19 năm trước, người đàn bà sát hại chồng rồi tạo ra một vụ hỏa hoạn nhằm trốn tránh tội lỗi.
“Oan oan tương báo”, sau khi ra tù, bà ta lại bị sát hại chính trong ngôi nhà đó với cùng một phương thức năm xưa bà đã dùng để giết chồng. Vụ án giết người giống như một bản copy gây chấn động dư luận.
Thi thể trong đám tro tàn
Năm 1989, Hà Quang Bình (4 tuổi) có một gia đình hạnh phúc. Bình có hai người anh trai và một cô em gái.
Cha Bình là Hà Trí Đức, làm thợ mộc, tính tình thật thà, hiền từ, chăm chỉ chịu khó. Hàng ngày, Đức phải làm việc đến tối muộn mới về vì kế sinh nhai cho cả gia đình.
Thi thoảng về nhà, ông thường đem cho các con mấy món đồ chơi tự tay ông làm. Vì vậy, thời điểm cha về nhà là niềm vui lớn nhất với mấy đứa trẻ.
Mẹ Bình là Lý Hoàng Chi, nhanh nhẹn hoạt bát, cần kiệm nhưng tính khí đanh đá ghê gớm, mặc dù vậy cũng rất thương yêu các con.
Thế nhưng gia đình hạnh phúc yên ấm ấy bỗng bị phá vỡ vào năm 1989. Đó là sáng 14/7, Chi muốn lên thị trấn mua đồ nên gửi con cho hàng xóm trông giúp.
Nhưng tới khoảng 1h chiều, Bình đang chơi trốn tìm với bạn thì nghe thấy tiếng kêu thất thanh của mọi người báo có hỏa hoạn.
Quay về hướng nhà mình, Bình thấy lửa đang bốc lên cao, khói đen mù mịt. Nửa tiếng sau, đám cháy được dập tắt. Người ta phát hiện thi thể một người bị cháy đến biến dạng. Trên nền đất còn một con dao phay dính máu.
Khoảng 1 tiếng sau đó, nhận được tin báo, cảnh sát có mặt tại hiện trường. Kinh hoàng và bất ngờ là sau một hồi kiểm tra xung quanh, khám nghiệm tử thi, Lý Hoàng Chi lúc này đang nấp sau nhà bị cảnh sát đưa đi. Trước khi lên xe, Chi còn ngoái lại cười nhạt một cái.
Bình lúc đó còn nhỏ không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng thi thể bị cháy và điệu cười nhạt của người mẹ lại là hình ảnh kinh sợ nhất in đậm trong tâm trí Bình không thể nào xóa được.
Chồng hiền lành gặp vợ lăng loàn
Qua kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy, thi thể nạn nhân bị cháy biến dạng không phải ai xa lạ mà chính là Hà Trí Đức. Nguyên nhân cái chết và vụ cháy đều do Lý Hoàng Chi gây ra.
Thông tin trên truyền ra ngoài gây hrấn động cả vùng quê, mọi người đều có thái độ căm phẫn đối với Chi vì hành động dã man và xót thương cho nạn nhân hiền lành nhân từ lại gặp tai ương.
Lý Hoàng Chi sinh ra tại thôn Thạch Sơn Cước (trấn Tiên Tử Cước, huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Nhà Chi có 4 chị em, từ nhỏ Chi đã thông minh lanh lợi, nhưng tính cách lại ngang ngược.
Tháng 12/1980, Hà Trí Đức đến làm rể nhà Chi. Do đến làm rể lại tính tình ôn thuận nên Đức có vẻ lép vế, mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do Chi quyết định.
Sau khi sinh được 4 người con, cuộc sống gia đình vẫn rất êm ấm. Nhưng bắt đầu từ năm 1988, quan hệ vợ chồng giữa Đức và Chi có nhiều rạn nứt.
