Đứa trẻ 10 tuổi được cha mẹ đặt cho cái tên Lê Thị Bé năm nào giờ đã thành chàng trai trưởng thành. 27 tuổi với thân xác vạm vỡ nhưng ước mơ khi xưa chẳng khi nào nguôi ngoai, lúc mẹ gạt nước mắt ôm đứa em bỏ đi nơi khác kiếm sống, sau cuộc hôn nhân đứt gánh giữa chừng. Đó là ước mơ được gặp lại mẹ...
17 năm lang bạt, trộm cắp, móc túi, bới rác nhặt đồ ăn, lượm ve chai, đánh giày... mọi thứ nghề đã biến cậu bé 10 tuổi thành một chàng trai chai sạn, phong sương và nhem nhuốc vì cuộc sống vô gia cư... nhưng ước mơ gặp lại mẹ chưa bao giờ lụi tàn.
Cậu chàng ấy to xác nhưng gọi ai cũng là cô, chú xưng con vì dường như cậu vẫn không muốn quên kí ức ngày ấy. Lúc nước mắt mẹ nhạt nhòa ôm con và nói: “Mẹ bỏ con lại cũng như mẹ để lại khúc ruột của mình nơi này. Mẹ mong trái đất tròn mẹ con mình còn gặp lại nhau. Hãy sống lương thiện con nhé”. Cậu chưa bao giờ trách mẹ đã bỏ đi, cậu hiểu mẹ không còn đường nào khác khi cả nhà chỉ còn 4 kg gạo, bước ra khỏi tòa án lúc cầm quyết định ly hôn, bố đã được người khác đón đi, mẹ loay hoay với hai đứa con mà tòa buộc phải phân xử mỗi người nuôi một dù người cha không muốn. Mẹ đi tha hương tìm cơm nuôi con với ý nghĩ cha đứa bé sẽ quay lại nhận phần trách nhiệm thuộc về mình...
Là con trai nhưng được đặt tên là Lê Thị Bé vì cha mẹ cậu trước đó mong có đứa con đầu lòng là con gái và cái tên này vẫn theo cậu. “Cô nhớ nhé, nói tên con là Lê Thị Bé, lỡ mẹ con thấy còn biết đường tìm...”, giọng nói nghẹn ngào và những giọt nước mắt loang lổ trên gương mặt kiểu bất cần, bụi đời... Ước muốn ấy thực sự chưa bao giờ nguôi ngoai: “Đôi lúc con cũng sợ, mẹ bây giờ chỉ còn là nắm xương khô. Sức con đàn ông, con trai còn chịu được sương gió, còn mẹ là đàn bà con gái. Đôi lúc con cũng nghĩ nếu còn sống có lẽ mẹ đã đăng tin tìm con rồi...”, cậu lại giấu những giọt nước mắt vào trong bằng đôi tay loang lổ vì vết muỗi đốt do ngủ gầm cầu mà lén lau đi giọt nước mắt.
Cơ duyên đưa tôi đến với câu chuyện của Bé là vì cậu hi vọng đến độ hoang tưởng mà nhận nhầm người khác là mẹ mình. Bé di chuyển từ miền Trung vào miền Nam, rồi ra Bắc bằng cách trốn tàu, đi tứ xứ thập phương chỉ với ý nghĩ “biết đâu gặp lại mẹ mình”. Giờ nghề nghiệp gắn với Bé là đánh giày, chỗ trú thân hiện tại của cậu là khu vực Linh Đàm (Hà Nội). Bé ban ngày đi đánh giày quanh các quán café, nhà hàng hay chung cư, đêm xuống ngủ gầm cầu, tắm hồ. Một người chị tôi quen, mà Bé nhận nhầm là mẹ, đã kể cho tôi nghe về cậu. Khi chị đánh giày cậu trả lại đôi giày vừa đánh, không lấy tiền, khóc ròng ròng rồi bỏ đi. Chị nghe lại được câu chuyện từ lần tâm sự của Bé với bà chủ quán café “cô ấy giống mẹ con quá” mà hẹn gặp lại cậu để đính chính rằng chị không phải là mẹ cậu. Đó cũng là lúc Bé kể lại câu chuyện của cuộc đời mình...
“Tại sao em chỉ tìm mẹ mà không đi tìm bố?”, Bé chầm chậm lắc đầu: “Lúc con ăn hết 4 kg gạo còn lại cuối cùng trong nhà. Con đi tìm mẹ thì gặp cha, nhưng ông đã chối bỏ con... Có những câu chuyện mà sống để bụng, chết mang theo con không muốn kể. Nhưng ông ấy không nhận con là con thì cũng coi như cha con đã chết rồi”.
7 năm đã đi qua, Bé thú nhận mình đã từng làm những việc sai trái, cũng có lúc bị bắt lên đồn công an, nhưng rồi cũng đến lúc Bé thức tỉnh vì nhớ tới lời mẹ dặn: “Hãy sống lương thiện con nhé”, Bé rút khỏi băng nhóm giang hồ và tìm cách sống lương thiện, chấp nhận có những lúc đói lả phải đi lượm đồ ăn thối mà bỏ vào miệng để sống qua ngày.
Trẻ, khỏe có sức lực nhưng cậu không thể tìm cho mình một công việc tử tế hơn vì tất cả những gì cậu có là bàn tay trắng, không giấy tờ tùy thân nên chẳng có nơi nào dám nhận Bé vào làm việc. Cũng có lúc có người quen đã giới thiệu để Bé làm chân bảo vệ tại một công ty nhưng rồi công việc đó cũng không được lâu dài. Sau này vẫn có nhiều lời mời gọi cám dỗ khác như quay lại làm dân giang hồ, đi đưa thuốc phiện... để có nhiều tiền, nhưng Bé đã biết lắc đầu từ chối. Cũng có lúc gom góp được một số tiền không hề nhỏ, nhưng sống nay đây mai đó lấy gầm cầu làm nhà mà số tiền bị móc mất lúc nào không hay. Đến ngay cả bức ảnh cuối cùng của mẹ và em mà cậu mang theo bên mình như báu vật dù đã hoen ố màu cũng bị trộm thì Bé biết mơ đến ngày mai là chuyện xa vời. Giờ kiếm được đồng nào Bé lại vùi vào rượu, vào game lúc đêm đến cho qua ngày, cũng là để dễ ngủ hơn và “đỡ chán đời” như cách Bé nói.
27 tuổi, không mong ước có một người vợ hiền và những đứa con, Bé vẫn tưởng mình là cậu bé 10 tuổi năm nào vẫn chỉ mong được một lần được ôm lại mẹ bằng xương, bằng thịt. Kí ức của cậu hẳn đã dừng lại từ lúc ấy, thời quá vãng tươi đẹp khi có mẹ kề bên...
Trong những giấc ngủ chập chờn với tiếng muỗi vo ve và tiếng côn trùng kêu, tiếng xe chạy Bé vẫn mơ thấy mẹ, thấy vòng tay êm ái và ngôi nhà ấm áp, để rồi lúc choàng tỉnh lại quay trở lại hiện thực nghiệt ngã vẫn là chiếc gầm cầu và tiếng xe tải rung lắc đang chạy trên đầu mình.
Bé kể đã có lúc cậu đã định tự tử vì không biết đi đâu về đâu vì nghĩ mẹ và em cũng đã xanh cỏ rồi, vì cả đói... nhưng lúc treo cổ thì dây đứt. Cậu lại tin ông trời thương không để cậu chết mà còn gặp lại mẹ và em mình. Sau ngày đó, Bé không bao giờ có ý định tự tử nữa.
Đến giờ, 27 tuổi, vẫn kiếm sống qua ngày, ước mơ duy nhất giúp cậu sống sót đó chính là được gặp lại mẹ, gặp lại em. Bé không mong gặp lại mẹ giàu có để có người bao bọc, cậu bảo: “Nếu được sống cùng mẹ thì không gì bằng. Nhưng nếu chỉ một lần thôi được ôm lấy mẹ, được ngủ cùng mẹ một đêm thì con cũng thỏa lòng rồi. Còn cả em là máu mủ với con nữa, con cũng rất mong được gặp”.
Bé nói cậu cũng không bao giờ về quê, đến ngay cả chính xác nơi mình ở là xã, huyện nào cậu không thể nhớ, chỉ nhớ tỉnh Quảng Ngãi. Có lúc trốn tàu chạy từ tỉnh này sang tỉnh khác, đi qua quê mình, Bé ôm đầu, nhắm mắt để khỏi nhìn thấy “Về quê làm gì khi mẹ không còn ở đó”. Có một điều Bé không quên là tên đầy đủ của mẹ: “Trần Thị Mậu Lệ, sinh năm 1970, sinh ra ở Quảng Ninh, lớn lên ở Huế, lấy chồng ở Quảng Ngãi, cô hãy viết thế nhé, để mẹ có thể tìm thấy con”.
“Nếu mẹ đọc bài báo này và muốn liên lạc với em thì làm thế nào?”. Bé không biết. Cậu không dùng điện thoại. Chiếc điện thoại gần nhất cũng bị mất trộm rồi, Bé có thể kiếm tiền mua lại chiếc điện thoại mới. Lý do khoa học là Bé ở gầm cầu, không có chỗ sạc pin điện thoại, nhưng lý do tâm lý là cậu sợ tiếng chuông rung lên kéo theo những thấp thỏm, âu lo và cả những hoảng hốt, hy vọng ngày càng dày đến mức có thể bóp nghẹt tim cậu. “Con không biết mẹ sẽ tìm thấy con bằng cách nào. Có thể mẹ sẽ đọc bài báo này khi con còn ở đây. Lúc con chưa tuyệt vọng mà rời đi nơi khác và lần được dấu của con. Hoặc không... Đó là duyên phận. Con biết chấp nhận rồi”, cậu nhìn ra nơi xa và trả lời.
Bé cũng đã tìm mẹ bằng nhiều cách trong 17 năm qua, cậu đến công an khu vực để dò la về mẹ, cũng có khi lên đài tiếng nói Việt Nam tìm mẹ và cả những cách truyền miệng câu chuyện của chính đời mình như thế này: “Mẹ con là Trần Thị Mậu Lệ, sinh năm 1970...”.
Giờ đây tôi chấp bút kể lại câu chuyện của chàng trai Lê Thị Bé với 17 năm tìm mẹ với ước mơ một lần được ôm mẹ bằng xương, bằng thịt, bằng tình mẫu tử vẫn da diết chảy trong huyết quản của cậu. 17 năm là cả một quãng đường đời không ngắn, nhưng ước mơ ấy hy vọng sẽ không còn xa vời. Mà nếu xa Bé vẫn chờ và hy vọng được gặp lại mẹ và em đến hơi thở cuối cùng...
Xin kết bằng bài thơ chắp vá cậu viết cho mẹ mình:
Con Lê Thị Bé - sinh năm 1990 - quê ở Quảng Ngãi - tìm mẹ Trần Thị Mậu Lệ (quê quán Quảng Ninh, lớn lên ở Huế, lấy chồng Quảng Ngãi). Mất liên lạc với mẹ 17 năm khi mẹ bế em rời xứ đi tha hương kiếm tiền nuôi em....