Theo Live Science, hệ tầng Argyle ở phía tây nước Úc là nguồn cung cấp 90% kim cương hồng trên Trái Đất. Đây vốn là một vị trí kỳ lạ để hình thành kim cương.
Được biết, nhà nghiên cứu Hugo Olierook từ Đại học Curtin (Úc) đã phát hiện ra nguồn gốc của những viên kim cương hồng tại hệ tầng Argyle này. Màu sắc kim cương cũng như địa chất khác lạ ở đây nhiều khả năng có cùng nguồn gốc từ những mảng kiến tạo của hành tinh cách đây 1,3 tỷ năm. “ Sự tan vỡ của các lục địa trên trái đất là cơ sở đưa kim cương lên từ lòng đất sâu ", chuyên gia Hugo Olierook nhận định.
Kim cương hồng khác với các loại kim cương thông thường, kim cương màu xanh, màu vàng - vốn có màu từ các tạp chất như nitrogen và boron. Kim cương hồng có màu do cấu trúc tinh thể của chúng đã bị uốn cong. Theo Australian Pink Diamond Exchange, kim cương màu hồng đậm tại Argyle thuộc dòng hiếm và cao cấp, chúng có thể lên tới 1,2 triệu USD cho 1 carat (hơn 29 tỷ đồng).
Kim cương hồng có độ đậm nhạt khác nhau, từ hồng nhạt, trung bình đến hồng đậm, rực rỡ. Sắc độ của màu hồng là yếu tố chính quyết định giá trị của một viên kim cương. Được biết màu càng đậm thì giá càng cao.
Kim cương hồng
Theo một số nguồn tin, Argyle cũng chứa nhiều kim cương nâu - được hình thành màu sắc do cấu trúc tinh thể bị biến dạng nghiêm trọng hơn.
Live Science viết, mỏ kim cương Argyle đã đóng cửa hồi năm 2020. Theo một nghiên cứu từ những năm 1980, niên đại của các lớp đá tại mỏ này là khoảng 1,2 tỷ năm. Nhưng ngay cả các nhà khoa học tiến hành khảo sát ban đầu cũng không tin vào con số này do còn nhiều hạn chế kỹ thuật. Vì vậy, Olierook và đồng nghiệp quyết định kiểm tra lại bằng thiết bị hiện đại, đặc biệt sử dụng công nghệ cắt laser cho phép họ xác định chính xác từng tinh thể riêng lẻ trong lớp đá cần xác định.
Những kết quả mới đã tiết lộ rằng Argyle chứa kim cương hồng lên tới 1,3 tỷ năm tuổi, lớn hơn 100 triệu năm so với dự đoán trước đây. Từ đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra khu mỏ ra đời bắt nguồn từ khi siêu lục địa Nuna bắt đầu tan vỡ.
Đầu tiên, cách đây khoảng 1,8 tỷ năm, hai mảnh vỏ lục địa đã va chạm vào nhau từ đó hình thành nên Nuna. Olierook cho rằng sự va chạm của lớp vỏ đã bẻ cong kim cương ở sâu bên trong, khiến chúng bị biến dạng tinh thể và tạo nên màu hồng đặc biệt.
Chính sự tan vỡ của Nuna sau 500 triệu năm đã đưa kim cương lên bề mặt. Sự phun trào đất đá và cả kim cương hồng đã diễn ra suốt nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
Việc theo dõi đường đi của kim cương từ lòng đất sâu lên bề mặt sẽ giúp hiểu cách carbon di chuyển ra vào từ bên trong Trái Đất như thế nào do kim cương chủ yếu là carbon nguyên chất. Nhà nghiên cứu Olierook cho rằng, Argyle là một địa điểm độc đáo, nhưng cũng có khả năng kim cương hồng vẫn có thể được tìm thấy ở những nơi khác trên Trái đất. Nếu kim cương hồng hình thành ở các rìa lục địa, có nhiều khả năng chúng sẽ bị vùi dưới nhiều lớp đá và trầm tích xói mòn.
“Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm thấy một Argyle khác, một kho báu kim cương hồng tiếp theo nhưng sẽ cần rất nhiều may mắn”, Olierook nói.
Tham khảo Live Science, Australian Pink Diamond Exchange