20 năm con cừu nhân bản vô tính

Bảo Thư |

Tiến sĩ Geoffrey Hinton, một trong những nhà khoa học được xem là "cha đỡ đầu" của trí tuệ nhân tạo (AI), lại một lần nữa lên tiếng cảnh báo về nguy cơ máy móc kiểm soát con người. “Đây không phải chuyện khoa học viễn tưởng mà AI đang chiếm quyền kiểm soát xã hội loài người” - ông Hinton nói.

20 năm con cừu nhân bản vô tính - Ảnh 1.

TS Geoffrey Hinton phát biểu tại hội nghị công nghệ Collision ở Toronto (Canada). Nguồn: AFP.

Cảnh báo mới nhất từ nhà khoa học 75 tuổi, cựu chuyên gia Google và là người được trọng vọng vì những nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực AI, TS Hinton - người phát hiện và phát triển mạng lưới thần kinh nhân tạo - càng khiến cho tranh cãi về công nghệ mới này gay gắt hơn.

The Canadian Press nhận xét, ông Hinton dường như ngày càng “hoảng hốt” trước công nghệ AI, khi mà chính ông từng là người tiên phong trong lĩnh vực này. Ông chỉ “ngộ ra” vào tháng 5 năm nay khi rút khỏi Google và bắt đầu lên tiếng lo ngại về AI. “Có tới 99 người rất thông minh đang cố gắng làm cho AI tốt hơn và chỉ 1 người rất thông minh đang cố gắng tìm cách ngăn chặn AI tiếm quyền" - The Canadian Press dẫn lời TS Hinton khi cho rằng những nỗ lực kiểm soát AI của các chính phủ trên thế giới là chưa đủ và bày tỏ lo ngại AI sẽ khoét sâu thêm sự bất bình đẳng, mang lại lợi ích cho người giàu chứ không phải cho tầng lớp lao động.

Thực ra thì công nghệ AI đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu, bất chấp những cảnh báo cũng như những cố gắng kiểm soát. Dường như những ý kiến lo ngại nhiều hơn nhưng những ứng dụng của AI cũng lại nhiều thêm ở các lĩnh vực khác nhau. Người ta có thể nhận thấy rằng lời nói (cảnh báo) và việc làm (ứng dụng) đối với AI trên thực tế ngày một nới rộng khoảng cách.

Cuộc tranh cãi này khiến người ta nhớ lại vụ “con cừu Dolly”, là một động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính trên thế giới. Nó ra đời ngày 14/2/1996, chết ngày 14/2/2003 (7 năm tuổi, so với 14 năm tuổi trung bình của giống cừu cùng loài). Lúc đó, một luồng ý kiến hết lời ca ngợi là phát minh quan trọng nhất trong lịch sử. Luồng ý kiến khác cho rằng đó là một phát minh khoa học vô đạo đức, hạ thấp con người nếu như nó dùng để tạo ra “người mới” bằng cách nhân bản mà không tuân theo quy luật tự nhiên của loài người.

20 năm trôi qua kể từ ngày con cừu nhân bản vô tính chết, người cũng đã quên chuyện này. Tuy nhiên, với AI, tuy không nhân bản vô tính để tạo ra con người nhưng lo ngại về việc trí thông minh được tạo ra từ công nghệ có thể vượt trội con người lại gây tranh cãi. Theo một ý nghĩa nào đó thì ý kiến của nhà thần kinh nhân tạo Geoffrey Hinton cho dù có “hoảng hốt” đi chăng nữa, thì có lẽ cũng là một lời cảnh báo không thừa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại