Thông tin ấy chưa được cơ quan chức năng xác thực, nhưng kịch bản "50 sắc thái phiên bản Việt" đã biến cư dân mạng thành những đạo diễn điện ảnh đại tài.
Nhưng thôi, chúng ta hãy bỏ qua chuyện phiên tòa. Cuộc sống ở đất nước tràn ngập hoa hậu, hội hè, lễ lạt, khánh thành, cúng bái…vốn dĩ đã chứa đựng nhiều kịch bản hay hơn trước vành móng ngựa.
16,5 tỉ đồng đắt hay rẻ?
Với một đại gia thực sự, thì 16 tỉ đồng rất rẻ. Rẻ so với khối tài sản khổng lồ của họ. 16,5 tỉ đồng để có một nô lệ nhan sắc trong suốt 7 năm, thì quá rẻ.
Đại gia thực sự không mất nhiều thời gian để quyết mỗi tháng chi hơn 200 triệu đồng, đổi lại "nạn nhân" phải làm bất kỳ điều gì họ muốn, dù những điều ấy là bệnh hoạn và quái đản.
Nhưng 16,5 tỉ đồng đối với một "Giả da" – đại gia bần tiện, thì lại hết sức đắt. Khoái cảm với tiền của những "Giả da" này, có lúc còn mạnh hơn cả khoái cảm thân xác, dù loại người này luôn dùng tiền để mua thân xác.
Khi kẻ bần tiện bị mất tiền, họ nhanh chóng biến thành kẻ đê tiện. Cái kết chung cho nhiều kẻ đê tiện là cuối cùng họ sẽ mất sạch, tình không còn, danh chết, tiền hết.
>>> Xem thêm những bài viết cùng tác giả Tại Đây
Tác giả Bùi Hải
16,5 tỉ đồng đối với con gái nhà lành, là quá lớn. Một cô gái lao động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản ở Việt Nam, chỉ có mức lương trung bình là 2,63 triệu đồng/ tháng.
Như vậy khoản thù lao "hợp đồng tình ái" hơn 200 triệu đồng/tháng của của nhan sắc kia, gấp đến 100 lần mức lương của ngành nghề thấp nhất Việt Nam.
"Mức lương osin tình ái" này cũng gấp 4 lần lương của… một số vị chủ tịch tập đoàn lớn ở Việt Nam.
Đắt hay rẻ không chỉ phụ thuộc vào số tiền mà còn ở cách sử dụng chúng.
Người nghèo nhất ở Việt Nam cũng có thể mua được hai ổ bánh mỳ, vì nó quá rẻ. Nhưng với việc đi cướp hai ổ bánh mì chống đói của hai thiếu niên ở TP.HCM, để rồi bị phạt đến 10 tháng tù, thì ổ bánh mỳ đó giá đắt hơn vàng.
16,5 tỉ đồng có thể mua được cả triệu ổ bánh mỳ, nhưng đối với những hoa hậu thì mức giá đó quá rẻ mạt, nhất là cái giá ấy lại phải trả trước vành móng ngựa.
Chân dung một người đẹp kiều diễm đến một người phụ nữ bợt bạt, đứng trân trối trước bao nhiêu ống kính máy ảnh và hàng triệu con mắt theo dõi phiên tòa, là hình ảnh mà có chi 16,5 tỉ đồng mua công cụ bôi xóa, cũng không thể nào tẩy rửa sạch.
Câu chuyện của một hoa hậu sa chân, dù không dính líu đến quan chức, khiến tôi nhớ đến nhiều đại biểu quốc hội đã đề nghị đưa chuyện hối lộ tình dục vào luật Hình. Nhiều điều luật đi sau thực tiễn cuộc sống.
Chuyện một hoa hậu bị định giá bằng tiền, khiến tôi nhớ rằng, mỗi năm cả nước tràn ngập những cuộc thi sắc đẹp. Có không ít thí sinh tham gia thi, không phải vì thượng tôn cái đẹp, mà chỉ tranh thủ show phô diễn 3 vòng để… nâng giá cao hơn.
Chuyện 16,5 tỉ khiến tôi nhớ đến nao lòng phát ngôn của ông trùm Năm Cam: "Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền".
Vài nhân vật khá khẩm trong giới showbiz đã từng tố: Nếu một bộ phận người mẫu - người đẹp chỉ trông vào cát xê, thì họ đã phải "cạp đất ra mà ăn" từ lâu lắm, chứ nói gì đến việc sở hữu hàng hiệu, siêu xe.
Vì vậy, họ phải bán nhiều thứ.
Đồ hiệu đắt nhưng nhân cách rẻ là hiện tượng đang có xu hướng nhiều lên trong cuộc sống này. Nó xuất hiện ở cả giới người đẹp và giới đại gia, "giả da".
Trở lại phiên tòa xôn xao dư luận, nhìn gương mặt của hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và khuôn mặt của "đại gia" kia, tôi nhớ đến một bài thơ rất hay của Lò Ngân Sủn:
Người đẹp trông như tuyết
Chạm vào lại thấy nóng
Người đẹp trông như lửa
Sờ vào lại thấy mát
Người không khát- Nhìn thấy người đẹp cũng khát
Người không đói- Nhìn thấy người đẹp cũng đói
Người muốn chết- Gặp người đẹp lại không muốn chết nữa
Ơ!
Người đẹp là ước mơ
Treo trước mắt mọi người
Hỡi những người đẹp, hãy trở thành ước mơ treo trước mắt mọi người, chứ đừng là món hàng tươi sống treo trước miệng những kẻ có nhiều đồ hiệu đắt, nhưng nhân cách thì rớt giá như mùa sale off.