Các căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài được liệt kê theo dữ liệu từ Báo cáo cấu trúc cơ sở năm tài chính 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ
Các cơ sở này được sử dụng để huấn luyện và triển khai quân đội, duy trì và thử nghiệm các hệ thống vũ khí cũng như máy bay chiến đấu. Nhiều nơi được đặt theo tên những quân nhân đã hy sinh cho nước Mỹ
Đáng chú ý, trong số 50 căn cứ quân sự hàng đầu của Mỹ ở nước ngoài, có 18 căn cứ ở Nhật Bản và 9 căn cứ ở Hàn Quốc. Đây là di sản từ Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như để đối phó với thách thức hiện tại trong khu vực
20. Yong Pyong, Hàn Quốc. Nằm ở vùng nông thôn Yong Pyong, miền Bắc Hàn Quốc, đây là một trung tâm huấn luyện cho các đơn vị sử dụng phương tiện bọc thép thực hành sử dụng hỏa lực trực tiếp. Dễ dàng bắt gặp ở đây các trực thăng huấn luyện, xe chiến đấu Bradley, xe tăng M1 Abrams, pháo binh…
19. Moron, Tây Ban Nha. Căn cứ không quân Moron nằm ở vùng Andalusia, miền Nam Tây Ban Nha, là nơi thường trú của khoảng 3.000 lính Mỹ, chuyện về các hoạt động chống Libya cũng như hỗ trợ nhân đạo ở Bắc Phi. Rộng 1.387 ha, chi phí xây dựng căn cứ khoảng 829,1 triệu USD.
18. Đảo Ascension, quần đảo Saint Helena. Nằm ở Nam Đại Tây Dương, căn cứ này được Mỹ củng cố trong Chiến tranh Lạnh và nó cũng được sử dụng phóng tên lửa nghiên cứu để theo dõi các nhiệm vụ của tàu Apollo.
17. Misawa, Nhật Bản. Căn cứ không quân Misawa trên đảo Honshu từng là nơi đào tạo phi công cho cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng và nó đã bị bom phá hủy gần 90% trong Thế chiến II. Ngày nay, nhân viên quân sự Mỹ và Nhật Bản từ đây có thể giám sát không gian qua hệ thống vệ tinh
16. Kadena, Nhật Bản. Căn cứ không quân Kadena đặt tại thành phố Okinawa, Nhật Bản gồm phi đội 81 máy bay sẵn sàng chiến đấu, tạo thành một trong những không đoàn lớn nhất của quân đội Mỹ ở nước ngoài. Kadena hiện có khoảng 8.000 nhân viên không quân Mỹ.
15. Exmouth, Australia. Trạm liên lạc hải quân Harold E. Holt ở Exmouth, miền Tây Australia, nằm trên một bán đảo tách biệt ở Vịnh Exmouth thuộc Ấn Độ Dương. Trạm được thành lập vào năm 1967, làm cầu nối liên lạc với tàu ngầm và các tàu ở Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương.
14. Trại Schwab, Nhật Bản. Trại Schwab Camp là một căn cứ quân sự của Mỹ dành để huấn luyện cho binh sỹ đồn trú trên đảo Okinawa. Nó được đặt tên theo Albert E. Schwab, một lính thủy được vinh danh trong trận Okinawa năm 1945. Nó rộng khoảng 2.184 ha, chi phí xây dựng khoảng 1,6 tỷ USD
13. Khu A-VLF, Australia - là một cơ sở liên lạc tần số thấp đặt tại North West Cape, ở phía Tây Australia trên một bán đảo ngăn cách Ấn Độ Dương với Vịnh Exmouth. Đây là một phần mạng lưới liên lạc giữa Mỹ-Australia với tàu ngầm và các loại tàu khác
12. Trạm hải quân Rota, Tây Ban Nha. Được thành lập năm 1953 ở miền Nam Tây Ban Nha, Trạm hải quân Rota hỗ trợ hậu cần cho lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi. Căn cứ này có các khí tài và nhiên liệu lớn nhất châu Âu.
11. Kho đạn dược Kadena, Nhật Bản. Nằm cạnh căn cứ không quân Kadena tại Chibana, là một trong những kho đạn lớn nhất hành tinh, bao gồm đầu đạn hạt nhân, thuốc diệt cỏ và khí sarin. 2 lần hóa chất rò rỉ tại đây đã khiến 27 lính Mỹ nhập viện
10. Diego Garcia, Ấn Độ Dương. Gần quần đảo Chagos ở phía Nam xích đạo, căn cứ này cung cấp dịch vụ, lắp đặt và hỗ trợ hậu cần cho tàu và máy bay của Mỹ và NATO khi chúng được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương và Vịnh Ảrập.
9. Trạm Thủy quân lục chiến Iwakuni, Nhật Bản. Căn cứ này được Mỹ tiếp quản từ năm 1958, hiện có khoảng 15.000 nhân viên, trong đó chủ yếu là một nửa quân số của Không đoàn không quân Thủy quân lục chiến số 1, có trụ sở trên đảo Okinawa
8. Pyeongtaek, Hàn Quốc. Tháng 6-2018, Mỹ mở căn cứ quân sự lớn nhất ở Hàn Quốc ở thành phố Pyeongtaek, cách Thủ đô Seoul khoảng 60 km. Hàn Quốc hiện là nơi đặt 9 trong số 50 căn cứ hàng đầu của Mỹ ở nước ngoài.
7. Sasebo, Nhật Bản. Hạm đội chỉ huy Sasebo, Nhật Bản, trên đảo Kyushu thuộc tỉnh Nagasaki, là một ví dụ điển hình về sự hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản, nơi các tàu của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản và Hạm đội 7 của Mỹ cùng hoạt động chung.
6. Trại Gonsalves, Nhật Bản - hoạt động từ năm 1958, có khoảng 70km2 rừng nhiệt đới, là nơi quân đội Mỹ làm quen với chiến tranh ở Việt Nam trong những năm 1960. Nó còn được gọi là Trung tâm huấn luyện chiến đấu trong rừng già.
5. Khu C-HFR, Australia. Đây là một trong những căn cứ liên lạc mà Hải quân Mỹ hợp tác với quân đội Australia ở phía Tây Australia, chủ yếu thiết lập thông tin liên lạc với tàu ngầm và tàu mặt nước ở Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương.
4. Trại Hansen, Nhật Bản. Các cuộc tập trận sử dụng hỏa lực trực tiếp tại căn cứ phía Bắc đảo Okinawa này. Năm ngoái, chính phủ Mỹ và Nhật Bản tuyên bố sẽ xây 100 tòa nhà nhằm củng cố các cơ sở quân sự trên đảo.
3. Trạm hải quân vịnh Guantanamo. Trạm hải quân “Gitmo” này nằm ở phía Đông Nam Cuba được Cuba cho Mỹ thuê vĩnh viễn vào năm 1934 với chi phí 4.085 USD/năm. Căn cứ được biết đến là nơi giam giữ các nghi phạm khủng bố.
2. Trạm Fuji, Nhật Bản. Khu vực này từng là nơi huấn luyện các chiến binh samurai ít nhất từ cuối thế kỷ 12. Nay nó trở thành khu vực diễn tập bắn đạn thật của binh sỹ Mỹ và Nhật Bản. Trạm Fuji rộng 13.500 ha, chi phí xây dựng khoảng 433 triệu USD.
1. Căn cứ không quân Thule, Greenland. Rộng 94.000 ha, căn cứ Không quân Thule ở Cực Bắc đến nay là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài và là một trong những căn cứ biệt lập nhất thế giới. Chi phí xây dựng căn cứ này khoảng 4,7 tỷ USD.