Ông dùng 3 câu hỏi dưới đây làm tiêu chí:
- Lực lượng đó đã được tiếp cận các nguồn lực của quốc gia, trong đó có nền công nghệ tiên tiến?
- Nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ các cơ quan chính trị nhưng không bị chi phối về mức độ độc lập trong cơ cấu tổ chức?
- Có nhiều kinh nghiệm tác chiến? Có cơ hội để học hỏi và đổi mới trong điều kiện thực tế?
1. Ấn Độ
Lục quân Ấn Độ đã tham gia nhiều chiến dịch tác chiến ở các mức độ khác nhau, vừa chống quân Maoist - lực lượng nổi dậy do Pakistan hậu thuẫn ở Kashmir, vừa chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ cuộc xung đột nào nổ ra với Islamabad.
Những kinh nghiệm này đã biến Lục quân Ấn Độ trở thành công cụ hữu ích trong các chính sách đối nội và đối ngoại của New Delhi.
Mặc dù trang thiết bị của Lục quân Ấn Độ đã tụt hậu so với đối thủ ở một số khía cạnh quan trọng nhưng giờ đây New Delhi đã được tiếp cận với hầu hết các công nghệ quân sự tiên tiến trên thế giới.
Nga, châu Âu, Israel và Mỹ đều bán vũ khí cho Ấn Độ, bổ sung cho tổ hợp công nghiệp quân sự nội địa đang phát triển của nước này.
Mặc dù phải cạnh tranh với Hải quân và Không quân nhưng trong tương lai, Lục quân Ấn Độ sẽ được tiếp cận với nhiều công nghệ tiên tiến hơn so với trước đây, khiến họ trở thành lực lượng đáng gờm hơn nhiều.
2. Pháp
Trong số các quốc gia châu Âu, Pháp có vẻ sẽ duy trì được lực lượng lục quân mạnh nhất, có khả năng lớn nhất trong tương lai.
Pháp vẫn giữ vai trò lớn trong nền chính trị thế giới và họ tin rằng mình cần tới một lực lượng lục quân hiệu quả để làm tròn vai trò đó. Điều này sẽ tiếp diễn trong tương lai, thậm chí còn tăng tiến khi Pháp nắm quyền kiểm soát lớn hơn trong bộ máy an ninh và quân sự của Liên minh châu Âu.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp vẫn rất mạnh, trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Lục quân Pháp được trang bị hệ thống chỉ huy và liên lạc hiện đại, trở thành xương sống của lực lượng đa quốc gia trực thuộc Liên minh châu Âu.
Họ còn được tiếp cận các phương tiện chiến đấu tốt nhất, trong đó có xe tăng và pháo. Chính phủ Pháp đã cam kết duy trì ngành công nghiệp quốc phòng vững mạnh để hỗ trợ Lục quân.
Xem xe tăng "đắt nhất thế giới" của quân đội Pháp chiến đấu
Lục quân Pháp dày dạn kinh nghiệm chiến đấu. Họ từng tham gia cuộc chiến chống khủng bố trên các mặt trận Afghanistan và Bắc Phi, dùng lực lượng chính quy - tinh nhuệ để hỗ trợ quân nước sở tại và đánh bại kẻ địch.
Lục quân Pháp nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ 2 lực lượng khác trong quân đội Pháp, đó là Thủy quân lục chiến và Không quân.
Thủy quân lục chiến Pháp có năng lực tác chiến viễn chinh đáng nể, trong khi Không quân ngày càng thiên về các hoạt động yểm trợ như không kích, vận tải và do thám.
Sự chuyên nghiệp, linh hoạt giúp Lục quân Pháp dễ dàng triển khai tới nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới.
3. Nga
Lục quân Nga đã trải qua giai đoạn khó khăn khi Chiến tranh Lạnh kết thúc: Không được tiếp cận nhiều nguồn lực, mất ảnh hưởng chính trị và thiếu hụt nhân lực.
Ngành công nghiệp quốc phòng từng hỗ trợ đắc lực cho Hồng quân Liên Xô chết dần chết mòn, khiến Lục quân Nga trở nên lạc hậu với trang thiết bị nghèo nàn.
Trong lúc tinh thần suy sụp, Lục quân Nga lại vướng vào cuộc chiến chống lại quân nổi dậy ở Chechnya và nhiều nơi khác.
Hiện nay, Lục quân Nga chưa thể trở lại như xưa nhưng đã có một số bước chuyển mình đáng chú ý. Những bước tiến trong nền kinh tế Nga đã cho phép lực lượng này được đầu tư nhiều hơn.
