Số liệu trên vừa được WWF công bố sau khi tập hợp hàng trăm công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ các trường đại học, tổ chức bảo tồn và viện nghiên cứu trên thế giới trong năm 2021, 2022.
Theo đó, 290 loài thực vật, 19 loài cá, 24 loài lưỡng cư, 46 loài bò sát và một loài động vật có vú đã được tìm thấy ở Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Các phát hiện góp phần nâng tổng số loài được tìm thấy trong khu vực lên tới 3.390 loài kể từ 1997 đến nay.
Ếch rêu khôi mang trên mình màu xanh rêu, giúp loài này hoà lẫn vào các tảng đá phủ đầy rêu và địa y.
Một số loài được phát hiện và mô tả ở Việt Nam gồm: Rhododendron tephropeploides - loài hoa trắng được phát hiện ở Phan Xi Păng, đỉnh núi cao nhất Việt Nam, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Xephoanthus nubigenus - “hoa mây”, được phát hiện trong các khu rừng có mây bao phủ tại cao nguyên Lang Biang ở tỉnh Lâm Đồng.
Theloderma khoii - ếch rêu khôi, loài ếch lớn tuyệt đẹp mang trên mình màu xanh rêu, giúp loài này hoà lẫn vào các tảng đá phủ đầy rêu và địa y. Bậc thầy ngụy trang này được tìm thấy tại các thung lũng sâu hẹp ở các vùng rừng núi đá vôi khu vực Đông Bắc Việt Nam.
Subdoluseps vietnamensis - loài thằn lằn bóng được phát hiện ở các khu rừng quanh các rừng keo và đồn điền cao su ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Thuận, miền Nam. Nhờ khả năng đào hang dưới cát mà loài này có thể tránh được những kẻ săn mồi và các đám cháy.
Xenopeltis intermedius - loài rắn được đặt tên theo lớp vảy óng ánh trên thân, được phát hiện ở độ cao 2.500m so với mực nước biển ở vùng trung núi Trường Sơn.
“Hoa mây” được phát hiện ở cao nguyên Lang Biang, Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn Động vật Hoang dã của WWF-Việt Nam cho biết: “Những loài mới này đang chịu áp lực rất lớn từ nạn phá rừng, môi trường sống bị phá huỷ, phát triển đường sá, ô nhiễm, dịch bệnh lây lan. Nguyên nhân được xác định do các hoạt động của con người, phải cạnh tranh với các loài xâm lấn và chịu tác động tàn phá của nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Thậm chí, nhiều loài đã tuyệt chủng trước khi chúng được phát hiện".
WWF - Việt Nam kêu gọi hành động cấp bách để ngăn chặn sự tuyệt chủng các loài hoang dã bằng cách bảo vệ sinh cảnh sống của chúng, hỗ trợ khôi phục quần thể các loài tự nhiên, tái hoang dã và ngăn chặn các hoạt động săn bắt mua bán động vật hoang dã trái phép.
Tiến sĩ Trương Q. Nguyên thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần hành động ngay lập tức và tăng cường sử dụng các công nghệ mới như âm thanh sinh học và công nghệ giải trình tự gen để giúp các nhà khoa học khám phá thêm nhiều loài trong điểm nóng đa dạng sinh học này.
"Để đảo ngược tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang ở mức báo động trong khu vực, chúng ta cần những nỗ lực khẩn cấp, dựa trên cơ sở khoa học và đồng bộ cũng như các giải pháp bảo tồn cần được chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và công chúng quan tâm nhiều hơn”, ông nói.
WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn hàng đầu thế giới, với 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động trên hơn 100 quốc gia. Nhiệm vụ của WWF là ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường thiên nhiên của trái đất và xây dựng một tương lai bằng cách bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới, đảm bảo rằng việc sử dụng bền vững những nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng và thúc đẩy việc giảm ô nhiễm và tiêu thụ lãng phí