Trấn Tiên Tử Cước là vùng núi xa xôi, cả trấn chỉ có một cửa hàng tạp hóa bán đồ dùng hàng ngày, ông chủ là Thái Can (31 tuổi), tướng mạo đẹp trai nho nhã, nhưng lại là người có tính trăng hoa có tiếng nên hơn 30 tuổi vẫn còn độc thân.
Khi lần đầu Chi vào cửa hàng mua đồ, Can đã có ý thích nên mỗi lần Chi mua đồ đều được mua 1 tặng 1, hoặc lúc thì tặng cho Chi lọ nước hoa, khi lại tặng chút đồ ăn vặt. Dần dần, cả hai nảy sinh tình ý, lời đồn cũng truyền ra cả thôn sơn cước.
Lúc đầu, Đức không tin những lời đồn là thật, sau này để ý, Đức thấy tuy chẳng có việc gì nhưng vợ vẫn lên thị trấn nên đem lòng nghi ngờ, hai vợ chồng thường xảy ra tranh cãi.
Chiều một ngày tháng 7/1989, Đức được về sớm hơn thường ngày, vừa đẩy cửa bước vào phòng ngủ thì một cảnh tượng đập vào mắt, Chi và Can không mảnh vải che thân nằm trên giường khiến Đức không kìm chế được bản thân lôi Can dậy đấm hai cái vào mặt.
Sau đó, Đức lôi Chi lúc đó quần áo xộc xệch về nhà mẹ đẻ của Chi, trên đường đi rất nhiều người nhìn thấy nên sự việc nhanh chóng trở thành chủ đề đàm tiếu trong thôn.
Đức nghĩ rằng, làm như vậy Chi sẽ nhận ra sai trái.
Nhưng nào ngờ, khi về nhà, không những Chi không nhận sai mà còn có thái độ bất chấp, trách cứ Đức lẽ ra không được làm xấu mặt trước bà con thiên hạ, đồng thời nói Đức cả ngày chỉ biết đi làm tối mắt tối mũi mà chẳng mở mày mở mặt ra được.
Trong lúc tranh cãi kịch liệt, Đức uất hận tát Chi một cái. Thấy vậy chi liền chạy xuống bếp lấy con dao phay rồi lừa lúc Đức không để ý, Chi vung dao chém thẳng xuống đầu Đức.
Bị vợ ra tay bất ngờ không kịp chống đỡ, Đức choáng váng ngã xuống chiếc giường bên cạnh. Để che đậy tội ác của mình, Chi tự đốt nhà, gây ra vụ cháy hòng xóa dấu vết.
Từ những bằng chứng thu thấp được, ngay lúc đó cảnh sát đã nhận định nghi phạm số một chính là Chi. Tại cơ quan điều tra, Chi cũng thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Tháng 3/1990, Chi bị tòa án nhân dân tỉnh Hồ Nam tuyên án tử hình nhưng do lúc đó Chi đang mang thai nên cho hoãn 2 năm thi hành.
Trong 2 năm thử thách, Chi nỗ lực cải tạo, ăn năn hối cải nên năm 1992 được giảm án xuống còn chung thân, sau đó lại được giảm tiếp xuống thành án có thời hạn.
Tháng 7/2006, Chi được trả tự do, lúc này cô ta đã ở tù được 19 năm và đã ở tuổi 52.
Đứa con bất hạnh
Cha bỗng nhiên chết tức tưởi, mẹ vào trại giam khiến 4 anh em Lý Quang Bình trở thành trẻ mồ côi, phải sống với người ông bà ngoại. Những người cô của Bình thỉnh thoảng đón anh em đến nhà ở vài tháng.
Một người cô ở tỉnh Quảng Tây quý Bình nhất nên hàng năm đều đón Bình về ở vài tháng, còn cho tiền Bình đi học.
Cuộc sống của mấy anh em Bình năm này qua năm khác cứ như vậy nên ấn tượng về cha mẹ ngày càng mờ nhạt. Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh thi thể cháy biến dạng nằm co quắp, Bình lại khóc thầm một mình.
Lớn lên một chút, Bình không còn muốn chơi với các bạn cùng trang lứa, cả ngày lầm lũi một mình. Bình trở nên thất thường, rồi sinh lòng thù hận với tất cả. Đặc biệt mỗi khi có người nói Bình là con phạm nhân, nỗi uất hận đối với mẹ ngày càng dày thêm.
Năm 1999, khi tốt nghiệp cấp II, Bình lúc đó 16 tuổi, không muốn học tiếp nữa nên lưu lạc đến thành phố Đông Quản (tỉnh Quảng Tây) để làm thuê.
Do tuổi còn nhỏ, lại không có kỹ năng gì nên Bình chỉ xin được công việc khuân vác hàng ở nhà máy làm đồ chơi, lương tháng được vài trăm nhân dân tệ, cần kiệm lắm mới đủ ăn.
Công việc bận bịu, cuộc sống nhiều lo toan nên Bình tạm quên đi nỗi đau gia đình, bắt đầu trưởng thành hơn.
Tết 2002, do tình hình kinh doanh tại nhà máy nơi Bình làm gặp nhiều khó khăn nên Bình bị sa thải. Sau đó, do không tìm được công việc thích hợp, Bình lưu lạc khắp nơi, cuộc sống vô cùng chật vật.
Bình bắt đầu quay lại oán hận người mẹ, Bình nghĩ nếu cha còn sống thì có thể lúc này Bình cũng đang chuẩn bị bước vào đại học, sống một cuộc sống bình yên giống như bao đứa trẻ khác. Bình hận mẹ đã phá hủy tất cả mọi thứ tốt đẹp của mình.
Tháng 7/2006, Chi được trả tự do trước thời hạn. Về nhà, Chi nhận ra mình thành một quả phụ, bởi các con đều lưu lạc mỗi đứa một nơi. Con trai lớn đi ở rể, 3 người con còn lại đều đi làm ở các tỉnh duyên hải nhưng chưa lập gia đình.
Nhìn căn nhà tồi tàn đổ nát, Chi bỗng có cảm giác đau đớn thê lương, hối hận vì tội lỗi mình đã gây ra đước đây. Chi vội chạy đến mộ chồng quỳ xuống khóc lóc nói mình đã hại chồng, hại con, hại cả một gia đình hạnh phúc.
Sau 19 năm cải tạo, Chi mới tỉnh ngộ, thề sẽ làm lại để trở thành người tốt. Bởi trong thời gian ở trại giam, dù con cái đã lớn nhưng không một đứa nào vào thăm mình đến một lần.
Đau đớn tuyệt vọng, mấy lần Chi đã tự sát nhưng may mắn được quản giáo phát hiện kịp thời. Chi nghĩ tất cả đều do mình gây ra thì mình phải tự chịu, Chi chỉ muốn khi quay về sẽ bù đắp cho các con và hi vọng chúng tha thứ.
Việc đầu tiên khi trở về nhà là Chi tìm đến nhà con trai lớn để thăm cháu nội. Nhưng người con này nghe tin mẹ đến liền tránh mặt rồi bảo vợ đuổi Chi đi. Chi tiếp tục hỏi thăm 3 người con còn lại, gọi điện hỏi thăm tình hình cuộc sống của họ.
Bình nhận được điện thoại của Chi liền lập tức tắt máy không nghe. Đặt điện thoại xuống, Bình lặng lẽ khóc một mình. Bởi 19 năm xa cách, Bình cũng rất nhớ mẹ, nhưng một người mẹ độc ác như vậy lại là gánh nặng đè lên tâm lý Bình.
Thực ra, khi Chi được trả tự do, người cô thứ hai của Bình đã gọi điện thông báo cho Bình, hi vọng Bình bớt chút thời gian về thăm. Nhận tin, Bình rất xúc động nhưng vẫn nói: “Con không có mẹ, mẹ con đã chết rồi”.
Trong thời gian đó, công việc và tình yêu của Bình cũng găp nhiều bất trắc khiến tâm lý Bình rơi vào tiêu cực. Sau khi bị sa thải ở công ty cũ, Bình đến Thâm Quyến làm công việc giao ga cho một cửa hàng tư nhân.
Trong một lần uống rượu, Bình đi giao ga rồi gây tai nạn, xe hỏng, người bị thương, ông chủ cũng sa thải Bình rồi trừ lương để bù thiệt thại. Khi nằm viện, điều khiến Bình càng đau khổ hơn là người bạn gái từ hồi làm ở công ty cũ cũng rời xa Bình.
Tin nhắn cuối cùng Bình nhận được từ bạn gái có đoạn: “Tại sao anh không nói với em rằng có một người mẹ như vậy? Vì bà ta, chúng ta đành phải chia tay, mong anh thứ lỗi”.
Tin nhắn đó khiến Bình đã có lúc nghĩ đến cái chết vì chán nản. Bình nghĩ, giá như mẹ không gây tội ác thì lúc này cha vẫn còn, cuộc sống của mình đã không gặp nhiều bất hạnh đến vậy.
Trong lòng Bình luôn coi cha là một cây đại thụ, vì vậy tội lỗi của bà ta là không thể tha thứ. Cũng giống như hai người anh và em gái, Bình quyết định không gặp mẹ, điện thoại cũng không thèm nghe.
Giết mẹ báo thù cho cha
Trong lúc Chi đang ngày đêm mong ngóng có thể được gặp các con một lần thì ngày 25/7/2008, người con mà mình yêu quý nhất, Lý Quang Bình bất ngờ trở về nhà. Lần này quay về, người cô của Bình cũng không hề hay biết.
Từ khi cha mất, mọi việc lớn nhỏ Bình đều thông báo với cô, mỗi kỳ nghỉ hay lễ tết, Bình đều về nhà cô. Vậy mà lần này quay về, Bình không hề nói một lời nào.
Trước đó, sau khi nằm viện điều trị một thời gian, Bình xuất viện, ngày 10/8/2006 xin vào làm việc tại một nhà máy dệt may tại thành phố Sơn Đầu, tỉnh Quảng Tây.
Từ đó, tính cách của Bình càng trở nên kỳ quái, cả ngày chẳng hề nói một câu, chỉ lầm lũi làm việc.
Do tinh thần làm việc chịu khó nên ông chủ rất quý. Cuối năm 2007, Bình được đề bạt lên làm chủ quản sản xuất, lương mỗi tháng 2 ngàn nhân dân tệ, cuộc sống của Bình bắt đầu khởi sắc.
Nửa cuối năm 2008, do suy thoái kinh tế toàn cầu nên từ tháng 6, nhà máy nơi Bình làm việc không còn đơn hàng, 6 xưởng sản xuất của nhà máy đều đồng loạt dừng sản xuất 2 tháng, sau đó nhà máy phải tuyên bố phá sản.
Mất việc làm, đi tìm nhiều nơi nhưng không có chỗ nào nhận, Bình không còn đường nào khác đành phải quay về quê, định bụng nhân cơ hội này nhìn mặt người mẹ đã 19 năm xa cách, để xem bà ta là người phụ nữ như thế nào mà đem lại cho mình quá nhiều nỗi bất hạnh như vậy.
Hôm đó, về đến nơi, Bình được một người cậu dẫn đi gặp mẹ. Nhưng khi gặp mặt, trong đầu Bình hoàn toàn trống rỗng.
Đã nhiều đêm một mình ở nơi xa xôi, Bình đã từng gọi mẹ, nhưng khi đứng trước mặt mẹ thì Bình lại không thốt lên được lời nào, cũng không cười với bà, chỉ nhìn bà ta với con mắt lạnh lùng, coi như chỉ quen biết mà thôi.
Ngược lại, Lý Hoàng Chi lại rất xúc động, cho dù Bình nhìn Chi với ánh mắt lạnh lùng sắc lẹm khiến Chi lạnh người, nhưng dù sao cũng là đứa con mình hằng mong nhớ 19 năm qua nên vui mừng hỏi han. Trưa hôm đó, Chi làm mâm cơm thịnh soạn cùng Bình và người cậu ăn cơm.
Trên mâm cơm, Chi hỏi han Bình khiến Bình có chút xúc động, nhưng gương mặt vẫn lạnh lùng không biểu hiện thái độ.
Tối hôm đó, Chi thu xếp phòng ốc giường chiếu cho Bình ngủ, Bình không từ chối cũng không cảm ơn. Đêm đến, trong căn nhà quen thuộc, những ký ức quen thuộc trước đây lại mơ hồ hiện về khiến Bình trằn trọc không tài nào ngủ được.
Những ngày tiếp theo, Bình ở lại cùng mẹ, Chi chăm sóc Bình rất mực chu đáo, khuôn mặt lúc nào cũng rạng rỡ mong Bình vui vẻ.
Chi luôn miệng nói với hàng xóm rằng Bình khổ sở bao năm cũng vì mình nay muốn bù đắp. Hàng xóm thấy vậy cũng cảm thông an ủi Chi nên sống tốt những ngày còn lại.
Tuy nhiên, dù đã làm mọi cách nhưng Bình vẫn giữ thái độ lạnh lùng, trầm ngâm ít nói, thậm chí nhiều khi Bình còn nổi giận lôi đình trước sự quan tâm thái quá của mẹ khiến những lúc như vậy Chi chỉ biết cười trừ.
Trong đầu Bình suy nghĩ, làm như vậy là cách tốt nhất để đối xử với Chi và cũng là cách để thử thách xem Chi đã thực sự hối cải hay chưa.
Nửa tháng ở nhà tỉ mỉ quan sát, từ lời nói và hành vi của Chi, Bình phát hiện ra điểm nghi vấn.
Vì Chi vừa mới ra tù không lâu, chủ yếu chỉ dựa vào làm ruộng để mưu sinh, không có nguồn thu nhập gì khác, nhưng việc ăn mặc, tiêu dùng của Chi không hề thua kém người khác. Ngoài ra, thỉnh thoảng Chi còn đi cả đêm không về nhà.
Thì ra, năm 2006, sau khi ra tù, Chi tìm đến Thái Can, yêu cầu anh ta bồi thường cho mình, do áp lực từ phía Chi, Can đành phải đồng ý trả cho Chi 10 ngàn nhân dân tệ, đồng thời tiếp tục quan hệ bất chính với Chi, thường xuyên chu cấp kinh tế cho Chi tiêu sài.
Một ngày tháng 8/2008, từ cuộc nói chuyện của hai người dân trong thôn, Bình biết được sự thực 19 năm trước: Nguyên nhân cha chết là kết quả từ cuộc tình vụng trộm giữa Chi và Can.
Nghe được câu chuyện, Bình kinh hãi nhận ra, 19 năm đã qua, đến nay họ vẫn thường qua lại, Bình cảm thấy tức giận sôi máu.
Trưa 18/9/2008, Bình to tiếng trách cứ mẹ: “Cha tôi chết là vì sao?”, đối mặt với câu hỏi của con, Chi mặt biến sắc trầm xuống. Thấy Chi không dám trả lời, Bình tức tối mắng: “Bà đúng là mặt dày, không biết xấu hổ”.
Thấy con trai nhục mạ mình, Chi không thể nhẫn nhịn thêm cũng mắng lại: “Mày đúng là đồ con bất hiếu, cút ra khỏi nhà”. Tối 19/9, sau khi ăn cơm xong, cơn tức giận vẫn chưa nguôi, Bình uống rượu rồi tiếp tục chất vấn mẹ: “Có phải bà đã giết cha hay không?”.
Chi nghe vậy lạnh lùng nói: “Là tao giết đấy, thì sao? Ông ta chết cũng đáng”. Thấy con trai ép nói, Chi lộ rõ bản chất và tính cách.
Thấy vậy, Bình lập tức quay người đi vào bếp lấy con dao phay, đi ra phía sau chém thẳng xuống đầu Chi lúc đó đang ngồi ở ghế mắng Bình. Vừa chém Bình vừa hét lên như kẻ điên: “Ai bảo bà độc ác, xem bà đáng chết hay cha đáng chết. Hôm nay tôi phải báo thù cho cha”.
Sau khi chém mẹ, hình ảnh thân thể người cha bị cháy đen 19 năm trước lại hiện về. Bình tiếp tục lấy chiếc áo và chiếc khăn vắt trên thành ghế cạnh đó rồi châm lửa, nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Tối hôm đó, Bình thuê một chiếc xe chạy thẳng đến thành phố Đông Quản, hai ngày sau Bình quay về nhà người cô ở tỉnh Quảng Tây nể trốn. Cảnh sát nhanh chóng vào cuộc điều tra, một tổ chuyên án được thành lập, đang chuẩn bị đi Quảng Tây để truy bắt nghi phạm.
Trước áp lực của cảnh sát, cuối cùng Bình đã đến đồn công an tự thú. Ngày 20/10/2008, Bình bị viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt giữ để điều tra về tội “Giết người”.
Việc Bình sát hại mẹ một cách dã man gây phản ứng rất lớn cho dư luận tại địa phương này, nhiều người thở dài cho rằng, cho dù người mẹ có mắc tội lỗi lớn, nhưng cũng đã bị pháp luật trừng trị, ăn năn hối hận và cải tạo tốt, vì vậy lựa chọn của Bình là hoàn toàn sai lầm.
Nhưng cũng có người đặt câu hỏi, bi kịch xảy ra như vậy, nguyên nhân bắt nguồn từ đâu và ai mới là người sai?
Trong tất cả những vụ trọng án thì những vụ việc mà thủ phạm và nạn nhân có quan hệ huyết thống vẫn thường để lại sự ám ảnh và nỗi đau dai dẳng cho đến hết cuộc đời những người còn ở lại…
Trong khi những tội phạm vị thành niên khác thích khoe chiến tích của mình thì những đứa trẻ này lại cảm thấy khó chịu về hành động giết người của mình.
Chúng biết hành động của mình là sai, nhưng cuộc đấu tranh tư tưởng của chúng nghiêng về phần tác dụng – chúng ghê tởm cái hành động mà chúng cảm thấy bị thôi thúc phải làm, tuy nhiên chúng cũng thấy được giải phóng khi kẻ bị giết không còn có thể tổn thương đến chúng hay những người thân với chúng nữa.
Dường như chúng đấu tranh tư tưởng do ý thức biến mình thành người bị hại. Chúng không xem bản thân mình là sát nhân hay tội phạm.
Trong cùng một xã hội, chúng ta phải thông cảm với những đứa trẻ. Chúng vốn không phải là những đứa trẻ bất trị.
Chúng cần hiểu được tấn thảm kịch, hiểu rằng hành động của chúng là sai, rằng đó không phải cách để giải quyết vấn đề và rằng lẽ ra chúng nên chọn một cách giải quyết khác.
Chúng cần vượt qua rất nhiều mất mát – mất tuổi thơ, mất tương lai tươi sáng, cũng như mất đi cha hoặc mẹ.
Chúng cần được giúp nhận ra chúng đã có những tình cảm tốt đẹp về cha mẹ mình, và để những cảm xúc chôn sâu trong lòng được bày tỏ để chúng có thể tìm được giải thoát. Đây không phải những mâu thuẫn có thể giải quyết được bằng án tù tội.