20 năm Thủ Thiêm: Món nợ phiếu bầu và món nợ nhân tâm

Hoàng Việt |

Có lẽ nào 20 năm qua, nhiều nơi cần phải nghe người dân Thủ Thiêm trình bày, nhiều nơi cần phải lên tiếng thì đều mặc nhiên im lặng và lảng tránh?

Tôi có thâm niên làm báo hơn 15 năm ở một số tờ báo, kênh truyền hình lớn. Nhưng trong suốt những năm theo nghiệp viết lách, tôi chỉ thực hiện đưa tin về việc kiện tụng, đòi quyền lợi liên quan đến đất đai duy nhất một lần. Đó là vụ việc của ông Vũ Anh Hài, trú tại Mê Linh, Hải Phòng.

Ông Hài hơn 60 tuổi, trước khi gặp tôi đã ôm đơn thư đi khắp nơi cầu khẩn, kêu cứu vì hàng chục hecta đầm nuôi tôm của ông tại huyện Cát Hải bị thu hồi,nhưng đền bù không thỏa đáng.

Vụ việc khiến kiện kéo dài hàng thập kỷ này đã khiến ông Hài suy nhược nặng. Mặc dù có thời điểm Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, ra công văn gửi tới những cơ quan chức năng của TP Hải Phòng đề nghị xem xét đền bù thỏa đáng cho ông Hài, nhưng vụ việc cứ nhùng nhằng mãi không giải quyết xong.

20 năm Thủ Thiêm: Món nợ phiếu bầu và món nợ nhân tâm - Ảnh 1.

Mỗi lần lên Hà Nội gặp phóng viên để trình bày, cung cấp những giấy tờ, băng ghi âm, hồ sơ, mắt ông ấy lại sáng lên với những tia hy vọng. Tôi tự hỏi, ông ấy trông đợi gì ở mình, một phóng viên, một nhà báo nhưng tiếng nói cũng cực kỳ nhỏ bé.

Mặc dù tôi đã cố gắng thực hiện những phóng sự công phu, thu thập ý kiến của nhiều người, nhiều cơ quan chức năng nhưng sau khi phát sóng, mọi thứ giống như hòn đá ném xuống ao bèo. Nhiều năm liền, vụ việc cứ từ từ chìm xuống và tôi không đủ kiên nhẫn để tiếp tục thực hiện cái công việc gần vô nghĩa đó nữa.

Nhưng ông già hơn 60 tuổi kia vẫn tiếp tục kỳ cạch viết đơn thư rồi đi rải khắp nơi. Những phóng sự tôi đã phát sóng ông ta cũng ghi lại thành đĩa VCD, ghi cụ thể tên phóng sự, kênh phát sóng, ngày giờ phát sóng để gửi kèm vào tập hồ sơ nặng hàng chục kg của mình.

Nhiều lúc tôi đã khuyên ông, hay là bỏ cuộc đi chú, hơn 10 năm, rất nhiều thời gian, công sức, tuổi trẻ, chú có thể làm được nhiều việc khác, có thể sống thoải mái hơn.

Nhưng ông ấy vằn mắt lên rồi gằn giọng, không thể, không bao giờ, tiền bạc, công sức, xương máu và rất nhiều năm tháng tuổi trẻ của mình đã đổ xuống khu đầm đó. Tự nhiên bị mất trắng, uất ức lắm cháu ạ.

20 năm Thủ Thiêm: Món nợ phiếu bầu và món nợ nhân tâm - Ảnh 2.

Cư dân Thủ Thiêm ngất tại buổi tiếp xúc của tổ ĐBQH TP.HCM với người dân.

Trường hợp như ông Hài, hàng chục năm ôm đơn đi kiện để đòi quyền lợi sau khi bị thu hồi đất đai có thể nói là quá phổ biến.

Sau ông Hài, tôi không tiếp nhận thêm đơn thư của người dân về đất đai thêm bất kỳ một lần nào. Bởi tôi không đủ kiên nhẫn, không đủ sức lực và thời gian để đồng hành cùng họ - những người dân bức xúc vì mất đất, mất quyền lợi trên đất. Chặng đường tìm công lý của nhiều vụ việc có khi được tính bằng nửa đời người hoặc cả đời người.

Vụ việc tại Thủ Thiêm là một câu chuyện tương tự như vậy. Hơn 100 hộ dân còm cõi ôm đơn thư ngược xuôi vào Nam ra Bắc.

Gần 20 năm qua, chắc hẳn họ cũng đã gặp gỡ, muốn gửi lời khẩn cầu đến những phóng viên, nhà báo. Nhưng nhà báo cũng chỉ là những người đưa tin giống như tôi. Họ thực hiện công việc của mình với vô số áp lực.

Khi vụ việc như đi vào ngõ cụt, không phải bất kỳ nhà báo nào cũng đủ dũng cảm để đeo bám một vụ việc kéo dài chừng 20 năm như tại Thủ Thiêm. Đó là một thực tế, một món nợ của báo chí với người dân.

Và không chỉ báo chí nợ người dân Thủ Thiêm, tôi nghĩ còn rất nhiều những cơ quan chức năng khác nợ Thủ Thiêm một lời giải thích. Hôm qua, sau 20 năm, những tiếng nói từ gan ruột của người dân mới được cất lên trong buổi tiếp xúc cử tri. 20 năm qua, những người tiền nhiệm của bà đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm đã ở đâu?

Chẳng lẽ 20 năm qua, một số đại biểu của dân dường như cũng lãng quên những người dân đã ủng hộ họ trên bước đường quan lộ?

Hôm qua, người dân nói như chưa bao giờ được nói, nói trong nước mắt nhưng vẫn đưa ra được những bằng chứng pháp lý cụ thể rõ ràng. Gần 20 năm qua, tại sao họ mới được nói, được nghe một cách công khai, rộng rãi? Có lẽ nào 20 năm qua, nhiều nơi cần phải nghe họ trình bày, nhiều nơi cần phải lên tiếng thì đều mặc nhiên im lặng và lảng tránh?

Bây giờ thì mọi việc tại Thủ Thiêm đều đồng loạt được phơi bày trên truyền thông một cách tường tận, rõ ràng. Cõ lẽ, trong mơ người Thủ Thiêm chưa chắc đã dám mơ đến ngày này.

Hy vọng, khi đất nước đang ở trong một thời kỳ mới thì những nỗi oan ức thấu trời như tại Thủ Thiêm sẽ được giải quyết, những sai phạm của các cá nhân, tập thể sẽ được xử lý một cách triệt để khách quan. Chưa bao giờ người dân mang nhiều hy vọng như lúc này. Đừng để họ thêm một lần thất vọng.

Tôi nghĩ, cũng đã đến lúc nhiều đại biểu được người Thủ Thiêm bầu ra đang nợ nhân dân một lời xin lỗi. Nhiều nhà báo chúng tôi cũng sẽ tự vấn lương tâm tại sao mình lướt qua nỗi đau của họ 20 năm. Đây là một món nợ nhân tâm thực sự và không bao giờ chúng ta trả hết được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại