Nội dung chính
- Tỷ phú giàu nhất châu Á, top 25 thế giới muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hàng không với 2 dự án:
- Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 2
- Dự án nâng cấp sân bay Chu Lai
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng không
Trong chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch tập đoàn Adani - tỷ phú giàu nhất châu Á với khối tài sản 122 tỷ USD và nằm trong top 25 thế giới.
Tại cuộc gặp, người đứng đầu tập đoàn Adani bày tỏ dự định tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực hàng không, logistics, như xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai. Tại Ấn Độ, Adani Group là nhà điều hành sân bay lớn nhất Ấn Độ.
Tập đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo, tạo điều kiện và nêu một số đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao mô hình hoạt động, quy mô, tầm nhìn, vai trò của Adani đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại Ấn Độ và các quốc gia khác; kết quả hoạt động của tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian qua; hoan nghênh dự định hợp tác, đầu tư, mở rộng đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian tới với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD.
Thủ tướng cũng hoan nghênh đề xuất của tập đoàn tham gia xây dựng các sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai…; đề nghị trao đổi với các cơ quan phía Việt Nam để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong đó, Thủ tướng khẳng định sân bay Chu Lai có vị trí rất chiến lược, thuận lợi và tiềm năng khai thác rất lớn.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị tập đoàn Adani tăng cường chuyển giao công nghệ, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, tham gia vào chuỗi cung ứng, hệ sinh thái phát triển của Adani.
"Chính phủ luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực hạ tầng chiến lược", Thủ tướng nhấn mạnh.
Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2
Dự án sân bay Long Thành là dự án quan trọng đặc biệt cấp Quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD), trong đó dành 4% cho giai đoạn một.
Tháng 6 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Thủ tướng xem xét giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lập phương án nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2 cảng Long Thành.
Theo Nghị quyết 94/2015, Quốc hội xác định quy mô đầu tư sân bay Long Thành theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường băng và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 3 hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa một năm.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết rằng để chuẩn bị mặt bằng cho nhà ga hành khách T2 và đường băng số 2 trong giai đoạn 2 của dự án, Chính phủ cần chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 2 của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua.
Trong năm 2023, Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì việc nghiên cứu các kế hoạch triển khai giai đoạn 2 của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng với việc xây dựng thêm đường băng, nhằm triển khai ngay sau khi hoàn tất giai đoạn 1.
Tại hiện trường của giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện nay, có khoảng 4.000 kỹ sư và công nhân đến từ trong nước và quốc tế đang làm việc, với sự hỗ trợ của hơn 2.000 máy móc thi công. Các hạng mục công việc đang được tăng tốc tiến độ để dự án có thể đi vào hoạt động vào cuối năm 2025.
Dự án đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế.
Trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2030, sân bay quốc tế Chu Lai được lên kế hoạch mở rộng với tiêu chuẩn 4F và dự kiến sẽ có công suất khoảng 10 triệu lượt khách mỗi năm. Diện tích quy hoạch cho cảng này là 2.006,56 hecta, với tổng kinh phí đầu tư dự tính lên tới khoảng 15.968 tỷ đồng, tương đương với 630 triệu USD.
Đến năm 2050, sân bay quốc tế Chu Lai tiếp tục được phát triển theo tiêu chuẩn 4F, nhưng công suất thiết kế sẽ tăng lên đến 30 triệu lượt khách mỗi năm, với diện tích không đổi và dự kiến chi phí đầu tư lên tới 37.950 tỷ đồng, khoảng 1,5 tỷ USD.
Sân bay Chu Lai tọa lạc tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ vào vị trí thuận lợi này, việc nâng cấp sân bay thành cảng hàng không quốc tế được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội cho cả tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Hiện tại, dự án xã hội hóa sân bay Chu Lai đã được UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải và đang chờ định hình cơ chế đầu tư phát triển sân bay trên cả nước thông qua hình thức xã hội hoá. Quảng Nam đã đưa ra hai phương án đầu tư:
Phương án thứ nhất là ACV kết hợp với doanh nghiệp tư nhân có khả năng để cùng nhau đầu tư và phát triển sân bay, với ACV là nhà khai thác độc quyền cho cả khu vực phía tây hiện tại của sân bay Chu Lai và khu vực mới phát triển ở phía đông.
Phương án thứ hai là chia thành hai nhà khai thác: ACV sẽ tiếp tục quản lý khu vực phía tây của sân bay, trong khi một nhà khai thác thứ hai sẽ được mời gọi đầu tư vào phía đông của sân bay theo quy hoạch.
Ông Gautam Adani, 61 tuổi, sáng lập Adani Group vào năm 1988 với lĩnh vực kinh doanh ban đầu là hàng hóa.
Adani sau đó phát triển thành tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng; sở hữu 14 cảng biển tư lớn nhất tại Ấn Độ, chiếm 25% năng lực cảng biển của Ấn Độ và 7 sân bay của nước này; là tập đoàn năng lượng lớn nhất Ấn Độ.
Năm 2023, doanh thu tập đoàn đạt khoảng 33 tỷ USD, lợi nhuận đạt khoảng 2,9 tỷ USD với 29.000 nhân viên trên toàn cầu.