Lục quân Nga tổ chức tập trận pháo binh
Chương trình cải cách, đặc biệt là đối với các lực lượng tinh nhuệ, đã giúp Nga giành chiến thắng trong chiến tranh Chechnya lần thứ hai. Năm 2008, Lục quân Nga nhanh chóng đánh bại Gruzia và trở thành lực lượng mũi nhọn của Moscow trong chiến dịch sáp nhập Crimea (trước thuộc Ukraine) vào năm 2014.
Chúng ta có thể gọi đó là cuộc chiến tái thống nhất của nước Nga - một cuộc xung đột có thể chưa có điểm dừng.
Lục quân tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong chiến lược của Moscow nhằm kiểm soát các nước thuộc Liên Xô cũ, mặc dù nước này cũng giành một phần ưu ái cho lực lượng không quân và hải quân trong vài năm qua.
Lục quân Nga vẫn là một lực lượng đáng gờm vào năm 2030 nhưng họ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Việc tiếp cận công nghệ có thể trở nên khó khăn hơn trong tương lai.
Ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô cuối cùng đã sụp đổ, để lại một hệ thống tồn đọng đầy rẫy vấn đề trên cả 2 phương diện: sản xuất và đổi mới.
"Nhân lực" cũng có thể trở thành vấn đề nan giải, do Lục quân Nga đang mắc kẹt giữa mô hình nghĩa vụ quân sự trước đây và mô hình nhập ngũ tự nguyện.
Tuy nhiên, các nước láng giềng của Nga sẽ còn phải dè chừng quy mô và sức mạnh của Lục quân Nga một thời gian dài nữa.
4. Mỹ
Lục quân Mỹ đã trở thành hình ảnh biểu trưng của "tiêu chuẩn vàng" dành cho lực lượng chiến đấu trên bộ, chí ít là từ năm 1991.
Đánh bại quân đội Iraq vào năm 1991 và lặp lại chiến thắng tại đây vào năm 2003, Lục quân Mỹ vẫn là lực lượng chiến đấu trên bộ ấn tượng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Trong 15 năm qua, Lục quân Mỹ tiếp tục tiến hành nhiều chiến dịch tại Iraq và Afghanistan, các lực lượng đặc biệt còn đặt chân tới những chiến trường xa xôi hơn nhiều.
Lục quân Mỹ được tiếp cận với hệ thống cách tân quân sự đáng gờm. Mặc dù một số trang thiết bị của họ có từ thời Chiến tranh Lạnh nhưng hầu hết đã trải qua một loạt các đợt nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn tác chiến hiện đại, có hệ thống.
Họ có lực lượng máy bay trinh sát không người lái lớn nhất thế giới, kết hợp khả năng trinh sát tiền tuyến với hỏa lực chính xác và mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Lục quân Mỹ còn có 15 năm kinh nghiệm chiến đấu chống khủng bố. Nhiệm vụ này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và đặc biệt đáng lo ngại khi những cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan dường như không có hồi kết.
Tuy nhiên, họ vẫn sẽ là lực lượng chiến đấu trên bộ mạnh nhất thế giới trong năm 2030.
5. Trung Quốc
Ít nhất là từ đầu những năm 1990, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu cải cách triệt để lực lượng lục quân.
Được đầu tư và tiếp cận với các công nghệ ngày càng tiên tiến, Lục quân Trung Quốc bắt đầu tinh giản và tự cải cách, trở thành một tổ chức quân sự hiện đại.
Chương trình cải cách bao gồm nhiều dự án hiện đại hóa trang thiết bị, huấn luyện thực tiễn, hướng tới mục tiêu xây dựng quân đội chuyên nghiệp.
Mặc dù không có ngân sách quốc phòng lớn như quân đội Mỹ nhưng quân đội Trung Quốc có nguồn nhân lực gần như không bị giới hạn. So với các lực lượng quân sự khác trên thế giới thì họ nắm trong tay các nguồn lực lớn hơn cả.
Điều mà quân đội Trung Quốc còn thiếu là kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn. Không chỉ ít tiến hành các hoạt động chiến đấu thực tế, quân đội Trung Quốc cũng không đóng vai trò gì trong các cuộc xung đột quy mô lớn ở thế kỷ này.
Song, không có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng hiện đại hóa và cải cách của quân đội Trung Quốc sẽ chuyển hướng trong 15 năm tới.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Robert Farley. Số thứ tự trong bài không mang ý nghĩa xếp hạng.