Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin, Ba Lan và Hungary đã từ chối ủng hộ kế hoạch cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU), trích dẫn một tài liệu do Cộng hòa Séc công bố - nước này hiện đang chủ trì các cuộc đàm phán trong khối.
Các nước EU tuần trước đã nhất trí về kế hoạch giảm sử dụng khí đốt để lấp đầy các kho dự trữ trong bối cảnh lo ngại về khả năng nguồn cung của Nga sẽ ngừng hoạt động. Hội đồng EU đã thông qua kế hoạch vào hôm 5/8. Tuy nhiên, cũng theo Reuters, số phiếu ủng hộ chỉ là 15/28 phiếu.
Hungary hiện đang đàm phán để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt nhiều hơn từ Nga, đã phản đối kế hoạch này ngay từ đầu. Theo tài liệu mà Reuters có được, Budapest đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kế hoạch, cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của đất nước.
Trong khi đó, Ba Lan ban đầu đồng ý cắt giảm tiêu thụ nhưng hôm 5/8 đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch này. Warsaw gọi cơ sở pháp lý của tài liệu là không đầy đủ và nói rằng các quyết định ảnh hưởng đến vấn đề năng lượng của các nước EU cần có được sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên.
Kế hoạch phân bổ mới được thông qua không phải là bắt buộc trừ khi Hội đồng EU đưa ra 'cảnh báo của Liên minh' về an ninh nguồn cung cấp khí đốt. Kế hoạch cũng nhắc tới các trường hợp miễn trừ.
Các quốc gia thành viên không kết nối với mạng lưới khí đốt của các nước EU khác được miễn yêu cầu. Ngoài ra, các thành viên yêu cầu nới lỏng các điều kiện nếu gặp vấn đề về công suất lưu trữ hoặc nếu các ngành công nghiệp quan trọng chiến lược của họ phụ thuộc nhiều vào khí đốt.