Mục tiêu đàm phán chính thức Mỹ-Triều
Chiến lược gây sức ép lên Bắc Kinh để khiến Trung Quốc tích cực hơn trong vai trò kiềm chế chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng được nhận định sẽ không đi đến đâu.
Joseph DeTrani, cựu đặc phái viên của Mỹ tại vòng đàm phán 6 bên về Triều Tiên, cho rằng đã đến lúc Mỹ cân nhắc đối thoại chính thức với Bình Nhưỡng để nước này "đình chỉ tất cả các cuộc thử nghiệm hạt nhân, tên lửa và trở lại bàn đàm phán vấn đề hạt nhân một cách vô điều kiện".
"Tôi không ủng hộ cái gọi là gây sức ép lên Trung Quốc," ông nói. "Quan hệ kinh tế và thương mại không nên bị lẫn lộn với các vấn đề an ninh quốc gia liên quan tới Triều Tiên."
Hôm 22/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hé mở rằng đàm phán vẫn có khả năng tiến hành, đồng thời ông ghi nhận Bình Nhưỡng đã cho thấy một số biểu hiện kiềm chế sau khi Liên hợp quốc áp lệnh cấm vận mạnh hơn từ ngày 5/8.
"Chúng tôi hy vọng đây là sự khởi đầu của tín hiệu mà chúng ta đang tìm kiếm, rằng Triều Tiên đã sẵn sàng làm dịu căng thẳng, kiềm chế bớt những hành động khiêu khích, và có thể chúng ta đang nhìn thấy con đường để tiến tới đối thoại vào thời điểm nào đó trong tương lai gần," ông Tillerson nói.
Hãng tin AP cho biết, các kênh đối thoại ở hậu trường đã được tổ chức trong vài tháng qua giữa Joseph Yun, quan chức chính phủ Mỹ về chính sách Triều Tiên, và Pak Song Il, nhà ngoại giao cấp cao của Bình Nhưỡng tại LHQ.
Nhưng ông DeTrani, cựu giám đốc Trung tâm quốc gia về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (NCPC), cố vấn giám đốc Tình báo quốc gia, Mỹ, đánh giá chỉ ngoại giao sau cánh gà là không đủ để chính quyền Trump và Bình Nhưỡng đạt được nhận thức chung.
"Đối thoại giữa các quan chức Triều Tiên và cựu quan chức Mỹ vẫn tốt hơn là không có gì, nhưng mục tiêu của chúng tôi là đàm phán chính thức," ông cho hay. "'Kênh New York', với sự tham gia của đại diện Triều Tiên ở LHQ và Bộ ngoại giao Mỹ, đã được thiết lập cùng với sự ra đời của vòng đám phán 6 bên vào năm 2003."
Nhiều học giả khác cũng đồng tình rằng ông Trump cần nâng cấp độ đối thoại với ban lãnh đạo của ông Kim Jong Un.
James L. Schoff, nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức ủng hộ hòa bình thế giới Carnegie (Mỹ), nhận xét "cấp độ trao đổi cao hơn và đáng tin cậy hơn là cần thiết để tránh cho những mâu thuẫn nhỏ bị leo thang thành xung đột lớn - dù là về quân sự hay ngoại giao".
"Đối thoại vô điều kiện là hướng tốt để theo đuổi vào lúc này, bên cạnh các nỗ lực thúc đẩy phi hạt nhân hóa," ông nói.
Ngoại trưởng Rex Tillerson nói về cơ hội đối thoại với Triều Tiên, ngày 22/8 tại Washington (Ảnh: Pablo Martinez Monsivais/AP)
"Đường tới Bình Nhưỡng không đi qua Bắc Kinh"
Gợi mở của Ngoại trưởng Tillerson về đối thoại Mỹ-Triều được đưa ra cùng ngày Bộ tài chính Mỹ tuyên bố trừng phạt 16 cá nhân và thực thể của Nga, Trung Quốc có làm ăn với Triều Tiên. Nhưng giới phân tích tin rằng siết chặt "thòng lọng" với Bắc Kinh cũng không giải quyết được tình hình.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington phản đối lệnh cấm, "đặc biệt là chính sách 'vươn tay' đến các thực thể, cá nhân của Trung Quốc, mà bất kỳ nước nào thực hiện theo khuôn khổ luật pháp của riêng mình".
Charles Armstrong, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên thuộc Đại học Columbia, Mỹ, cho biết ông "không tin còn nhiều nước đi khả dĩ với 'quân bài Trung Quốc'".
"Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc vào nhau quá nhiều để Washington có thể dồn ép được Bắc Kinh," ông bình luận. "Trung Quốc không thể 'giải quyết' vấn đề Triều Tiên được, và Mỹ phải thỏa thuận trực tiếp với Triều Tiên."
Armstrong khẳng định trong suốt nhiều năm rằng Mỹ đánh giá quá cao khả năng "đòn bẩy" của Trung Quốc đối với Triều Tiên, cũng như sức ảnh hưởng của Washington lên Bắc Kinh.
Balbina Hwang, cựu cố vấn cấp cao của Bộ ngoại giao Mỹ, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Georgetown, cũng cho rằng tiếp cận vấn đề Triều Tiên bằng cách gây áp lực lên Trung Quốc không mang lại hiệu quả.
Bà Hwang nói, "nếu có bài học mà chúng ta nhận được trong 20 năm qua - đặc biệt là từ vòng đàm phán 6 bên dưới thời chính quyền George W. Bush, thì đó là đường tới Bình Nhưỡng không đi qua Bắc Kinh".
Bà nhắc rằng ngay từ năm 2001, Mỹ đã tìm cách "thuyết phục, dụ dỗ, chèn ép và xin xỏ Trung Quốc để xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên", nhưng đến nay Bình Nhưỡng đã tiến hành tới 5 vụ thử hạt nhân.
"Trung Quốc sẽ không biến hóa hay sửa đổi đột ngột chính sách tiếp cận của họ với Triều Tiên, bởi đó đơn giản không phù hợp lợi ích quốc gia Trung Quốc - cụ thể là ngăn chặn xung đột và bất ổn lớn trên tất cả các vùng biên giới," bà Hwang cho biết.
"Sẽ là không khôn ngoan khi tiếp cận theo cách rời rạc và ngắn hạn với Trung Quốc."
Giáo sư Frederick Carriere, thuộc Trung tâm sự vụ bán đảo Triều Tiên, Đại học Syracuse, Mỹ, nói tất cả các hình thức đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên đều cần được khích lệ, nhưng đến cuối cùng đối thoại nghiêm túc ở cấp cao mới có thể tháo gỡ mâu thuẫn.
Charles Armstrong cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói, "tình hình chỉ có thể được cải thiện thông qua đối thoại cấp cao hơn, và cuối cùng là ở cấp lãnh đạo cao nhất - như tổng thống Bill Clinton và lãnh đạo Kim Jong Il từng suýt làm được vào cuối năm 2000".