Tinh thần dân tộc của người Trung Quốc sục sôi vì Mỹ?
Tinh thần dân tộc của người Trung Quốc đang sôi sục trên khắp các mạng xã hội của nước này, sau khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ lựa chọn đúng ngày 8/5 - ngày kỉ niệm 20 năm vụ Đại sứ quán Trung Quốc tại Serbia bị trúng bom của Mỹ và NATO trong cuộc khủng hoảng Kosovo - để tuyên bố về quyết định tăng thuế nhập khẩu nhằm vào 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Vào ngày hôm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã lên Twitter nhắc lại về kế hoạch tăng thuế, cáo buộc Trung Quốc "phá vỡ thỏa thuận", trong khi phái đoàn đàm phán Trung Quốc do Thủ tướng nước này dẫn đầu lên đường sang Washington với thiện chí tham gia đối thoại với phía Mỹ về việc cắt giảm thuế.
Và mặc dù Tổng thống Trump hay đại diện thương mại của ông đều không nhắc tới vụ việc 20 năm trước, nhưng nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã chú ý tới điều này.
"Sau một năm đàm phán, Mỹ lại tuyên bố tăng thuế", một người đăng tải trên mạng xã hội Weibo. "20 năm trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Serbia đã trúng bom Mỹ... Lí do Mỹ tuyên bố tăng thuế vào thời điểm này đã rõ ràng, nhưng Trung Quốc ngày nay đã khác Trung Quốc của 20 năm trước - bây giờ người khác không thể tùy tiện đe dọa chúng ta được nữa".
Zhang Lifan, một bình luận viên chính trị tại Bắc Kinh, cho biết những luồng ý kiến của các tổ chức và dư luận Trung Quốc về chiến tranh thương mại rất đa dạng, nhưng tinh thần dân tộc luôn là cách tốt nhất để chính phủ và người dân nước này đoàn kết lại.
Vụ đánh bom ngày 7/5/1999 đã khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng, và khoảng 20 người khác bị thương. Vụ việc đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc, và các cuộc biểu tình đã nổ ra nhiều ngày sau đó trên phạm vi toàn quốc.
Tại Bắc Kinh, hàng vạn người biểu tình đã cô lập Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc vào thời điểm đó ở phía trong tòa nhà Đại sứ quán và ném đá dữ dội về phía tòa nhà này.
Mỹ và NATO đã bác bỏ cáo buộc đây là vụ đánh bom có chủ ý. Tuy nhiên, đây vẫn là tuyên bố gây tranh cãi suốt 2 thập kỷ sau đó.
(Cựu) Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc James Sasser bị cô lập trong tòa nhà Đại sứ quán tại Bắc Kinh hồi tháng 5/1999, khi những người biểu tình ném đá về phía tòa nhà này. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước Mỹ-Trung leo thang vì vấn đề thương mại, dư luận Trung Quốc đã nhắc lại vụ việc trên như một bài học, và kêu gọi chính phủ Trung Quốc không cần phải chịu đựng những cuộc tấn công nhằm vào các công dân và lãnh thổ Trung Quốc thêm nữa.
"Trước đây, chúng ta yếu đuối, nghèo nàn và lạc hậu, nên chúng ta đã phải chịu đựng nỗi tủi nhục. Ngày nay chúng ta đã giàu có và mạnh mẽ hơn... chúng ta không cần phải chịu đựng thêm nữa.
Trước đây, khi Mỹ trừng phạt chúng ta, thì chúng ta chỉ có thể 'cắn răng nhịn nhục', nhưng giờ đây nếu Mỹ tiếp tục trừng phạt, thì chúng ta có thể đáp trả bằng những biện pháp của riêng mình", một người dùng WeChat bình luận.
Truyền thông nhà nước thận trọng
Trong khi đó, phản ứng của các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc có phần chừng mực và thận trọng hơn.
Một bài viết được đăng tải hôm thứ Năm (9/5) vừa qua trên trang blog Taoran, được liên kết với truyền thông nhà nước và được các báo lớn như Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo trích dẫn, đã kêu gọi người dân Trung Quốc tăng cường nỗ lực để giúp đất nước trở nên mạnh mẽ hơn:
"Trở lại thời điểm khó khăn đó [sau vụ Mỹ, NATO đánh bom "nhầm" Đại sứ quán Trung Quốc], chúng ta vẫn một lòng kiên định thực hiện điều này: tăng cường sức mạnh kinh tế, quốc phòng và gắn kết quốc gia".
Bên cạnh đó, bài báo có tựa đề "Nếu các vị muốn đối thoại, chúng tôi có thể đối thoại; nếu các vị muốn chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu" nêu trên cũng nhắc lại một kí ức đau thương mà hai nước Mỹ-Trung từng cùng nhau trải qua - đó là cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
"Trong gần 3 năm diễn ra Chiến tranh Triều Tiên, [Trung Quốc và Mỹ] đã cùng đàm phán và cùng chiến đấu", bài viết này nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thương mại dài hơi với Mỹ.
"Khi [cả hai bên] đều cảm thấy đã có quá đủ xung đột, và đàm phán thành công, thì lúc đó giải pháp sẽ xuất hiện", bài viết trên kết luận.