8 phương tiện (13.597 người). Số phương tiện đang neo đậu 591.
"Những khu vực nguy hiểm, lực lượng chức năng sẽ tiến hành sơ tán người dân đến nơi an toàn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập nói.
Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực xuyên suốt, theo dõi sát tình hình bão số 9. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa và thường xuyên rà soát, sắp xếp neo đậu, tổng hợp, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến.
Bộ đội biên phòng gia cố tuyến đê xung yếu ở Tiền Giang.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Trà Vinh cũng cho biết tỉnh đã chủ động các phương án ứng phó và túc trực 24/24 để ứng phó với cơn bão số 9. Toàn tỉnh có tổng số 1.216 tàu/4.864 ngư dân. Số tàu đang hoạt động trên biển là 106 tàu/446 ngư dân. Trong đó có 42 tàu/244 ngư dân hoạt động xa bờ nhưng tất cả các tàu hoạt động ngoài khu vực ảnh hưởng của bão số 9. Số còn lại neo đậu tại bến.
Tại Tiền Giang, chiều 24/11, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, huyện đã cơ bản sơ tán dân bước 1, với khoảng 1.513 hộ.
Các hộ buộc phải sơ tán là nhà không an toàn vào nơi an toàn, nhà ngoài đê vào nhà an toàn phía trong đê. Những hộ dân dân thuộc các địa phương như: xã Tân Thành, Tân Điền, Tăng Hòa, Phước Trung, thị trấn Vàm Láng, Tân Phước và Gia Thuận.
Tại huyện Tân Phú Đông, công tác di dời dân bước 1 cũng cơ bản hoàn thành. Huyện đã sơ tán 1.452 hộ, huy động 11 xe khách để khi cần thiết sẽ di dời dân bước 2, chằng néo 466 căn nhà không an toàn…
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang kiểm tra công tác ứng phó với bão.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã đi thị sát và kiểm tra trên toàn tuyến đê xung yếu ven biển của tỉnh.
Tại đây, ông Lê Văn Hưởng đã kiểm tra công tác gia cố ở các đoạn đê xung yếu trước khi bão có khả năng đổ bộ vào. Ngoài ra, ông cũng thăm hỏi, động viên các chiến sĩ và yêu cầu phải túc trực quân số để khi cần thiết phải có mặt để bảo vệ tuyến đê này.
200 bộ đội gia cố đê biển chống bão.
Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang và Huyện đội Gò Công Đông đã đưa khoảng 200 chiến sĩ xuống hộ đê Gò Công để bảo vệ những đoạn đê xung yếu ven biển của tỉnh.
Đê biển Gò Công dài khoảng 21 km, có 4 đoạn dài khoảng 200m đang bị xâm thực vào tới chân đê. Đây là những điểm xung yếu nhất cần phải bảo vệ khi bão uy hiếp tuyến đê này.