Bé N.H.N (7 tuổi, ở Hà Nội) có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đi đại tiện 2-3 lần/ngày kéo dài 2 tuần không khỏi. Bé được gia đình đưa đi khám. Kết quả cho thấy bé N bị tăng men gan và được chẩn đoán viêm gan virus cấp tính.
ThS.BS Ngô Thị Cam - Chuyên khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay, bệnh nhi được chẩn đoán sơ bộ viêm gan cấp theo dõi do virus với các dấu hiệu bất thường gồm: sốt 37,6 độ C, mệt mỏi, gan lách to và tăng men gan (chỉ số này gia đình gọi làm xét nghiệm tại nhà trước 1 ngày vào viện).
Bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân do viêm gan A, B, C, E, EBV, CMV, ký sinh trùng và siêu âm ổ bụng. Kết quả trả về cho thấy men gan của bệnh nhi tăng bất thường; Số lượng hồng cầu, bạch cầu tăng thể hiện có viêm; Chỉ số EBV PCR tăng đột biến.
Bác sĩ Cam đang khám cho một trường hợp bệnh nhi (Ảnh: bác sĩ cung cấp)
Bệnh nhi được chẩn đoán viêm gan cấp do virus EBV - virus lây truyền từ người sang người qua đường nước bọt, hay còn được gọi với cái tên khác là bệnh của "nụ hôn". Virus EBV cũng có thể lây qua chất bài tiết của đường sinh dục.
Epstein-Barr Virus (EBV) còn được gọi là herpesvirus 4 (HHV-4) là một trong tám loại virus Herpes gây bệnh phổ biến nhất ở người.
Người nhiễm virus sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng như sốt phát ban, đau nhức mỏi cơ, sưng hạch bạch huyết, amidan viêm sưng phủ giả mạc trắng, vàng,... Một số trường hợp có biểu hiện giống như cảm cúm. Ở một số người có hệ thống miễn dịch kém thường có những triệu chứng nặng hơn như sốt cao kéo dài, nổi hạch ở cổ và nách, amidan bị phù nề, gan và lách phình to,...
Thời gian ủ bệnh từ 1-2 tháng, các triệu chứng kéo dài 1-4 tuần. Bệnh có thể gây ra biến chứng ở thần kinh trung ương, vỡ lách, tắc nghẽn đường hô hấp trên, suy gan cấp nặng…
Theo bác sĩ Cam, hiện chưa có vaccine phòng lây nhiễm EBV, việc phòng bệnh chủ yếu là tránh tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch sinh dục của người bị nhiễm EBV.
Nguyên nhân gây viêm gan cấp
Viêm gan cấp tính là bệnh lý mà ở đó tế bào gan bị tổn thương và các mô gan bị viêm nhiễm. Bệnh xuất hiện đột ngột và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Hầu hết các trường hợp viêm gan cấp tính sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp viêm gan cấp tính nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời có thể tiến triển thành suy gan cấp tính, viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan... Vì vậy, việc phát hiện và điều trị kịp thời viêm gan cấp có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo bác sĩ Cam, bệnh viêm gan do nhiều nguyên nhân gây nên như do virus, vi khuẩn, độc chất, thuốc, tự miễn, bệnh chuyển hóa… Trong đó, nhóm nguyên nhân gây viêm gan virus cấp, gồm:
- Nhóm nguyên nhân thuộc nhóm Alphabet: A, B, C, D, G.
- Nhóm nguyên nhân viêm gan virus cấp không thuộc nhóm Alphabet: CMV, EBV, Dengue, Herpes virus, Adenovirus, Influenzae virus, Enterovirrus…
- Viêm gan virus cấp do EBV: Hầu hết viêm gan virus do EBV thường không có triệu chứng, một số kết hợp với hội chứng tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
BS Cam khuyến cáo các dấu hiệu của bệnh viêm gan cấp tính dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác cũng có dấu hiệu sốt nhẹ, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa... Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên, người dân nên đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán sớm.
Theo Hiệp hội gan mật Bắc Mỹ 2014, tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan cấp gồm:
- Lâm sàng: biểu hiện bệnh cấp tính (trong vòng 3 tháng): Sốt, mệt mỏi, chán ăn; Triệu chứng tiêu hóa (đầy bụng, khó tiêu, chướng hơi, đau tức, cảm giác nặng ở vùng gan); Nước tiểu sẫm màu; Da củng mạc vàng; Xuất huyết; Gan to.
- Cận lâm sàng: ALT, AST tăng cao ít nhất 3 lần giá trị bình thường, có thể kèm theo tăng Bilirubin, rối loạn đông máu, chức năng gan…
- Tiêu chuẩn mô bệnh học.