18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ?

Tiến sĩ Terry F. Buss |

Đã quá muộn để ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và giờ quân đội của nước này còn lớn mạnh hơn Mỹ.

Vụ phóng tên lửa qua không phận Hokkaido, Nhật Bản không báo trước của Triều Tiên hôm 28/8 đã làm gia tăng căng thẳng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Trước đó, hôm 26/8, Triều Tiên cũng phóng 3 tên lửa xuống biển Nhật Bản.

Những động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson lên tiếng khen ngợi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cư xử chừng mực, hạn chế phát ngôn gây hấn và hoạt động thử tên lửa.

Chỉ riêng trong năm nay, tới thời điểm này, Triều Tiên đã thực hiện 18 vụ thử nghiệm để cải thiện năng lực cho các tên lửa tầm ngắn, tầm xa và tên lửa phóng từ tàu ngầm. Đáng ngại là Triều Tiên đang tiến gần tới khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa, có thể tấn công các thành phố của Mỹ.

Các chuyên gia tin rằng Triều Tiên có một kho vũ khí hóa học, bom xung điện từ (EMP) và sở hữu năng lực chiến tranh mạng tinh vi. Bình Nhưỡng được cho là có liên đới tới vụ tấn công mạng toàn cầu "WannaCry", gây ảnh hưởng tới 300.000 máy tính trên 150 quốc gia.

Phản ứng với các vụ thử tên lửa trước đó của Triều Tiên, Mỹ đã thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tăng cường cấm vận nhằm vào nước này.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 1.

Trung Quốc là bạn hàng chủ chốt của Triều Tiên, cả ở lĩnh vực xuất và nhập khẩu, nhưng nước này cũng đồng ý với các phương án cấm vận mạnh tay. Không hề nao núng, Triều Tiên tăng cường thử nghiệm và không ngừng đe dọa.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng có thể xoa dịu căng thẳng với Triều Tiên bằng cách kêu gọi tiến hành đàm phán ngoại giao và trì hoãn lộ trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Bình Nhưỡng đã phớt lờ những cử chỉ đó.

Trong bối cảnh ấy, Bắc Kinh lại đưa ra những quyết định không mấy có lợi cho Seoul: Đóng cửa các dịch vụ của tập đoàn Lotte Hàn Quốc và hạn chế lượng khách du lịch tới Hàn Quốc. Còn Seoul thì vẫn tiếp tục tiến hành tập trận quân sự chung với Mỹ, hoạt động thường niên vốn là cái gai trong mắt Triều Tiên. Hàn Quốc tỏ ra mình có khả năng phá hủy Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un dọa sẽ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào Guam – lãnh thổ của Mỹ ở châu Á - nếu Mỹ không lùi bước. Triều Tiên cũng dọa sẽ tiến hành chiến tranh thông thường, cũng như hạt nhân với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và thậm chí cả các đồng minh của Mỹ như Australia nếu họ không nhượng bộ trước các yêu cầu của ông Kim.

Đã quá muộn để ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và giờ quân đội của nước này còn lớn mạnh hơn Mỹ.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 2.

Vì sao hiện giờ Kim Jong-un có vẻ quyết liệt với Mỹ hơn trước đây? Có lẽ vị lãnh đạo của Triều Tiên cảm thấy không có mấy lý do để sợ Mỹ và đồng minh.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 3.

Tám chính quyền tiền nhiệm trước Trump hầu như đều không làm gì để ngăn cản nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Năm 1968, Tổng thống Richard Nixon không hề có bất cứ động thái khi Triều Tiên bắt tàu Pueblo của Mỹ và giữ thủy thủ đoàn gồm 81 thành viên làm con tin. Tổng thống Bill Clinton tiến hành một vài thỏa thuận với Bình Nhưỡng nhưng các thỏa thuận này không được duy trì. Tổng thống Obama thì không thành công khi ép Trung Quốc chế ngự Triều Tiên.

Giờ đây, Tổng thống Donald Trump đang nắm trong tay một "di sản" có vấn đề. Được biết, Obama từng nói với Trump rằng, Triều Tiên là vấn đề lớn nhất mà ông phải đối mặt trong thời gian đương nhiệm.

Khi nhậm chức, ông Trump được thừa hưởng một lực lượng quân đội với quy mô bị thu hẹp khá nhiều do quyết định cắt giảm ngân sách của ông Obama. Quân đội Mỹ không thể đảm trách nhiều nhiệm vụ mang tính toàn cầu của mình. Và lực lượng này đang chật vật một cách vô vọng ở Trung Đông.

Donald Trump đã trở thành vị Tổng thống không được ưa chuộng nhất trong giai đoạn gần đây, với tỷ lệ ủng hộ chỉ khoảng 35%. Trong vòng 8 tháng, ông đã phải hứng chịu sự bất mãn của phe Dân chủ, phe Cấp tiến và phe Tự do trong các đảng đối lập. Ông xa lánh phần lớn Đảng Cộng hòa.

Ông châm ngòi cho bạo lực, biểu tình tập thể và sự thù hằn khắp đất nước - một tình trạng chưa từng thấy kể từ những năm 1960. Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn qua miệng lưỡi của truyền thông và mạng xã hội, những thế lực đã bỏ qua sự khách quan khi đưa tin, thay vào đó lại lan truyền hàng loạt thông tin thất thiệt, đưa tin cảm tính, cũng như tất cả những gì chống lại Trump.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 4.

Chính ông Trump đã tự chuốc lấy phần lớn những rắc rối ấy và thậm chí còn khiến tình hình tệ hơn. Kết quả là ông gần như không thể kêu gọi được sự ủng hộ cho bản thân cũng như chính sách của mình.

Sự ra đi mới đây của cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon có thể sẽ khiến tình thế càng thêm bất lợi cho Trump. 

Trong một cuộc phỏng vấn, Bannon khẳng định rằng "Triều Tiên đã thắng thế trước chúng tôi", nghĩa là tổng thống không có nhiều lựa chọn và không lựa chọn nào thực sự tốt.

Là đồng minh Mỹ, Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang cố gắng sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản để tạo điều kiện cho lực lượng phòng vệ được linh hoạt và chủ động hơn trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước.

Quan điểm này vấp phải làn sóng phản đối vô cùng mạnh mẽ. Rõ ràng, về mặt pháp lý, Hiến pháp Nhật Bản không cho phép nước này bắn hạ tên lửa nhằm vào Mỹ.

Thêm vào đó, một số người Nhật còn phản đối việc quân đội Mỹ đồn trú ở Okinawa, nơi lực lượng Mỹ hiện diện một cách đáng kể nhằm bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 5.

Căn cứ Mỹ ở Okinawa. Ảnh: Sonia Narang

Những người theo chủ nghĩa hòa bình tìm cách gây sức ép buộc ông Abe đóng cửa hoặc hạn chế quy mô của căn cứ quân sự Mỹ. Buồn cười ở chỗ, những nhóm khác còn kêu gọi Mỹ tiêu hủy số vũ khí hạt nhân của mình.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì tiếp tục theo đuổi lập trường tìm kiếm thỏa thuận hòa bình với Triều Tiên, tiếp nối "Chính sách Ánh dương" của người tiền nhiệm Kim Dae-jung. Tuy nhiên, cho tới nay, ông Moon thậm chí còn chưa thiết lập được các cuộc gặp ngoại giao với ông Kim Jong-un.

Sau vụ phóng tên lửa mới đây, ông Trump đã khẳng định rằng "mọi phương án đều có thể xảy ra". Tuy nhiên, phần lớn các phương án nhằm cản bước ông Kim mà các chuyên gia từng bàn thảo đều có vẻ khó dẫn tới thành công.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 6.

Suốt gần 70 năm, Triều Tiên đều theo đuổi chương trình hạt nhân và nhiều khả năng đã đạt được mục tiêu của mình.

Từ những năm 1950 – 1960, Nga đã bắt đầu đào tạo về công nghệ hạt nhân cho Triều Tiên.

Và cần phải lưu ý rằng, chính nhờ Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, Bình Nhưỡng mới có thể khởi động chương trình hạt nhân của mình. Năm 1979, ông Sadat đã tặng họ một số tên lửa Scud của Liên Xô. Đây chính là nguyên mẫu của những loại tên lửa đang được thử nghiệm hiện nay. Hãy thử nói về hoạch định chiến lược tầm xa qua vài đời chính quyền xem nào!

