16.000 lệnh trừng phạt giáng vào Nga nhưng 1 mặt hàng "thoát nạn": Ukraine còn chưa được ưu đãi này

An An |

Theo nền tảng theo dõi cấm vận trực tuyến Castellum.AI, Nga đã phải hứng chịu hơn 16.587 lệnh trừng phạt từ phương Tây kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào năm 2022.

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ, xuất khẩu ngũ cốc của Nga không chỉ thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu EU mà thậm chí còn được miễn trừ thuế - một điểm bất thường mà khối này hiện đã đồng ý khắc phục.

Theo AFP, có nhiều lý do khiến EU chưa thể trừng phạt xuất khẩu ngũ cốc Nga do liên quan đến các quy định thương mại quốc tế, miễn trừ nông nghiệp và lo ngại về an ninh lương thực.

Tại sao EU chưa trừng phạt ngũ cốc Nga?

Khi áp dụng các lệnh trừng phạt vào năm 2022 đối với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Nga như năng lượng và ngân hàng, EU đã thận trọng không nhắm vào các sản phẩm nông nghiệp, cũng như phân bón.

EU muốn tránh nguy cơ gây bất ổn thương mại thế giới và gây tổn hại cho các nước châu Phi và châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc của Nga, theo AFP.

Hôm 30/5, các quốc gia thành viên EU đã phê chuẩn đề xuất hồi tháng 3 của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp đặt mức thuế "cao" đối với các sản phẩm nông nghiệp của Nga.

16.000 lệnh trừng phạt giáng vào Nga nhưng 1 mặt hàng "thoát nạn": Ukraine còn chưa được ưu đãi này- Ảnh 1.

Ngũ cốc không nằm trong hàng chục nghìn lệnh trừng phạt mà phương Tây nhắm vào Nga. Ảnh: Reuters

Khối này cũng nhắm mục tiêu vào xuất khẩu của Belarus, vốn có quy mô nhỏ hơn nhiều.

Khác với đòn trừng phạt trước đây, các biện pháp mà EU vừa phê chuẩn vẫn sẽ cho phép các sản phẩm của Nga - Belarus quá cảnh qua châu Âu đến các nước khác, lưu trữ trong kho hải quan hoặc vận chuyển trên các tàu châu Âu.

"Mức thuế mới được xây dựng đủ cao để chặn hàng nhập khẩu [từ Nga] được tiêu dùng ở châu Âu", Ủy ban châu Âu cho biết.

Mức thuế sẽ tăng lên 95 euro (100 USD)/tấn ngũ cốc và lên 50% giá trị đối với các sản phẩm khác như hạt có dầu và rau củ. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7.

Trong khi đó, dù là đối tác thân thiết của EU nhưng Ukraine lại phải chịu lệnh "cấm xuất khẩu ngũ cốc" của một số thành viên trong khối.

Theo Reuters, cho đến giữa tháng 9 năm ngoái, EU đã cho phép 5 quốc gia - Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia - cấm bán lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine trong nước nhưng cho phép quá cảnh để xuất khẩu đi nơi khác.

Trước đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, làn sóng ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn vào đã "hủy hoại" thị trường Trung Âu.

Nga xuất khẩu bao nhiêu ngũ cốc?

Theo cơ quan thống kê quốc gia Rosstat, Nga đã thu hoạch 142,6 triệu tấn ngũ cốc vào năm ngoái, mức cao thứ hai từ trước đến nay của nước này sau kỷ lục 157,6 triệu tấn năm 2022.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nga năm 2023, ông Dmitry Patrushev cho biết, doanh thu từ xuất khẩu nông sản của Nga đã lần đầu tiên tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2000 lên 45 tỷ USD vào năm 2023.

Theo thống kê của EU, năm ngoái Nga đã xuất khẩu 4,2 triệu tấn ngũ cốc, hạt có dầu và các sản phẩm nông nghiệp sang Liên minh châu Âu, trị giá 1,3 tỷ euro.

Ngũ cốc của Nga chỉ chiếm khoảng 1% thị trường châu Âu, ít hơn nhiều so với khối lượng nhập khẩu từ Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại