Biến chứng nâng ngực rất phổ biến
Bên cạnh việc nâng mũi, tạo hình cằm, mặt…thì phẫu thuật nâng ngực là loại phẫu thuật phổ biến đối với chị em và kèm theo đó có nhiều tiềm ẩn rủi ro mà không phải ai cũng biết.
Theo Đại tá, TS.BS Nguyễn Huy Thọ - Nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình - Bệnh viện TW Quân đội 108, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Hà Nội, mặc dù phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn là một loại phẫu thuật thông dụng, có độ an toàn cao nhưng không phải không tiềm ẩn rủi ro.
"Theo nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ biến chứng trên thế giới khoảng từ 4-8%, tức cứ 100 người làm phẫu thuật nâng ngực thì có từ 4 đến 8 người bị biến chứng. Đó là con số không phải thấp. Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, có khoảng 2,4% tức 100 người thì có 2,4 người bị biến chứng co bao", Bác sĩ Thọ cho biết.
Làm thế nào để hạn chế biến chứng? Sau đây là 4 quy tắc cần theo:
- Đầu tiên phải đến gặp bác sỹ để nghe tư vấn, hiểu rõ những ưu và nhược điểm khi phẫu thuật nâng ngực.
- Không được giấu bệnh. Theo Đại tá,TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ Hà Nội, trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh nhân giấu bệnh là một điều cực kỳ nguy hiểm. Nhiều bệnh nhân mang bệnh lý tim mạch, huyết áp cao, khi sử dụng thuốc tê, thuốc mê dễ có biến chứng hậu phẫu.
- Phải làm đủ các lượt đo, xét nghiệm và kết quả phải thể hiện sức khoẻ hoàn toàn bình thường. Điều này rất quan trọng vì liên quan đên việc đảm bảo khi gây thuốc mê
- Nên đến các địa chỉ uy tín. Tốt nhất là đến bệnh viện để được đảm bảo an toàn.
2 dấu hiệu sớm phát hiện biến chứng do nâng ngực
- Biểu hiện ngực căng, chắc và nặng.
- Hình thể bên ngoài không được tròn, không mềm.
BS Thọ cho biết, khi bệnh nhân có những dấu hiệu trên thì cần phải đến trao đổi với bác sĩ ngay để can thiệp kịp thời và tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Biến chứng nguy hiểm nhất sau nâng ngực là biến chứng co bao. (Ảnh minh họa).
Những biến chứng thường gặp và cách phòng tránh biến chứng
Theo BS Thọ, biến chứng của phẫu thuật nâng ngực hiện nay là một vấn đề mà rất nhiều hội nghị, nhà nghiên cứu trên thế giới đề cập đến. Có 2 loại biến chứng, đó là loại biến chứng sớm và biến chứng muộn.
- Biến chứng sớm là biến chứng trong tháng đầu sau phẫu thuật, bao gồm: tụ máu, nhiễm trùng, toác vết mổ.
- Biến chứng muộn là những biến chứng xảy ra khoảng sau 6 tháng phẫu thuật gồm: sẹo và biến chứng co bao.
BS Thọ cho biết thêm, có 2 loại sẹo là sẹo quá phát và sẹo lồi. Ở Việt Nam với đặc thù da vàng nên thường xuất hiện sẹo lồi là loại sẹo thô. Điều này không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng không đẹp về thẩm mỹ.
Biến chứng nguy hiểm nhất sau nâng ngực là biến chứng co bao. Đây là hiện tượng bao sơ bọc bên ngoài túi silicon dày lên làm cho khoang túi co hẹp lại và gây ra hiện tượng gấp nếp, khiến cho bệnh nhân bị đau, có cảm giác bên ngoài bị cứng.
Theo đó, BS Thọ cũng đưa ra lời khuyên cho chị em để phòng biến chứng co bao: "Luyện tập sau phẫu thuật là rất quan trọng. Ở Thái Lan, chị em thực hiện 6 tháng không mặc áo ngực. Theo tôi, đây là phương pháp hay bởi vì với 6 tháng ấy khi quá trình di động thì cái ngực tự rung và đó cũng là một hình thức chống co bao.
Luyện tập thứ 2 là phải mát xa thường xuyên nhưng không phải mát xa ngoài da mà là mát xa sâu để cho túi được vận động. Ngoài ra phải tuyệt đối tuân theo y lệnh của bác sỹ phẫu thuật".