Mới đây, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã công bố loạt hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đã đi kiểm tra ba tỉnh Đông Bắc nước này từ ngày 25-28/9.
Tại đây, ông nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp và yêu cầu đẩy nhanh tốc độ xây dựng các nền tảng nông nghiệp hiện đại.
Tuy nhiên, tờ The New York Times (Mỹ) cho rằng, chuyến khảo sát này của ông Tập còn mang ý nghĩa quan trọng hơn thế rất nhiều: Tạo cơ hội cho ông xây dựng hình ảnh sánh ngang Mao Trạch Đông, đồng thời cũng là cơ hội để ông đáp trả lại Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính sách bảo hộ.
Hai bức ảnh về ông Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông được NYT đưa ra so sánh.
Trong bức ảnh được Tân Hoa Xã công bố: Ông Tập tươi cười cùng người nông dân trên một cánh đồng ở Hắc Long Giang. Theo NYT, bố cục bức ảnh này giống hết với bức ảnh Mao Trạch Đông thăm đồng ruộng ở những năm 50 của thế kỷ 20.
NYT dẫn lời ông David Bandurski - chuyên gia thuộc Đại học Hồng Kông nhận định, "đây là tín hiệu thị giác phản ánh về địa vị của ông Tập hiện nay (trên chính trường Trung Quốc). Hơn nữa, theo ông này, bức ảnh mang hơi thở nông thôn hiện đại với dàn máy gặt đập liên hợp phía sau cho thấy sự tiến bộ khoa học và công nghệ của Trung Quốc.
Đây không phải lần đầu tiên, địa vị của Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá ngang hàng Mao Trạch Đông trên chính trường Trung Quốc.
Trước đây, tại Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 1/2017), học thuyết chính trị mang tên Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm đã được đưa vào Điều lệ đảng.
Trong khi, học thuyết chính trị của hai người tiền nhiệm là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào tuy cũng được đưa vào Điều lệ đảng nhưng không được đính kèm danh xưng.
Giới phân tích khi đó khẳng định, động thái này đã chính thức nâng vị thế của ông ngang tầm Mao Trạch Đông.