170 triệu người mắc căn bệnh nguy hiểm, dễ lây nhiễm gấp 10 lần HIV: Phòng ngừa thế nào?

Như Loan |

Thế giới hiện có 170 triệu người nhiễm viêm gan C, trong khi HIV chỉ có khoảng 40 triệu. Mỗi năm có 3 đến 4 triệu ca mắc mới. Trên 50% người bệnh sống ở châu Á Thái Bình Dương.

VGC gây nên gánh nặng cho toàn xã hội, chỉ có 15-40% tự khỏi

Theo PGS. TS. Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai chia sẻ, hiện nay trên thế giới, mỗi năm có 3 – 4 triệu ca mắc mới VGC. Trong số đó, có trên 50% người sống ở châu Á Thái Bình Dương, châu Á có 83 triệu người, Mông Cổ và Đài Loan khoảng 5,5%. Đặc biệt, Ai Cập là nước nhiễm VGC cao nhất.

Việt Nam thuộc dạng trung bình, VGC khoảng 1% - 2% dân số, (tức trên 2 triệu dân). Đường lây chủ yếu của căn bệnh này là tiêm chích ma túy.

30 năm trở lại đây, VGC trở thành gánh nặng cho toàn xã hội, chỉ có 15-40% tự khỏi, đa số thành mãn tính. Khi đó, bệnh tiến triển dần dần sau 20 đến 30 năm gan sẽ bị xơ, hoặc ung thư.

"Hiện có tất cả 5 virus gây viêm gan: Viêm gan A chủ yếu lây qua đường ăn uống, viêm gan B và C theo cơ chế lây truyền qua đường máu. Ngoài ra còn có viêm gan D và E. Viêm gan C mới được phát hiện cách đây 30 năm, mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết. Vì virus VGC liên tục biến đổi nên không có văc-xin phòng bệnh" – PGS Cường cho biết.

Chia sẻ về vấn đề VGC mang tính toàn cầu, Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng nhận định: "VGC là vấn đề sức khỏe cộng đồng vì dễ lây cho người khác, nguy cơ lây cao gấp 10 lần HIV. Chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng có thể lây. Ở nước Nga và Mông Cổ bệnh VGC lây chủ yếu do truyền dịch".

170 triệu người mắc căn bệnh nguy hiểm, dễ lây nhiễm gấp 10 lần HIV: Phòng ngừa thế nào? - Ảnh 1.

Hình ảnh cho thấy Gan khỏe mạnh và Gan bị xơ

Con đường lây truyền viêm gan C

Cũng giống với các bệnh viêm gan khác, cơ chế lây truyền của căn bệnh VGC khá phức tạp. Người ta thường bị nhiễm viêm gan C qua:

- Qua đường máu/truyền máu/lọc máu (ví dụ như các bệnh nhân chạy thận nhân tạo).

- Tiếp xúc với máu của người bị nhiễm VGC (sử dụng chung dao cạo râu, kéo, bàn chải đánh răng, bông băng vệ sinh, băng vết thương).

Tất cả những tình huống (trong hay ngoài y khoa) có sử dụng hay tái sử dụng những dụng cụ không được vô trùng cẩn thận như những trường hợp sau:

- Dùng chung kim tiêm

- Bị kim tiêm đâm phải (ví dụ như khi y tá tiêm chích thuốc - bác sĩ ngoại khoa phơi nhiễm trong quá trình tiến hành thủ thuật, phẫu thuật…)

- Chữa răng

- Xăm mình, châm cứu xỏ lỗ tai không vô trùng

- Truyền bệnh qua những hành vi tình dục có nguy cơ cao gây chảy máu, giao hợp lúc có kinh

- Sử dụng những vật dụng vệ sinh cá nhân bị nhiễm

- Truyền từ mẹ sang con (hiếm gặp)

- Ở nhiều người, không biết được đường lây nhiễm.​

Chuyên gia chia sẻ thêm, khi con người đã nhiễm VGC thì kháng thể siêu vi C (HCV) gần như tồn tại mãi. Nhưng việc có cần điều trị hay không là do tải lượng virus trong máu.

Các yếu tố ảnh hưởng tới tiến triển của HCV bao gồm nồng độ virus, kiểu gen virus, vật chủ, môi trường, hành vi của bệnh nhân (uống rượu và hút thuốc lá là hai tác nhân khiến VGC diễn biến nhanh và xấu).

VGC là bệnh có khả năng truyền nhiễm cao, diễn tiến bệnh âm thầm. Trên thực tế, có đến khoảng 90% người nhiễm VCG không biết mình đang nhiễm, việc tuyên truyền thông tin để tất cả mọi người chủ động xét nghiệm sàng lọc là vô cùng quan trọng.

Bác sĩ Cường nhấn mạnh: "Bệnh nhân phát hiện VGC cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh dẫn đến xơ gan, ung thư gan và ngăn ngừa lây nhiễm cho cộng đồng".

170 triệu người mắc căn bệnh nguy hiểm, dễ lây nhiễm gấp 10 lần HIV: Phòng ngừa thế nào? - Ảnh 2.

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh

Điều trị VGC tại Việt Nam

BS Oanh cho rằng, bệnh nhân VGC ở Việt Nam còn thiệt thòi so với các nước khác. Dù Việt Nam đã có chương trình hành động quốc gia vì viêm gan siêu C, với mục tiêu 2.030 loại trừ viêm gan. Nhưng trên thực tế chưa có động thái can thiệp cụ thể để đảm bảo thuốc đến tay bệnh nhân dễ dàng.

Thuốc điều trị VGC không nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả. "Ngoài ra, các tổ chức xã hội cũng cần tăng cường nhận thức giáo dục, phòng bệnh đối với những người có nguy cơ cao như tiêm chích và có QHTD không an toàn, để từ đó hạn chế mắc mới và lây nhiễm VGC trong cộng đồng", Bs Oanh nhấn mạnh.

Phác đồ điều trị viêm gan C tại Việt Nam khá phức tạp với loại thuốc chích lẫn uống kéo dài 48-72 tháng kèm nhiều tác dụng phụ như thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mệt mỏi, trầm cảm, rối loạn chức năng tuyến giáp và mức chi phí quá cao khiến số bệnh nhân tiếp cận thuốc ở mức rất thấp.

Hơn nữa khi điều trị, tỷ lệ đáp ứng bền vững với virus viêm gan C chỉ đạt 50-70%. Nhiều bệnh nhân bỏ điều trị bởi nản lòng.

Năm 2014, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép ứng dụng loại thuốc thế hệ mới trong phác đồ điều trị viêm gan siêu vi C, với thời gian điều trị 12 tuần, chi phí rẻ và ít tác dụng phụ, tỷ lệ được chữa khỏi hoàn toàn cao hơn, đạt hơn 90%.

Tuy nhiên, thuốc thế hệ mới chưa được đăng ký tại Việt Nam và chưa được đưa vào danh sách bảo hiểm y tế chi trả nên việc điều trị viêm gan C vẫn còn là gánh nặng của bệnh nhân và cộng đồng.

Cách phòng ngừa viêm gan siêu vi C

Cách phòng tránh tốt nhất bệnh viêm gan C chính là thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh. Tuyệt đối không dùng chung kim chích, các dụng cụ chích ma túy hoặc bất cứ vật dụng cá nhân, dao cạo, bàn chải răng, đồ cắt hoặc dũa móng tay, hoặc bất cứ thứ gì có thể dính máu.

Cần băng bó mọi vết cắt, vết thương, giảm nguy cơ nhiễm bệnh qua đường tình dục bằng cách áp dụng các phương pháp giao hợp tình dục an toàn như dùng bao cao su và màng chắn.

Phụ nữ bị virus viêm gan C nên tránh quan hệ tình dục trong lúc có kinh nguyệt. Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách có thể ngăn ngừa bệnh vì nướu răng bị chảy máu cũng là một cách lây nhiễm bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại