Thỏa thuận Moscow sẽ không ngăn được giai đoạn 3 của chiến dịch "Bình minh Idlib"?
Trong bài viết xuất bản ngày 16/3 có tựa đề "Kết quả khó hiểu của cuộc hội đàm tại Moscow", nhà phân tích Charles Lister bình luận: "Lệnh ngừng bắn là kết quả có ý nghĩa duy nhất mà cả Thổ và Nga có thể đồng thuận trong Thỏa thuận Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận thức được thực tế rằng các lệnh ngừng bắn ở Syria sẽ không kéo dài và vấn đề duy nhất quan trọng của các thỏa thuận là thời gian trước một vòng xoáy chiến sự mới.
Khi đồng ý ngừng bắn, Ankara có thể mất lợi thế quân sự có được thông qua chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân", nhưng họ đã có thêm một khoảng thời gian để củng cố "lằn ranh đỏ" là các vị trí phòng thủ xung quanh cao tốc M4".
Nếu bình luận của nhà phân tích "khét tiếng" thân phe đối lập Syria là chính xác thì chiến dịch quân sự "Bình minh Idlib" của Quân đội Arab Syria (SAA) sẽ sớm nổ súng trong những ngày tới.
Nỗ lực chặn đứng đà tấn công của SAA ở Idlib của Thổ Nhĩ Kỳ liệu có thành công?
Mối liên quan giữa "chuyến hàng nóng" và thời điểm nổ súng ở nam Idlib
Đêm ngày 15/3 (sáng ngày 16/3 giờ Việt Nam) tàu chở hàng RoRo Sparta II (được Quân đội Nga thuê) đã vượt qua eo biển Bosphorus và di chuyển tới Syria.
Cho tới thời điểm hiện tại của bài viết (sáng 18/3) Sparta II đã ở khu vực phía đông của Địa Trung Hải và dự kiến sẽ cập cảng Tartous của Syria vào 8 giờ sáng ngày 20/3.
Đây là chuyến "hàng nóng" thứ ba của Sparta II tới Syria trong vòng 1 năm gần đây (kể từ sau 2 hành trình tương tự đã diễn ra vào tháng 4 và tháng 7 năm 2019). Từ hành trình của con tàu và các mốc thời gian trong chiến sự Syria, chúng ta thấy một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên.
Một xe đầu kéo của Quân đội Syria chở theo bom nhiệt áp ODAB-500PMV trên đường từ Tartous tới sân bay Hama tháng 7/2019.
Tháng 4/2019 là thời điểm đánh dấu việc SAA khởi động chiến dịch "Bình minh Idlib" nhằm vào các vị trí của phiến quân (dẫn đầu bởi nhóm khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham - HTS) tại nam Idlib và bắc Hama.
Nhằm yểm trợ cho các hoạt động trên mặt đất của SAA, máy bay chiến đấu Nga đã thực hiện một đợt tập kích đường không ồ ạt vào các vị trí của phiến quân và khủng bố ở tây bắc Syria vào ngày 30/4 (được đánh giá là chưa từng có kể từ đầu năm 2019).
Rõ ràng chuyến hàng của Sparta II đã mang tới Syria số lượng bom đạn đủ để máy bay chiến đấu Nga không kích liên tục cho tới khi SAA đơn phương tuyên bố ngừng bắn vào ngày 18/5.
Đêm 28/7/2019, SAA đã đi vòng qua một loạt các cứ điểm của phiến quân và tiến về phía đông đồi Tel Mallah và kiểm soát khu vực giữa Zakat và Lataminah.
Sự kiện nói trên đã đánh dấu sự sụp đổ của "tam giác thép Hama", 3 cứ điểm mà phiến quân Syria chiếm được sau các đợt phản công vào tháng 6 cùng năm.
Kể từ sau khi cụm cứ điểm này tan vỡ cho tới cuối tháng 8/2019, máy bay Nga đã thực hiện hàng loạt các cuộc không kích có tính chất hủy diệt (sử dụng tần suất lớn bom nhiệt áp - vũ khí được đánh giá là xoay chuyển tình thế chiến sự ở Syria) nhằm vào một loạt "thành trì" của phiến quân và khủng bố ở bắc Hama.
Dưới mưa bom của Nga, các đô thị như Khan Sheikhoun, al-Habit, Morek, Kafr Zita, al-Lataminah đã hoàn toàn bị phá hủy cho tới khi một "nồi hầm" được thiết lập chỉ chừa một lối thoát duy nhất cho đối phương và khu vực được giải phóng vào ngày 23/8/2019.
Kết nối các sự kiện nói trên, có thể suy đoán một đợt tập kích ồ ạt của Nga sẽ diễn ra từ 1 đến 3 ngày sau khi Sparta II cập cảng Tartous (do cần thêm thời gian chuyển bom đạn đến sân bay) và nếu suy đoán này chính xác, "giờ G" sẽ nằm trong khoảng từ 21 đến 23/3/2020.
Phóng viên Nga tại Khan Sheikhoun gần như chỉ còn là "gạch vụn" sau không kích vào tháng 8/2019.
"Tọa độ chết" của không kích Nga sẽ nằm ở đâu?
Trong giai đoạn trước của chiến dịch "Bình minh Idlib" (tháng 4 và 8/2019), các "tọa độ chết" ở chiến trường tây bắc Syria lần lượt là Kafr Nabudah và Khan Sheikhoun thì ở tình thế hiện tại ở tỉnh Idlib, các đô thị Ariha và Jisr al-Shughour nhiều khả năng sẽ trở thành mục tiêu.
Trong khi Ariha là cứ điểm của nhóm khủng bố Hurras al-Din (được HTS bảo trợ) thì Jisr al-Shughour khét tiếng là thành trì của nhóm khủng bố Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP).
Cũng chính hai nhóm khủng bố này là những kẻ đang thiết lập các ổ phục kích nhằm vào quân cảnh Nga dọc theo cao tốc M4 (khu phi quân sự - DMZ theo Thỏa thuận Moscow) và không chịu rút khỏi khu vực phía nam cao tốc cùng với các thành viên của nhóm khủng bố lớn hơn là HTS.
Nhằm giảm thiểu thương vong của Quân đội Arab Syria (SAA) trong quá trình tiến quân ở nam Idlib, chắc chắn máy bay Nga sẽ tăng cường không kích vào "hang ổ" của hai nhóm khủng bố nói trên.
Đây được cho là một đòn giáng mạnh vào tâm lý của các tay súng khủng bố khi "nhà" của chúng hứng chịu mưa bom còn chúng phải "chôn chân" ở nam Idlib dưới pháo kích của SAA.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng ngoại giao nước này ông Mevlut Cavusoglu đã tuyên bố rằng khu vực phía nam DMZ Idlib theo sau Thỏa thuận Moscow sẽ do Nga kiểm soát, điều này khẳng định rằng hoạt động quân sự của SAA trong khu vực sẽ không ảnh hưởng tới thỏa thuận.
Trên hết, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã tăng cường phòng thủ ở khu vực phía bắc của cao tốc M4, đây là tín hiệu cho thấy "lằn ranh đỏ" của họ là M4 và DMZ chứ không phải "mũi lồi" ở nam Idlib.
Bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và một bản đồ miêu tả "vành đai" các cứ điểm của TAF dọc theo khu vực phía đông cao tốc M5 và phía bắc cao tốc M4.