Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm Hoàng Mạnh Dũng đã ký báo cáo gửi UBND tỉnh Hà Nam, nêu rõ lễ khai giảng năm học ở xã Thanh Hải có 181 học sinh không đến trường.
Cụ thể, có 45/141 trẻ em đến khai giảng tại điểm trường Mầm non khu Trung Hiếu, vắng 96 em. Tại điểm trường Tiểu học khu Trung Hiếu, 90/175 học sinh đến dự, vắng 85 em.
Hơn 1/2 học sinh trong độ tuổi mầm non đến tiểu học của xã Thanh Hải không tham dự ngày khai giảng 5/9
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm Hoàng Mạnh Dũng xác nhận, các em không đi khai giảng xuất phát từ việc phản đối dự án làm cầu cảng bến thủy nội địa trên địa bàn xã.
“Đây là sự việc đáng tiếc. Việc đấu tranh, phản đối dự án là việc của người lớn. Bà con có đơn thư khiếu kiện sẽ được các cơ quan chức năng tiếp nhận xử lý. Không nên đưa trẻ em vào việc này. Người lớn không nên tước bỏ quyền lợi của con em mình” - ông Dũng nói.
Sau lễ khai giảng 5/9, buổi học đầu tiên của năm học mới (6/9), các cháu học sinh vẫn tiếp tục không đến trường.
“Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh để xin ý kiến liên quan đến nội dung phản ánh, khiếu kiện của bà con thôn Trung Hiếu Thượng.
Các đoàn thể cũng đến tuyên truyền, vận động bà con cho các cháu đến trường, không nên tiếp tục bắt các cháu nghỉ học để gây sức ép” - Chủ tịch huyện Thanh Liêm thông tin.
Giải tỏa cầu cảng trái phép trước 20/9
Người dân bức xúc xuất phát từ việc 2 công ty khai thác đá (công ty Trang Huy và công ty Đại Phú Thịnh) tự ý xây dựng bến thủy nội địa, cầu cảng, đường nội bộ… để đưa đá khai thác xuống tàu, thuyền…
Bến thủy nội địa của công ty Trang Huy, Đại Phú Thịnh xây dựng khi chưa có giấy phép khiến người dân bức xúc |
Vị trí đặt cầu cảng liền đường liên thôn của Trung Hiếu Thượng, gần với trường mầm non, trường tiểu học và trạm cấp nước sạch. Xe trọng tải lớn đi lại thường xuyên gây ra nỗi lo tai nạn giao thông với các cháu nhỏ.
Bức xúc hơn nữa, thời điểm tiến hành xây dựng cầu cảng, 2 đơn vị này chưa có các giấy phép xây dựng bến thủy nội địa.
“Những bức xúc của bà con là có căn cứ. Huyện đã nhiều lần báo cáo sự việc lên UBND tỉnh để có thông tin giải thích thấu đáo cho bà con”.
Ông Dũng cho biết: Năm 2011, tỉnh có chủ trương đặt bến thủy nội địa tại vị trí cuối thôn Trung Hiếu Thượng nhưng bà con phản đối, sau đó UBND tỉnh chấp thuận di dời bến thủy nội địa tới thôn Trung Hiếu Hạ.
Năm 2018, 2 doanh nghiệp khai thác đá lại xây dựng cầu cảng tại vị trí này nên người dân tiếp tục phản đối.
Ngày 26/4/2017, công ty Trang Huy và công ty Đại Phú Thịnh có tờ trình gửi UBND tỉnh Hà Nam đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy, địa phận thôn Trung Hiếu Thượng.
Cùng ngày, UBND tỉnh Hà Nam có công văn số 1040 chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư. Ngày 24/7/2017 UBND tỉnh Hà Nam ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án kể trên.
Tuy nhiên, Sở TN&MT cho biết dự án có trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Thanh Liêm nhưng chưa có trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Ý kiến tham vấn của Sở GTVT Hà Nam nêu: “Bến thủy nội địa chưa có trong quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa nhưng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư ngày 26/4/2017”.
Khi dự án chưa được ký hợp đồng thuê đất, giấy phép xây dựng… nhưng chủ đầu tư đã triển khai xây dựng các công trình bãi chứa, bến thủy từ thời điểm tháng 8/2018. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân bức xúc.
Tháng 1/2019, UBND tỉnh Hà Nam mới ban hành quyết định cho chủ đầu tư thuê đất để đầu tư xây dựng dự án. Tháng 3/2019, Sở TN&MT ký hợp đồng cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất. Tháng 5/2019, Sở GTVT cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa.
Huyện Thanh Liêm phải bỏ kinh phí để gieo trồng 35ha đất lúa người dân bỏ hoang để phản đối dự án xây bến tàu tại thôn Trung Hiếu Thượng |
Không chỉ cho con em nghỉ khai giảng để gây sức ép, vụ lúa mùa đầu năm, người dân thôn Trung Hiếu Thượng bỏ hoang 35ha đất lúa không trồng cấy để phản đối việc xây bến tàu. Huyện Thanh Liêm phải cấp kinh phí, giao cho xã Thanh Hải đứng ra gieo cấy cho bà con, không bỏ ruộng hoang.
“Huyện chỉ đạo UBND xã Thanh Hải, HTX nông nghiệp thuê máy cày, máy bừa, cấp 800kg giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu… để cấy lúa cho người dân. Toàn bộ từ nguồn kinh phí của huyện”, ông Dũng thông tin.
Trong 2 ngày 4 - 5/9, UBND huyện Thanh Liêm đã có 2 thông báo liên tiếp về việc chỉ đạo các ban ngành chức năng dẹp bỏ các cầu cảng, máng rót tự phát để phát triển sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường; lập các tổ công tác yêu cầu các bến cảng tự phát dừng hoạt động từ ngày 10/9, giải tỏa xong trước ngày 20/9.
Đối với những bức xúc, kiến nghị của người dân, ông Dũng cho biết UBND huyện Thanh Liêm đều đã ghi nhận và báo cáo cấp trên.
“Vấn đề ô tô đi lại, giao cắt với đường liên thôn cũng là vấn đề khiến chúng tôi trăn trở. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tích cực vận động người dân sớm đưa trẻ đến trường, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh giao các sở ngành sớm tổ chức đối thoại với người dân” - Chủ tịch huyện Thanh Liêm cho biết.