Trong thời đại của mình, Alexander Đại đế nổi tiếng là một chiến lược gia vĩ đại, một bậc thầy quân sự dụng binh đỉnh cao. Ngay từ năm 16 tuổi, ông đã tham gia trận đánh và giành chiến thắng đầu tiên trong cuộc đời. Vào những năm 20 tuổi, ông đã giao chiến với Ba Tư trong một trận đánh kéo dài trên lục địa để kiểm soát trong tay thế giới cổ đại. Chiến dịch kéo dài nhiều năm đó đã đưa ông đến Ai Cập năm 332 Trước Công nguyên.
Ở tuổi 24, Alexander Đại đế được thần dân Ai Cập ca ngợi là một vị cứu tinh và được tôn vinh là một pharaoh (tước hiệu chỉ các vị vua của Ai Cập cổ đại). Tên của ông được đặt cho thành phố cảng lớn nhất Ai Cập: Alexandria.
Ảnh: Rebloggy
Để được lịch sử vang danh muôn đời, để nắm trong tay những vùng đất giàu có và quy phục được lòng dân, Alexander Đại đế đã khổ luyện, chinh chiến rất nhiều. Đặc biệt, sau cái chết của cha mình - Hoàng đế Philip II của Vương quốc Macedonia, Alexander Đại đế đã trở nên mạnh mẽ, không thể khuất phục, từng bước trở thành Đại đế tài giỏi bậc nhất lịch sử.
Thứ gì đã tôi luyện Alexander Đại đế trở thành một trong những vị tướng lĩnh tài giỏi nhất mọi thời đại? Ai là những người thầy đầu tiên của ông? MegallanTV sẽ kể câu chuyện này, mời độc giả theo dõi.
Alexander Đại đế (Alexander III) sinh năm 356 TCN tại Vương quốc Macedonia. Ông là người con trai đầu lòng của Hoàng đế Philip II và Hoàng hậu Olympias.
Hoàng đế Philip II của Vương quốc Macedonia khi đó nổi tiếng là một nhà cầm binh kiệt xuất trong lịch sử quân sự phương Tây. Chính ông là người gây dựng đội quân Macedonia thành một trong những "cỗ máy chiến đấu" đáng sợ nhất trong thế giới cổ đại. Di sản vĩ đại ông để lại về sau cho con trai mình là Đội hình phương trận Macedonia (Macedonian Phalanx).
Nhờ lực lượng quân đội tinh nhuệ cùng tài trị vì xuất sắc mà Hoàng đế Philip II đã gây dựng nên đế chế hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử.
Bởi thế, con trai của ông - Alexander được thừa hưởng dòng máu của một chiến binh dũng mãnh và trải qua những năm tháng tuổi thơ được dạy dỗ cả về kiến thức, binh pháp và thực chiến từ vua cha và thầy dạy của mình.
Hoàng đế Philip II là người sáng tạo ra Đội hình phương trận Macedonia (Macedonian Phalanx). Ảnh: Internet
Trong cuộc đời mình, Alexander may mắn có được 2 người thầy vĩ đại chỉ dạy: Đó là triết gia Aristotle và vua cha - Hoàng đế Philip II.
Năm Alexander 13 tuổi, vua cha Philip II đã vời triết gia nổi tiếng Aristotle (384 TCN-322 TCN) về dạy dỗ cho hoàng tử. Nhà triết học vĩ đại đã cho Alexander một nền giáo dục nghiêm ngặt và toàn diện, chuẩn bị cho cậu bé định mệnh mà cha cậu đã chọn sẵn - trở thành hoàng đế kế nhiệm vua cha.
Aristotle đã truyền dạy cho Alexander tình yêu quê hương, đất nước qua bộ thơ anh hùng ca cổ Hy Lạp của Homer - Bài ca thành Ilium (Sử thi Iliad). Sử thi Iliad nhanh chóng chiếm được tình yêu của Alexander, trở thành tác phẩm văn học yêu thích nhất của ông. Suốt cuộc đời mình về sau, Alexander vẫn giữ cẩn thận bản sao của tác phẩm vĩ đại này.
Cùng với việc học văn hóa và kiến thức, Alexander được vua cha dạy dỗ và truyền đạt các kế sách dụng binh, đấu kiếm. Không những thế, Alexander còn được huấn luyện thực tế trong các trận chiến của cha mình.
Năm 16 tuổi, khi đã 'đủ lông đủ cánh', vua cha cho phép Alexander bắt đầu sự nghiệp quân sự. Không phụ lòng Hoàng đế Philip II, cậu đã chiến đấu và đánh bại quân Thracian trong trận chiến đầu tiên của mình.
Vài năm sau đó, năm 336 Trước Công nguyên khi Hoàng đế Philip II băng hà, Alexander đã thay thế cha mình trở thành tổng tư lệnh kiệt xuất của lực lượng quân Macedonia, thay vua cha trị vì đất nước, trở thành Hoàng đế Alexander III của Vương quốc Macedonia.
Với kinh nghiệm chiến đấu, sự học hỏi không ngừng từ di sản của tiên đế và khát khao chiến thắng của một dũng tướng trẻ tuổi, Alexander có đủ tự tin đế đối đầu người Ba Tư, đế chế bành trướng đe dọa nền độc lập của Macedonia và đồng minh League of Corinth, một liên bang do Hoàng đế Philip II lập năm 338 Trước Công nguyên.
Trước đó, trong suốt hơn 2 thế kỷ, vương triều Achaemenid (690 TCN – 328 TCN) của Ba Tư (còn gọi là Đế chế Ba Tư thứ nhất) thống trị hoàn toàn thế giới Địa Trung Hải. Là một trong những siêu cường thực sự đầu tiên trong lịch sử, Đế chế Ba Tư trải dài từ biên giới Ấn Độ xuống Ai Cập đến biên giới phía bắc của Hy Lạp.
Tuy nhiên, ước nguyện thủa còn sống của Hoàng đế Philip II cùng khát vọng chiến thắng, đè bẹp Ba Tư của Hoàng đế Alexander III đã khiến người Ba Tư thất bại nặng nề.
Trận thư hùng mang tên Gaugamela (còn có tên trận Arbela) ngày 1/10/331 TCN giữa Hoàng đế Darius III nhà Ba Tư và Hoàng đế Alexander III trở thành trận chiến cuối cùng, quyết định sự sụp đổ hoàn toàn của Đế chế Ba Tư triều đại Achaemenid dưới tay Alexander.
Bức họa "Alexander cutting the Gordian Knot" của họa sĩ Pháp Jean-Simon Berthelemy (1743-1811). Photo: UNIVERSAL HISTORY ARCHIVE, GETTY
Bằng tài năng dụng binh kiệt xuất, Alexander đã áp dụng Đội hình phương trận Macedonia mà vua cha để lại một cách xuất sắc, rồi thắng áp đảo quân đội Ba Tư nhanh chóng. Việc quy phục Ba Tư đã khiến tên tuổi của Alexander vang dội khắp thế giới cổ đại.
Hơn 10 năm sau chiến thắng hiển hách này, Alexander tiếp tục cầm quân đi chinh phạt khắp nơi trên thế giới. Các vùng đất Tiểu Á, Syria, Phoenicia, Gaza, Ai Cập, Bactria và Lưỡng Hà lần lượt bị khuất phục dưới vó ngựa bách chiến bách thắng của ông cùng đoàn quân Macedonia dũng mãnh. Danh xưng Alexander Đại đế - Alexander, vị vua vĩ đại - được thần dân Macedonia ca tụng khắp nơi.
Sau chiến thắng đặc biệt khó khăn ở tiền đồn ven biển Ba Tư của Tyre, Lebanon ngày nay, Alexander và quân đội của ông đã đến vùng đất Ai Cập huyền thoại.
Năm 332 Trước Công nguyên, Ai Cập khi đó khác xa so với thời kỳ vương quốc cổ xưa rực rỡ của nó. Đế chế Ba Tư trước đó đã kiểm soát tất cả các lãnh thổ của Ai Cập trong nhiều năm, áp đặt ý chí của mình đối với người dân bản địa.
Tin tức về việc Alexander Đại đế đến Ai Cập đã khơi dậy niềm hy vọng lớn lao của người dân xứ kim tự tháp. Bằng việc dồn tất cả tiềm lực của mình, Alexander Đại đế dễ dàng đánh bại lực lượng Ba Tư chiếm đóng tại Ai Cập chỉ sau một đêm. Ông nhanh chóng khôi phục lại đất nước Ai Cập cổ xưa.
Kết quả, trong mắt người dân Ai Cập năm đó, Alexander Đại đế nhanh chóng trở thành vị cứu tinh của vùng đất và con người.
3 thành tựu của Alexander Đại đế tại Ai Cập:
Chỉ trong 6 tháng ở Ai Cập, Alexander Đại đế đã tạo dựng được 3 thành tựu to lớn tại đây. Thứ nhất, ông trở thành một pharaoh, một vị vua trong mắt người Ai Cập; và được công nhận là hậu duệ của Amun, vị thần bảo hộ tối cao của người Ai Cập. Thứ hai, Alexander Đại đế đã nghĩ ra một hệ thống cai trị mới, một hệ thống kéo dài ba thế kỷ tại đây. Ông cho phép người Ai Cập có vai trò lớn hơn trong việc cai trị đất nước.
Thứ ba, ông đã hình thành và xây dựng một thành phố mới, dựa trên tên ông là Alexandria, trên bờ biển Địa Trung Hải, sau này thành phố cảng này trở thành khu vực quan trọng cho ngành thương mại Ai Cập và sự phát triển của đất nước này về sau.
Mặc dù thời gian ở Ai Cập không dài nhưng Alexander Đại đế đã có sức ảnh hưởng không hề nhỏ lên đất nước có nền văn minh vô cùng rực rỡ này.
Đối với thần dân Ai Cập, Alexander Đại đế là một vị thần tối cao giáng thế. Họ tôn thờ và ngưỡng mộ ông. Ông hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần, chính trị và văn hóa của Ai Cập. Sức ảnh hưởng của ông đã định hình 300 năm tiếp theo của Ai Cập.
Ở độ tuổi 32, Alexander Đại đế đã chết trong cung điện của vua Nebuchadnezzar II ở Babylon vì một căn bệnh bất ngờ và bí ẩn.
Đối với giới sử gia, không ai không nhắc đến sức ảnh hưởng lớn lao của Alexander Đại đế đối với thế giới cổ đại. Các cuộc chinh phạt của ông đã xác định Thời đại Hy Lạp và giúp cho một đế chế Hy Lạp không ngừng mở rộng bờ cõi cho đến khi nó rơi vào thế lực của đế chế La Mã hàng thế kỷ sau khi ông qua đời.
Bài viết sử dụng nguồn: Magellantv
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.