17 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lỗ lũy kế trên 12.000 tỷ đồng

Trần Dũng |

Báo cáo về quản lý vốn Nhà nước Chính phủ trình Quốc hội vừa qua cho thấy tổng doanh thu và lợi nhuận của khối các doanh nghiệp Nhà nước đều giảm so với năm 2015.

Cụ thể, doanh thu của 583 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con thuộc khối DNNN đạt đạt 1.515.821 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2015. Về lợi nhuận, Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đạt 139.658 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện 2015 (xét trong cùng số lượng 583 DNNN hiện có năm 2015).

Báo cáo đánh giá, theo kết quả tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của các DNNN nêu trên cho thấy hầu hết các DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước vẫn tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận những DNNN thua lỗ lớn. Riêng trong năm 2016, có 4 tập đoàn, TCT ghi nhận khoản lỗ phát sinh là 1,3 nghìn tỷ đồng. Đó là TĐ Hóa chất VN (335,078 tỷ đồng); TCT Viễn thông toàn cầu Gtel (949,854 tỷ đồng); TCT Lương thực Miền Nam (13,707 tỷ đồng); Công ty TNHH 1TV Duyên Hải (6,387 tỷ đồng).

Đáng chú ý là TĐ Hóa chất Việt Nam năm 2015 đạt lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng nhưng lại thua lỗ lớn trong năm 2016.

Báo cáo giải trình nguyên nhân chính do trong năm 2016 Vinachem có 4 Công ty con bị lỗ là công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem.

Đây là các Dự án, doanh nghiệp nằm trong danh sách 12 Dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành Công Thương mà Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

17 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lỗ lũy kế trên 12.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Bên cạnh đó là những DN đã có khoản lỗ lũy kế kéo dài nhiều năm liền.

Thống kê cho thấy, có 17 tập đoàn, TCT còn lỗ lũy kế là 12.504 tỷ đồng, bao gồm lỗ lũy kế của TCT Hàng Hải VN (5.040 tỷ đồng); TCT Viễn thông Toàn cầu Gtel (3.905 tỷ đồng); TĐ Hóa chất VN (1.348 tỷ đồng); TCT Lương thực Miền Nam (976,013 tỷ đồng); TCT 15 (641,604 tỷ đồng); TCT Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (150,522 tỷ đồng); TCT Xây dựng Trường Sơn (111,079 tỷ đồng); TCT Giấy VN (109,496 tỷ đồng); TCT Cà phê VN (93,848 tỷ đồng); TCT Vật tư Nông nghiệp (61,347 tỷ đồng); Công ty TNHH 1TV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (40,912 tỷ đồng); TCT Xây dựng Lũng Lô (12,11 tỷ đồng); Công ty TNHH 1TV Duyên Hải (10,6 tỷ đồng); TCT Công nghiệp Sài Gòn (2,466 tỷ đồng); TCT Máy và Thiết bị Công nghiệp (1,474 tỷ đồng); TCT Đầu tư xuất nhập khẩu Cao Bằng (0,442 tỷ đồng).

Ngoài ra, còn có 6 công ty mẹ có khoản lỗ lũy kế đạt 4.595 tỷ đồng: Công ty mẹ - TCT Hàng Hải VN (2.760 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Lương thực Miền Nam (798,479 tỷ đồng); Công ty mẹ -TĐ Hóa chất (687,331 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Giấy VN (120,36 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT 15 (171,835 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Vật tư Nông nghiệp (57,749 tỷ đồng).

"Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn vẫn còn xảy ra", báo cáo Chính phủ nhận xét.

Để Khắc phục những tồn tại của các "ông lớn", một lần nữa báo cáo của Chính phủ lại nhấn mạnh tới việc cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Trong vòng 2 năm trở lại đây, việc cổ phần hóa DNNN đã diễn ra sôi động hơn, song vẫn chậm hơn nhiều so với tiến độ đề ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại