Thời gian gần đây, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đẩy lên đến cao độ sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn tuyên bố cứng rắn sẽ "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" nếu nước này không dừng các hành động khiêu khích.
Nhưng nhìn lại lịch sử, ông Trump không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên tính tới khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Bình Nhưỡng.
Cả Tổng thống Lyndon B. Johnson và Richard Nixon đều từng cân nhắc biện pháp tấn công hạt nhân Triều Tiên trong những vụ khiêu khích thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Mỹ Johnson từng tính tới một vụ tấn công hạt nhân, trong số nhiều lựa chọn quân sự khác, nhằm trả đũa việc Triều Tiên bắt giữ tàu do thám USS Pueblo của Mỹ vào ngày 23/1/1968. Trong vụ việc này, một thủy thủ Mỹ đã bị sát hại và 83 người khác bị bắt làm con tin.
Binh sỹ Triều Tiên bên cạnh tàu do thám USS Pueblo đang trưng bày tại một bảo tàng chiến tranh ở Bình Nhưỡng năm 2006. Ảnh: AP
"Những tài liệu giải mật gần đây của Cơ quan lưu trữ An ninh Quốc gia đã mô tả những phản ứng nội bộ căng thẳng đối với vụ bắt giữ tàu Pueblo" - John Prados và Jack Cheevers thuộc Văn phòng lưu trữ An ninh Quốc gia Đại học George Washington đã viết như vậy vào năm 2014.
"Đã có những cuộc bàn luận chính trị và quân sự cấp cao được giấu kín trước đó về cách thức phản ứng với vụ việc trong bầu không khí đầy nguy hiểm về một cuộc xung đột".
Theo hai chuyên gia nghiên cứu trên, các kế hoạch dự phòng quân sự mà sau đó Tổng thống Lyndon Johnson đã không dùng đến có cả việc phong tỏa hạt nhân, tấn công không quân và thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Bình Nhưỡng.
Các tài liệu của Văn phòng lưu trữ cho thấy, "trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ đang đàm phán thì Bộ Quốc phòng chuẩn bị cho một cuộc tấn công phủ đầu, có thể bằng vũ khí hạt nhân".
"Giữa lúc Bộ Ngoại giao tiến hành các cuộc đàm phám bí mật với Triều Tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình thì Lầu Năm Góc lên kế hoạch đối phó với các tình huống khẩn cấp, gồm cả khả năng Triều Tiên tấn công phủ đầu Hàn Quốc" - hai nhà nghiên cứu viết.
Một chiếc Lockheed EC-121M Warning Star của Hải quân Mỹ đầu những năm 1970. Ảnh: Wikimedia Commons
Trong một cuộc khiêu khích diễn ra sau đó vào ngày 15/4/1969, khi Bình Nhưỡng bắn rơi máy bay trinh thám Lockheed EC-121 Warning Star của Hải quân Mỹ khiến 31 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, Tổng thống Nixon cũng đã cân nhắc một đòn tấn công hạt nhân đáp trả.
"Quân đội đã đưa ra các lựa chọn, tăng cấp độ sử dụng sức mạnh quân sự, tính tới cả kịch bản chiến tranh toàn diện và sử dụng vũ khí hạt nhân" - Robert Wampler, nhà sử học của Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia nói với Đài phát thanh NRP.
NPR cũng từng phỏng vấn một cựu phi công lái máy bay McDonnell Douglas F-4 Phantom II tên là Bruce Charles về thời khắc ông này sẵn sàng chờ đợi lệnh tấn công một căn cứ không quân của Triều Tiên bằng một quả bom nhiệt hạch 330KT B61.
"Khi tôi tới gặp viên đại tá chỉ huy, mọi việc rất đơn giản. Ông miêu tả lại cho tôi nghe vụ bắn rơi chiếc EC-121 và rằng ông đã nhận được thông điệp, đồng thời yêu cầu tôi chuẩn bị tấn công mục tiêu" - Charles kể với NPR.
Tuy nhiên, cuối cùng Tổng thống Nixon đã chọn cách kiềm chế thay vì tiến hành một vụ tấn công đáp trả.
Biên tập viên Quốc phòng Dave Majumdar của tạp chí National Interest nhận định, có lẽ Nixon hiểu được rằng phát động một cuộc chiến thì dễ nhưng các sự việc sau đó có thể nhanh chóng vọt khỏi tầm kiểm soát. Nixon đã ứng xử khôn ngoan và biết rằng, đôi khi "tránh voi chẳng xấu mặt nào".
Dave Majumdar bày tỏ hy vọng, Tổng thống Donald Trump cũng sẽ theo gương những người tiền nhiệm Johnson và Nixon để không làm tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên vốn đã tồi tệ lại càng trở nên tệ hại hơn.