"Biểu tượng đối đầu phương Tây"
Có thể khẳng định, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt sau cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy nhanh kế hoạch "hướng Đông" của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Lệnh cấp vận đã thúc đẩy Nga ký với Trung Quốc thỏa thuận hợp tác song phương kỷ lục vào tháng 5/2014, bao gồm thỏa thuận về khí đốt với dự án xây dựng đường ống "Sức mạnh Siberia" với mục tiêu giúp Nga xuất khẩu sang Trung Quốc 38 tỉ mét khối khí/năm.
Cùng với quan hệ Nga-Trung đạt đến trạng thái tốt nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thỏa thuận khí đốt trở thành "biểu tượng đối đầu phương Tây" của Moscow.
Tuy nhiên, theo báo cáo của EAF, chính sách "xoay trục" của Nga chưa thu được kết quả.
Dù quan hệ hợp các của Nga với các đối tác châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, được tăng cường, nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn của Nga không cho phép triển khai đầy đủ các thỏa thuận.
Thành công đáng kể nhất là việc nguyên thủ Nga-Trung đạt thỏa thuận phát triển các dự án liên kết nhằm kết nối chiến lược vành đai kinh tế Con đường tơ lụa của Bắc Kinh và Liên minh kinh tế Á-Âu của Moscow.
Về quân sự, Trung Quốc trở thành khách hàng số 1 của hệ thống phòng thủ S-400AA và máy bay Su-35 của Nga.
Cũng trong năm 2015, các cuộc duyệt binh quy mô lớn ở Moscow và Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II đã đẩy "liên minh" Nga-Trung lên mức cao nhất và tạo ra mối lo ngại thực sự đối với phương Tây.
Lãnh đạo Nga-Trung ký kết các thỏa thuận hợp tác quan trọng vào tháng 5/2014. (Ảnh: Reuters)
Khi Nga, Trung đều lâm vào "thế kẹt"
Những thành quả kể trên chưa đủ chứng minh chinh sách "xoay trục châu Á" của Putin đã thành công.
EAF chỉ ra, thỏa thuận khí đốt 2014 và thỏa thuận quốc phòng 2015 giữa Nga-Trung trên thực tế đã được hai nước đàm phán trong nhiều năm trước đó.
Dự án xây đường ống "Sức mạnh Siberia" bị lùi thời hạn từ 2018 sang 2019, thậm chí có khả năng bị dời lại đến năm 2021. Dự kiến phải đến năm 2024, lượng khí đốt Nga cung cấp cho Trung Quốc mới đạt được như thỏa thuận 2014.
Lợi ích kinh tế (chứ không phải ý nghĩa chính trị) của thỏa thuận khí đốt Nga-Trung ngay từ đầu đã là một dấu hỏi lớn. Đến năm 2016, khi giá dầu thế giới tuột dốc một cách có hệ thống, những tiếng nói nghi ngờ về những gì Nga đạt được thậm chí còn lớn hơn.
Tại Nga, đồng rúp mất giá. Dù quy mô xuất khẩu dầu lửa sang Trung Quốc tăng 30%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc giảm 20%.
Quy mô xuất khẩu khí hóa lỏng bị thu hẹp đến trên 50%. Quy mô thương mại hai chiều song phương giảm gần 30%. Tỉ trọng đầu tư trực tiếp vào Nga chỉ chiếm 0.7% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Bắc Kinh - EAF thống kê.
Đến cuối cùng, viễn cảnh đường ống "Sức mạnh Siberia" thay thế hoàn toàn thị trường châu Âu có thể sẽ đổ vỡ khi chính nền kinh tế Trung Quốc đang lâm vào khó khăn.
Tốc độ tăng trưởng của nước nay nằm 2015 đạt 6.9%, thấp nhất trong 25 năm qua. Điều này khiến lượng khí đốt mà Bắc Kinh cam kết mua của Nga vượt khỏi nhu cầu thực tế của họ.
Thêm vào đó, các nhà cung cấp khí đốt cho Trung Quốc như Australia, Qatar hay Turkmenistan... còn sẵn sàng đưa giá ưu đãi để cạnh tranh với khí đốt của Nga.
Thậm chí, việc Bắc Kinh yêu cầu Moscow phải chịu toàn bộ chi phí xây dựng và bảo trì đường ống cũng thể hiện rõ quan điểm "nắm đằng chuôi" của Trung Quốc trong thỏa thuận khí đốt.
Ông Putin ký tên lên phân đoạn đầu tiên của đường ống dẫn khí "Sức mạnh Siberia" vào tháng 9/2014. (Ảnh: Reuters)
Lợi ích của "xoay trục châu Á" sẽ không đến từ Trung Quốc
EAF cho rằng nước Nga vẫn có thể tìm thấy lợi ích từ chính sách "hướng Đông", nhưng nhiều khả năng không đến từ Trung Quốc, "đối tác mục tiêu" ban đầu.
Trong tình hình Đông Bắc Á hiện nay, Nhật Bản ngày càng cảnh giác cao với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Dù Tokyo chủ yếu dựa vào đồng minh là Mỹ để đối trọng với Bắc Kinh, nhưng Nội các của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng cho thấy rõ nguyện vọng củng cố quan hệ với Nga.
Sau sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện Fukushima năm 2011, diễn biến phản đối chính sách hạt nhân ở Nhật đã thúc đẩy nhu cầu của nước này đối với năng lượng khí đốt.
Xét về vị trí địa lý, Nga là nhà cung cấp có nhiều lợi thế. Đồng thời nhân tố bất ổn trong thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc cũng là động lực để Moscow bắt tay với Nhật.
Đặc biệt, khí đốt có thể vận chuyển trực tiếp từ vùng Viễn Đông của Nga tới Nhật Bản, không cần thông qua tuyến vận chuyển biển Đông và biển Hoa Đông, các khu vực trở nên căng thẳng bởi sự bành trướng từ chính Trung Quốc.
Nhờ đó, mua khí đốt từ Nga đối với Nhật là lựa chọn an toàn hơn nhiều so với các nước cung cấp khác.
Tổng thống Putin tiếp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Sochi ngày 6/5/2016. (Ảnh: EPA)
EAF phân tích, việc Moscow và Tokyo thắt chặt quan hệ hợp tác về năng lượng và cả lĩnh vực an ninh sẽ trở thành nhân tố cân bằng cho cục diện Đông Bắc Á, trong bối cảnh Bắc Kinh đang cho thấy họ không sẵn sàng củng cố quan hệ hợp tác với Nga khi phải "hy sinh" các đối tác truyền thống ở phương Tây.
Ngược lại, để cải thiện được quan hệ với Moscow, Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực vượt qua bất đồng với Mỹ và các nước phương Tây trong vấn đề cấm vận Nga. Theo EAF, vấn đề lúc này là khi nào Tổng thống Putin chính thức đưa ra quyết định của mình.