Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 đã khép lại hành trình của mình với việc tìm ra Nhà tân vô địch là nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh lớp 12B1, trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình.
Sau 9 năm chờ đợi, Quán quân xuất sắc này trở thành cô gái đầu tiên bước lên đỉnh cao nhất của cuộc thi, điều này làm khán giả tại trường quay cũng như ai theo dõi qua màn ảnh nhỏ cực kỳ xúc động và vỡ òa.
Trong suốt tất cả các vòng, cô gái luôn thi đấu bằng một phong thái tự tin, một lòng quyết tâm mãnh liệt và để rồi trở thành một Quán quân khiến chính đối thủ của mình phải thốt lên hai từ: “Xứng đáng”.
Ấy vậy mà, trong một vài khoảnh khắc thể hiện cảm xúc của mình khi đối mặt với đáp án mà MC Diệp Chi đưa ra ở vòng thi Vượt chướng ngại vật hay ở vòng Về đích, cư dân mạng lại liên tiếp ném đá nữ sinh này bằng những từ ngữ khá nặng nề.
Nhiều người cho rằng, tuy Thu Hằng thi đấu vô cùng xuất sắc nhưng cách biểu lộ cảm xúc có phần tự tin thái quá là chưa thực sự phù hợp cho một chương trình được phát trên truyền hình.
Những màn ăn mừng chỉ tay lên trời, dang rộng hai tay những lúc trả lời đúng câu hỏi hay lúc bày tỏ sự vui mừng khi nghe Dũng Trí chia sẻ không thể thực hiện giấc mơ đội vòng nguyệt quế đã khiến cho cư dân mạng lên án rằng Nhà tân vô địch không tôn trọng đối thủ.
01
Vậy những cảm xúc cá nhân phải chăng là thứ bắt buộc phải che giấu?
Không thể phủ nhận được rằng khi xuất hiện trên sóng truyền hình Quốc gia, trong một chương trình mà có lẽ không chỉ có những người đang trực tiếp xem tại trường quay mà còn hàng triệu khán giả đang quan sát, theo dõi qua màn ảnh nhỏ, mỗi thí sinh chắc chắn đã chuẩn bị cho mình tâm lý rằng phải giữ được sự bình tĩnh trước ống kính máy quay.
Tuy nhiên, tất cả mọi người cũng nên hiểu rằng đây có lẽ là cơ hội chỉ có một lần trong đời và trong những thời khắc như vậy, cảm xúc chắc chắn luôn là thứ sẽ chi phối được cả não bộ. Ở một cuộc thi đấu cuối cùng để chọn ra một nhà vô địch cho cả một năm, bày tỏ cảm xúc thực sự của bản thân có phải một điều xấu?
Bản năng của một con người là được bày tỏ, được chia sẻ, đã bao giờ bạn tự thắc mắc rằng, tại sao một đứa trẻ lại có thể dễ dàng bày tỏ sự tức giận hay sự phấn khích của mình hơn một người lớn?
Chắc chắn là vấn đề của sự trưởng thành, tất cả mọi người khi lớn lên đều sợ rằng những thứ mà mình bày tỏ ra vô hình trung sẽ trở thành thứ để mọi người đánh giá, là thứ để người ta nhìn vào và phán xét chính bản thân mình.
Dần dần, sự che giấu những cảm xúc đã trở thành một quy tắc ngầm để rồi cho đến bây giờ, một cô gái 17 tuổi không thể giấu nổi sự hạnh phúc của mình khi vượt qua đối thủ của mình lại là thứ bị mọi người lên án. Liệu điều đó có thật sự công bằng?
Việc bày tỏ cảm xúc của chính bản thân mình có lẽ không nên là thứ bị đem ra soi xét và mổ xẻ quá nhiều, nhất là đối với những người trẻ. Không chỉ riêng Thu Hằng, hay những người trẻ GenZ, thậm chí bất cứ độ tuổi nào cũng luôn phải ý thức một điều rằng, thể hiện cảm xúc chưa bao giờ là điều xấu cả.
Cuộc sống ngày càng hiện đại và cởi mở, hãy vui khi đang vui, buồn khi thất bại và hạnh phúc, kể cả tự hào tột độ khi chiến thắng. Chúng ta đã vất vả và nỗ lực để có được thành quả này, chúng ta xứng đáng được hân hoan và chia sẻ - đó mới là điều cần ghi nhớ chứ không phải là những chỉ trích hay soi xét không đáng có.
0217 tuổi, chúng ta có quyền nhảy tango trên những chiến thắng của chính bản thân mình!
Rõ ràng rằng, đứng trước một cơ hội lớn, một giải thưởng có giá trị mà hàng triệu học sinh Việt Nam qua các thế hệ mong ước thì chắc chắn những cảm xúc như Thu Hằng thể hiện là rất tự nhiên và bản năng, thể hiện sự máu lửa, nhiệt huyết mà cô gái này mang lại cùng tinh thần chiến đấu hết mình.
Sự phấn khích hay vỡ òa vì nắm trong tay lợi thế lớn là những cảm xúc cá nhân và nên được tôn trọng thay vì chỉ trích. Và để đánh giá người khác chỉ dưới góc độ của 1 buổi phát sóng trực tiếp trên truyền hình thì có vẻ ý kiến này hơi mang tính chủ quan đến mức có thể biến điều này trở thành những định kiến.
Trong một cuộc thi mà có kẻ thắng, người thua, việc bày tỏ cảm xúc hay các chiến thuật để ảnh hưởng đến đối thủ từ đó giành chiến thắng là hoàn toàn bình thường.
Hãy nhớ rằng, việc thể hiện cảm xúc của chính bản thân mình khi đạt được những thành công đầu đời là một điều vô cùng đẹp đẽ và chẳng có gì đáng lên án cả.
Khi bạn đã cố gắng hết sức mình để đạt được bất kì một thành công nào, bạn xứng đáng được thể hiện những sự vui mừng của mình trong sự tán dương. Một vài cảm xúc có phần thái quá khi nhận được thành công là một điều dễ hiểu và bạn có quyền để thể hiện điều này!
Những cá nhân đang chỉ trích Thu Hằng có lẽ đang quá khắt khe đối với cô gái này. Nói một cách khách quan, mọi người có lẽ đang áp đặt suy nghĩ của một người trưởng thành lên chính hành động của một đứa trẻ.
Hành động thể hiện sự vui mừng của mình khi giành được chiến thắng thực sự đúng với lứa tuổi của bạn, một người trẻ, đam mê, khát khao, mãnh liệt cho chính bản thân mình. 17 tuổi, bạn thật sự có quyền nhảy tango trên chính chiến thắng của bản thân mình!
Sau tất cả, chiếc vòng nguyệt quế cho Thu Hằng vẫn là một điều vô cùng đúng đắn. Những nỗ lực, cố gắng của bạn xứng đáng nhận được sự tán dương của tất cả mọi người. Chiến thắng của cô gái 17 tuổi đang thực sự là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người.
Hãy cứ tin rằng, là một người trẻ, hãy cứ mãnh liệt, hãy cứ khát khao, đừng vì bất kì một định kiến nào mà quên đi chính cảm xúc của mình. Sống đúng với chính bản thân mình, đúng với lứa tuổi của mình, đó mới là điều thật sự cần làm!