Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới sau ung thư gan, phổi và dạ dày; phổ biến thứ 3 ở nữ giới sau ung thư vú và phổi. Trong năm 2020, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng là 16.426 và số ca tử vong do bệnh là 8.203.
Ung thư đại trực tràng nguy hiểm, song bệnh lý này có thể chữa khỏi tới 90% nếu được phát hiện và điều trị sớm.
PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay các yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng có thể kể tới là tuổi, di truyền, lối sống - trong đó có chế độ ăn. Đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy một số thói quen ăn uống có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Thứ nhất, các nghiên cứu cho thấy khoảng 13% người mắc ung thư đại trực tràng có liên quan đến chế độ ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Thịt đỏ gồm thịt heo, thịt bò, thịt cừu... Thịt chế biến sẵn là thịt đã được xử lý để bảo quản, thường được thêm gia vị, như xúc xích, thịt hộp, thịt xông khói...
"Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, mọi người chỉ nên ăn dưới 70g thịt đỏ và thịt chế biến sẵn mỗi ngày. Nên thay thịt đỏ bằng cá hay thịt gà, hoặc dùng các loại đậu", PGS Niên nói.
Ăn ít rau xanh là yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, nguồn ảnh: Internet.
Thói quen thứ 2 được cho là có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng mà PGS Niên nhắc tơi đó là ăn ít chất xơ. Việc ăn quá ít chất xơ cũng được xem là yếu tố nguy cơ cho ung thư đại trực tràng, có liên quan đến 30% các trường hợp ung thư đại trực tràng.
"Nên tăng cường lượng chất xơ trong bữa ăn bằng cách chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì các thực phẩm chứa tinh bột đã tinh chế (như bánh mì trắng, cơm trắng, bánh quy...). Ăn nhiều thực phẩm thực vật như các loại đậu hạt, trái cây, rau", PGS Niên tư vấn.
PGS Niên cho biết thêm các tình trạng như uống nhiều bia rượu, thừa cân béo phì cũng được xem là các yếu tố nguy cơ cho ung thư đại trực tràng.
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K, cho hay có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, trong đó có chế độ ăn thiếu lành mạnh. Việc ăn quá nhiều dầu mỡ, muối, thịt động vật, thức ăn lên men, thức ăn xông khói… là những yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Theo lý giải của bác sĩ Nam, các thức ăn trên khiến cho quá trình nhu động của ruột bị cản trở (chậm lại). Quá trình tiêu hoá thức ăn chậm sẽ khiến các chất độc tiếp xúc lâu với niêm mạc, dẫn tới biến đổi cấu trúc tế bào, đặc biệt là biến đổi cấu trúc niêm mạc đại tràng có thể dẫn tới ung thư hoá đại trực tràng.
Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, ví dụ như viêm loét đại trực tràng mạn tính, bệnh crohn, các u lành tính (polyp kích thước lớn). Ngoài ra, người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng cũng có nguy cơ cao hơn.
Các giai đoạn của ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 0) khi ung thư chưa qua lớp trong niêm mạc trực đại tràng sẽ có hiệu quả điều trị rất cao. Ở giai đoạn này, việc điều trị cũng dễ dàng hơn bằng cách cắt u qua nội soi hoặc phẫu thuật cắt đoạn đại trực tràng.
Khi ung thư ở giai đoạn I, ung thư đã ăn lan tới lớp cơ của đại trực tràng, việc điều trị bệnh sẽ được thực hiện bằng cách cắt đoạn đại trực tràng.
Ở giai đoạn II, ung thư đã ăn lan trong thành đại tràng, trực tràng và có thể đến lớp ngoài của đại tràng trực tràng, chưa di căn hạch. Lúc này sẽ cần điều trị phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại trực tràng.
Ung thư ở giai đoạn III có di căn hạch, chưa xâm lấn các cơ quan khác trong cơ thể. Điều trị ung thư bằng cách cắt bỏ đại trực tràng, hóa trị và xạ trị sau mổ.
Ung thư ở giai đoạn IV khi có di căn tới các cơ quan khác, lúc này, điều trị ung thư bằng cách cắt đại trực tràng, hóa xạ trị có thể kèm theo và có thể cắt bỏ cơ quan di căn xa nếu phẫu thuật được.