Một nội dung thu hút sự chú ý của dư luận trong những ngày qua là việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết có 2 luồng ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đưa ra các định hướng cụ thể: “nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời, hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế” và “bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư”.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất lắp ráp và phân phối ô tô trong nước thời gian qua phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định tại Quyết định số 115/2004/QĐ-BCN năm 2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và tại Thông tư 20/2011/TT-BCT năm 2011 của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư, “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô” không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Việc thay đổi chính sách sau khi Luật đầu tư có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, làm mất niềm tin đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là việc bảo hành, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.
Do vậy, việc bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng nêu trên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị, cần làm rõ việc bổ sung điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp hay yêu cầu quản lý nhà nước và có đảm bảo tính bình đẳng, phổ quát của pháp luật hay không.
Hiện nay, việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu các phương tiện giao thông như mô tô, xe máy, đầu máy, toa xe tàu hỏa, tàu điện, cáp treo đều không quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm định kỳ.
Đối với ô tô khi đưa vào sử dụng cũng phải thực hiện việc đăng kiểm định kỳ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng; đồng thời có quy định chặt chẽ về niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người; ngoài ra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô quy định các yêu cầu để kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được định nghĩa tại TCVN 6211 và TCVN 7271.
Mặt khác, nếu coi nhập khẩu ô tô là ngành, nghề cần hạn chế kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng thì tại sao không hạn chế việc nhập khẩu xe máy và các phương tiện giao thông khác. Do đó, đề nghị cân nhắc việc bổ sung “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với việc bổ sung ngành, nghề Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Cũng liên quan đến lĩnh vực ô tô, trong dự thảo Luật đề nghị bỏ kiện kinh doanh với dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô. Đề xuất này cũng có 2 luồng ý kiến đồng tình và không đồng tình.
Trong khi đó, theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, hiện cả nước có hàng ngàn cơ sở hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ô tô, việc quy định điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính phổ quát chung đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, vừa bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Còn 226 điều kiện kinh doanh
Theo Tờ trình do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, Dự án Luật được xây dựng nhằm các mục tiêu chủ yếu:
Cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật này không cấm.
Đồng thời bổ sung một số ngành, nghề cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, đồng thời đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh...
Sau khi được điều chỉnh, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 226 ngành, nghề (giảm 41 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành).
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhằm bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh không cần thiết phải có điều kiện kinh doanh; sửa đổi tên gọi, hợp nhất một số ngành, nghề và bổ sung một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm theo đúng tinh thần của Hiến pháp, đồng thời phù hợp với quá trình chủ động hội nhập quốc tế hiện nay.