Vậy vì sao cấm vận thất bại?

Trung Quốc không thực thi đầy đủ cấm vận thương mại nhằm vào Triều Tiên hoặc hệ thống tài chính của nước này. Theo tin tức đăng tải trên News Asia, các doanh nhân Triều Tiên dự định sử dụng chợ đen để luân chuyển hàng hóa. Ngoài ra, dù bị cấm, người Triều Tiên vẫn muốn sử dụng các công ty Trung Quốc làm đại diện giao thương cho mình, nhờ đó mà né được cấm vận.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 7.

Ông Kim và thân tín rõ ràng có thể che giấu tài sản ở những nơi không chịu ảnh hưởng của cấm vận. Sau khi quyết định cấm vận trước đây được ban hành, kinh tế Triều Tiên thực ra còn tăng 25%!

Triều Tiên kiếm được hàng triệu USD bằng cách đưa lao động ra nước ngoài, nơi họ có thể kiếm ngoại tệ và gửi về quê hương. Theo Liên Hợp Quốc, Triều Tiên có dính líu tới buôn lậu ma túy, làm tiền giả và những hoạt động bất hợp pháp khác (ví dụ như tội phạm mạng). Triều Tiên còn bị nghi ngờ trao đổi công nghệ hạt nhân với Iran, Syria, Pakistan.

Đáng ngại nhất là Triều Tiên có "Chính sách Ưu tiên Quân sự", nghĩa là nhu cầu và mong muốn về mặt quân sự được đặt cao hơn dân sự. Và các nước phương Tây đã tạo điều kiện cho họ làm như vậy.

Mỗi khi xảy ra đói kém, thiên tai, các nước phương Tây lại viện trợ rất nhiều, thành ra Triều Tiên vẫn còn ngân sách để phát triển vũ khí hạt nhân. Khi mãn nhiệm vào năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã viện trợ lương thực cho Triều Tiên với khoản tiền 1 triệu USD. Ai biết tiền đó có được dùng để mua lương thực không?

Nhìn chung, cấm vận của Mỹ và Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên không hề gay gắt như người ta vẫn tưởng. Cấm vận nhằm vào Cuba còn hà khắc hơn.

Trung Quốc chính là nhân tố chủ chốt. Cấm vận không thể hiệu quả nếu Trung Quốc không thực thi một cách nghiêm túc. Trước đây cũng vậy. Họ lo sợ chính quyền Triều Tiên bất ổn hoặc sụp đổ. Và họ có lợi nếu khiến Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản "mất cân bằng" ở khu vực.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 8.

Tất cả các bên, ngoại trừ Triều Tiên, đều kêu gọi tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Nhưng Bình Nhưỡng là một "nhân tố bất ổn". Không thể đặt niềm tin vào Bình Nhưỡng và cho rằng nước này sẽ giữ vững cam kết với những thỏa thuận, hiệp ước mà nước này ký kết. Tôi không thể nhớ nổi bất cứ thỏa thuận nào mà Triều Tiên từng tuân thủ.

Sau Thế chiến II, chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc và Nga đứng về phía Triều Tiên, trong khi liên minh nhiều nước dưới trướng Liên Hợp Quốc lại về phe Hàn Quốc.

Chiến tranh Triều Tiên tạm ngưng từ năm 1953 trong bế tắc. Không hiệp ước nào được ký kết để dứt điểm chiến tranh. Giao tranh ngừng lại theo thỏa thuận đình chiến. Vì thế Triều Tiên đã ở trong tình trạng chiến tranh suốt 70 năm. Triều Tiên khá cứng đầu.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 9.

Binh sĩ Triều Tiên và Hàn Quốc mặt đối mặt tại Khu vực An ninh Chung (JSA) thuộc Khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ). Trên lý thuyết, giữa hai bên vẫn tồn tại tình trạng chiến tranh. Ảnh: Henrik Ishihara Globaljuggler

Biết đối thủ sẵn sàng đàm phán nên Triều Tiên đã lợi dụng điều đó. Kéo dài đàm phán giúp Triều Tiên "câu giờ", tiếp tục phát triển vũ khí và năng lực quân sự của mình. Câu chuyện năm 1994 là một ví dụ. Năm đó, Triều Tiên đồng ý ngừng chương trình hạt nhân của mình nhưng tới giai đoạn 2002 – 2003, nước này công khai bỏ ngang thỏa thuận.

Năm 2003, Đàm phán 6 bên được khởi động để buộc Triều Tiên phải thực thi cam kết. Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ đã tham gia. Sau 6 vòng đàm phán kéo dài 6 năm, Triều Tiên tiến hành thử tên lửa và sự kiện này khiến mọi nỗ lực dừng lại vào năm 2009. Dù vậy, mọi quốc gia, trừ Triều Tiên vẫn liên tục kêu gọi nối lại đàm phán.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 10.

Không thể tính tới phương án quân sự vì đi kèm với nó là một cái giá quá cao về nhân mạng. Ông Kim Jong-un có thể hủy diệt Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí phá hoại một số thành phố của Mỹ và Australia nếu ông muốn, một khi ông sở hữu vũ khí hạt nhân.

Thậm chí nếu kho hạt nhân của Triều Tiên bị vô hiệu hóa, ông Kim vẫn có đủ xe tăng và pháo loại thường để hủy diệt Seoul, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng cho Hàn Quốc.

Triều Tiên rất thông minh khi sử dụng Hàn Quốc và Nhật Bản làm "con tin" để ngăn Mỹ can thiệp. Đây là nguyên cớ cơ bản dẫn tới tình trạng đối đầu hiện tại.

Dù sao, một khi có sự hiện diện của vũ khí hạt nhân thì khả năng nổ ra một cuộc chiến tranh khu vực hoặc thế giới – dù cố ý hay vô tình – cũng rất cao. Ông Kim đã lợi dụng nỗi lo sợ này của đối thủ.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 11.

Có thể Kim Jong-un đang bòn rút Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc: Đổi tiền lấy hòa bình.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 12.

Chiến lược này trước đây từng có hiệu quả. Dưới thời Obama, Iran "đã trì hoãn" quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân để đổi lấy hàng tỉ USD tiền mặt, nguồn đầu tư, thương mại, nới lỏng cấm vận và nhiều lợi ích khác.

Dưới thời một vài Tổng thống Mỹ khác, Pakistan cũng bòn rút được hàng tỉ USD viện trợ quân sự từ Mỹ, chẳng để đổi lấy bất cứ thứ gì.

Có thể ông Kim Jong-un muốn gia nhập hàng ngũ này.

Có khoảng 450 tên lửa hạt nhân Mỹ, mỗi tên lửa có sức hủy diệt gấp 20 lần những loại từng được thả xuống Hiroshima, đang chĩa về phía Triều Tiên. Nhưng lực lượng đáng gờm này sẽ không được triển khai trong những tình huống có sự hiện diện của con tin.

Có lẽ các chuyên gia đang nhầm lẫn về Triều Tiên. Trong cuốn "The Mouse that Roared" (tạm dịch "Chú chuột gầm gào"), tác giả Leonard Wibberley đã lý luận rằng phương án tốt nhất để kiếm chác cho một nước nhỏ, chưa phát triển là gây chiến với Mỹ và thua cuộc. Như vậy, Mỹ sẽ phải bắt tay vào tái thiết nước đó và đảm bảo nước đó phát triển hơn.

Có lẽ, ông Kim đã nghĩ tới khả năng này.

18 lần thử tên lửa năm 2017: Triều Tiên chờ đợi gì mà đến bây giờ mới dồn ép Mỹ? - Ảnh 13.

Có một phương án chưa được tính tới: Đặt dự án thương mại toàn cầu của Trung Quốc: Một vành đai, một con đường – song hành với khả năng khống chế Triều Tiên.

Mỹ, đồng minh và đối tác thương mại của mình có thể cản trở tham vọng thiết lập Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc bằng cách kiểm soát những vị trí chủ chốt dọc con đường này, ví dụ như Ấn Độ. New Delhi giữ vai trò quan trọng đối với Con đường Tơ lụa.

Tạo sức ép buộc Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên để đổi lấy sự hợp tác ở một khu vực khác biết đâu lại hiệu quả.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại