1. Cảm thấy mình là kẻ thất bại
Thay vào đó, hãy cho con bạn thấy bạn cũng có những sai lầm và đã học được những gì từ các sai lầm ấy. Hãy dạy con cách tư duy "rút kinh nghiệm" này và đây sẽ là một cách tuyệt vời để con bạn kiên cường hơn trong cuộc sống.
2. Làm mọi việc cho con
Ai cũng yêu thương con, nhưng hãy yêu con đúng cách. Bạn muốn đem lại cuộc sống dễ dàng hơn cho con, nhưng nếu luôn phục vụ chúng, vậy khi không có bạn, chúng sẽ tồn tại thế nào? Cách tốt nhất là hãy giúp chúng học cách tự lập càng sớm càng tốt bằng cách yêu cầu con làm việc nhà. Chính sự tự lập này sẽ giúp trẻ tự tin hơn và biết cách đương đầu với khó khăn.
3. Bỏ mặc hôn nhân của mình
Vì bận rộn mưu sinh, chăm sóc con, bạn rất dễ lơ là hôn nhân của mình. Điều này vô hình chung khiến con bạn cho rằng hôn nhân không quan trọng, và ảnh hưởng đến tính cách và sự phát triển về sau.
Do đó, dù bận rộn tới đâu, 2 bạn nên có những giây phút riêng tư dành cho nhau thật sự chất lượng, thậm chí yêu cầu con cái phải tôn trọng không gian của bố mẹ. Việc làm này sẽ phát đi một thông điệp cho bọn trẻ, rằng hôn nhân cũng là sự ưu tiên trong cuộc sống gia đình.
4. Cãi vã vì những chuyện nhỏ nhặt
(Ảnh minh họa: Internet)
Trong gia đình, bạn không thể thắng trong mọi cuộc chiến và cũng không nên như vậy. Hãy lựa chọn các "chiến trường" một cách thông minh. Do đó, nếu là những điều nhỏ nhặt và không quan trọng, ví dụ như hôm nay con bạn bỗng dưng muốn mặc bộ đồ chẳng hề ăn nhập với nhau, hãy mặc kệ và cho con tự quyết định.
5. Không quan tâm đến các nhu cầu của bản thân
(Ảnh minh họa: Internet)
Bạn đặt con mình lên ưu tiên số 1, coi nhẹ đời sống cá nhân của mình và nghĩ rằng mình đang sống cho con, hy sinh vì con. Nhưng thật ra, đôi khi điều đó lại gây áp lực cho con bạn, và thừa nhận đi, ta không thể cứ mãi hy sinh vì một người khác. Điều đó sẽ rút kiệt sinh lực của bạn.
Thi thoảng hãy đi gặp bạn bè, hãy đi chơi hoặc theo đuổi thú vui mà bạn yêu thích. Nên nhớ, người cha, người mẹ hạnh phúc thì mới có thể khiến cho con mình hạnh phúc.
6. Lạm dụng công nghệ
Không thể phủ nhận rằng công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nhưng nếu không biết cách cân bằng, nó lại trở thành rào cản ngăn không cho bạn có đủ thời gian bên con.
Nhiều bậc phụ huynh cứ than phiền con mình chỉ thích dùng Ipad mà quên mất, chính họ khi về nhà cũng thường "dính" lấy chiếc điện thoại không rời.
7. Quên dạy con về lòng biết ơn
(Ảnh minh họa: Internet)
Nói chung, nếu bạn giống đa số các bậc cha mẹ, bạn sẽ thường dạy con phải biết nói lời "cảm ơn" khi được ai đó giúp đỡ, nhưng liệu con bạn có thật sự hiểu ý nghĩa của việc biết ơn là gì không? Hãy đảm bảo những lời nói ra của chúng không sáo rỗng.
Việc nuôi dạy nên những đứa trẻ có lòng biết ơn, biết trân trọng mọi thứ mà chúng có được, mọi mối quan hệ xung quanh chúng là một trong những trách nhiệm quan trọng của các ông bố, bà mẹ. Có lòng biết ơn cũng sẽ giúp con bạn vượt ra khỏi sự ích kỷ của bản thân và nhận ra rằng, không phải mọi thứ tốt đẹp trên đời đều đến với chúng một cách ngẫu nhiên.
8. Bỏ qua các hành vi xấu của con
Khi trẻ nổi giận, nói năng hỗn hào hoặc đánh nhau với anh, chị em của mình, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng bỏ qua và cho rằng các vấn đề về hành vi này chỉ mang tính thời điểm.
Tuy nhiên, rõ ràng là có thể các hành vi đó chỉ mang tính thời điểm, thì việc bố mẹ trò chuyện cùng con cái để giúp chúng nhận ra rằng một số hành vi nhất định là không phù hợp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Hãy nhớ tận dụng những tình huống đó để dạy con.
Việc bố mẹ giải quyết các vấn đề về hành vi của con càng nhanh chóng và hiệu quả thì càng tốt, trước khi chúng trở nên mất kiểm soát.
9. Không nhất quán khi dạy con
Ví dụ, có lúc bố mẹ rất nghiêm khắc, có lúc lại rất chiều con, để con "muốn làm gì thì làm".
Việc không nhất quán khi dạy con cũng là một vấn đề thường gặp trong các gia đình, khiến bọn trẻ bối rối và không giúp chúng học được những bài học quý giá.
Trẻ em cần một môi trường phát triển có cấu trúc với các quan điểm nhất quán. Sự thiếu nhất quán, lúc này lúc kia sẽ khiến việc dạy dỗ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
10. Bỏ qua trí thông minh đường phố
(Ảnh minh họa: Internet)
Những người có trí thông minh sách vở thường dễ được nhận biết và khen ngợi hơn thông qua các thành tựu trong học thuật hoặc qua bề dày kiến thức của mình. Tuy nhiên, để có thể đối phó với những khó khăn trong cuộc sống thực, trí thông minh này chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ.
Trí thông minh Đường phố (Street Smart) là những kiến thức và trải nghiệm cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước các khó khăn hoặc mối nguy hiểm trong môi trường xã hội. Điều này đôi khi còn quan trọng hơn là trí thông minh sách vở, vì nó có thể cứu con bạn trong những trường hợp nguy cấp.
Do đó, bạn đừng quên dạy con các trí thông minh đường phố, ví dụ cách quan sát đường phố khi tham gia giao thông, cách sử dụng thang máy an toàn hay nhìn thấy một con ngõ vắng vẻ vào buổi tối thì không nên đi một mình vào lúc trời muộn... chẳng hạn.
11. Để con chơi với bạn xấu
Cha mẹ nào cũng muốn con được giao lưu với bạn bè, kết thêm bạn mới. Nhưng nếu một người bạn mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho con thì đã đến lúc bạn can thiệp.
Hãy đảm bảo con bạn biết những nền tảng nào sẽ tạo nên một tình bạn lành mạnh, hay nói cách khác, đâu là những tình bạn độc hại và biết cách nhận diện và tránh xa những mối quan hệ thiếu lành mạnh.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình huống, sẽ có nhiều cách xử lý khi bạn lo lắng về những người bạn của con mình. Rõ ràng là cách tốt nhất là nói chuyện thẳng thắn với con về những lo lắng của bạn. Bạn cũng có thể đặt ra những ranh giới và giúp con học cách tự thiết lập các giới hạn trong tất cả các mối quan hệ, không chỉ riêng tình bạn.
12. Bỏ qua những khoảnh khắc nhỏ
(Ảnh minh họa: Internet)
Có thể bạn quá bận rộn và không để ý, nhưng những khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống lại đóng góp khá nhiều trong việc cân bằng những áp lực và giúp tăng sự gắn kết giữa bạn và con.
Hãy cố gắng làm chậm lại nhịp sống của mình, cùng con cảm nhận và trân trọng những điều bé nhỏ: Một chiếc mầm cây vừa mới nhú, ngắm những tia nắng bình minh buổi sáng hắt qua khung cửa, chú cún nhỏ đang chơi đùa... Mặc dù đây đều chỉ là những khoảnh khắc bình thường, nhưng nếu bạn không cùng con ngắm nhìn, một khi chúng lớn lên và trở thành một cô bé, cậu bé tuổi teen bận rộn, rất có thể chúng sẽ không bao giờ lặp lại.
13. Làm hài lòng tất cả mọi người
Bạn phải chấp nhận một thực tế là dù bạn có cố gắng đến thế nào đi chăng nữa, bạn không bao giờ có thể làm hài lòng tất cả mọi người trên thế giới này, và cũng hãy dạy con như vậy. Mọi việc đều có giới hạn, hãy dạy con cách thiết lập giới hạn và chuẩn bị tâm lý để không quá thất vọng hay chán nản nếu mọi việc không như ý.
14. Khen con quá đà
Nhiều ông bố, bà mẹ nghĩ rằng con mình thật vời và muốn tất cả thế giới phải biết điều đó, nhưng có thể họ đang làm hơi quá. Thật ra, việc thường xuyên khen ngợi con quá đà khiến trẻ phát triển các xu hướng "tự yêu bản thân thái quá".
Nên nhớ, cha mẹ nên khen ngợi các nỗ lực của con (điều mà chúng có thể kiểm soát được) thay vì khen ngợi những tài năng hoặc ngoại hình của con (điều mà có thể chúng không có). Ví dụ: Hãy nói "Mẹ rất vui vì con đã rất chăm chỉ để hoàn thành các việc nhà mẹ giao cho", thay vì "Con thông minh quá!" hay "Con là cậu bé đẹp trai nhất trong đội bóng ấy" chẳng hạn.
15. Sống đời mình thông qua đời con
(Ảnh minh họa: Internet)
"Chúng ta thường nghĩ con mình giống như một 'cơ hội thứ 2' trong việc theo đuổi các mục tiêu của đời mình", Lucia Giovannini, một bác sỹ tâm lý người Ý, tác giả cuốn A Whole New Life (Tạm dịch: Một cuộc đời mới) từng đưa ra nhận định.
Ví dụ, nhiều bậc phụ huynh muốn trở thành một nghệ sĩ piano nổi tiếng, và không làm được điều đó, liền đem giấc mơ ấy để áp đặt lên con mà không quan tâm con họ có thích học piano hay không. Đây là một điều khá phổ biến.
Nếu con bạn có chung sở thích và giấc mơ giống như bạn, đó là điều rất may mắn, nhưng nếu không phải như vậy, hãy thực tế hơn bằng cách cho phép con theo đuổi đam mê của mình, thay vì đam mê của bạn.
16. So sánh con mình với đứa trẻ khác
Cha mẹ thường có xu hướng so sánh con mình với con người khác (thường là với nghĩa tiêu cực). Nhưng điều đó là không công bằng. Bạn cũng đâu có giống những phụ huynh khác, sao lại so sánh con bạn với con người khác? Điều đó chỉ khiến con bạn cảm thấy tổn thương hơn mà thôi.
Hoặc nhiều bậc phụ huynh cũng thường so sánh những đứa con của mình với nhau, ví dụ: "Sao con không học giỏi như chị con nhỉ?". Bạn nghĩ mình đang "khích bác" để con học tốt hơn, nhưng thật ra, bạn đang khiến cho ngọn lửa ghen tị, thậm chí ghen ghét nhen nhóm trong lòng đứa trẻ bị đem ra so sánh và làm mối quan hệ giữa các anh chị em trong gia đình trở nên căng thẳng hơn.
Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu bạn tập trung vào thế mạnh của các con hoặc giúp các con hoàn thiện bản thân.
Theo Very Well Family