Xét theo các chỉ tiêu kinh doanh, Intel vừa có một quý hoạt động không hề tệ chút nào khi lợi nhuận của họ còn vượt qua cả kỳ vọng của các nhà phân tích. Thế nhưng, giới đầu tư vẫn ồ ạt đặt lệnh bán cổ phiếu này khiến cho giá trị công ty sụt giảm đến 50 tỷ USD không lâu sau đó. Trong khi đó, đối thủ của họ về tiến trình công nghệ, hãng TSMC lại chứng kiến mức tăng đến hơn 50% trong cùng thời kỳ.
Hầu hết các nhà phân tích của những ngân hàng đầu tư đều đưa Intel vào khuyến nghị nên "bán" trong khi khuyến nghị các nhà đầu tư nên mua vào TSMC và AMD. Nguyên nhân là vì trong buổi báo cáo thu nhập vừa qua, CEO công ty đã tiết lộ rằng quá trình chuyển sang tiến trình 7nm của Intel sẽ bị lùi lại thêm 6 tháng nữa.
Có rất nhiều điều để nói xung quanh tin tức này, thế nhưng chỉ có một câu hỏi quan trọng duy nhất dành cho Intel vào thời điểm này: Làm thế nào Intel – từ một người dẫn đầu không thể tranh cãi trong nhiều thập kỷ về tiến trình công nghệ sản xuất chip, hãng đã mang lại những CPU có hiệu năng mạnh nhất cũng như công suất tốt nhất cho máy chủ và PC – lại tuột dốc nhanh đến như vậy?
Lợi thế quy mô trên đường cong học thức
Để hiểu rõ hơn về điều này có thể quay lại thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước để hiểu rõ hơn về vị thế mà Intel có được ngày nay. Đó cũng là thời điểm Intel chuyển mình từ nhà sản xuất chip nhớ của những năm 70 thành một công ty sản xuất bộ vi xử lý mở đầu cho kỷ nguyên PC. Đây cũng là thời điểm Intel không chỉ cung cấp các linh kiện quan trọng như chip cho hầu hết toàn ngành công nghệ mà còn là người thiết lập nên các tiêu chuẩn công nghệ.
Lý thuyết về đường cong học thức cho biết chi phí sản xuất một sản phẩm giảm sẽ giảm khi khối lượng sản xuất tăng lên. Vào thời điểm đó, sản xuất chip cho toàn ngành công nghiệp máy tính đã mang lại cho Intel các lợi thế khổng lồ về quy mô so với các nhà sản xuất bán dẫn khác. Điều đó đã giúp công ty có được vị trí như ngày nay: nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới với tỷ suất lợi nhuận đáng ghen tỵ.
Bên cạnh đó cũng có một lý thuyết thú vị khác – lý thuyết về sự hỗn loạn – nói rằng, một thay đổi nhỏ trong một trạng thái của hệ thống cũng có thể gây ra một thay đổi lớn trong một trạng thái sau đó của toàn hệ thống. Đối với trường hợp của Intel, đó là việc Apple lựa chọn loại chip cho chiếc iPhone của họ.
Vào năm 2005, khi tăng trưởng trên thị trường công nghệ đều tập trung quanh những chiếc máy tính cá nhân, một thay đổi ngầm đang diễn ra. Apple đang âm thầm phát triển iPhone, chiếc smartphone sẽ làm nên cuộc cách mạng về thiết bị điện toán cầm tay trong tương lai. Và họ đang chuẩn bị có một quyết định quan trọng: lựa chọn sử dụng kiến trúc ARM cho thiết bị của mình, thay vì dùng bộ xử lý của Intel.
Quan trọng hơn, họ chọn hãng TSMC là người gia công bộ xử lý đó cho mình. Đó là lúc đường cong học thức từng mang lại lợi thế cho Intel bắt đầu chuyển dần sang cho TSMC.
Sa cơ trên thị trường smartphone, khởi đầu cho vết trượt của Intel
Thành công của iPhone mang lại cho TSMC các đơn hàng hàng trăm triệu bộ xử lý mỗi năm cho Apple, và tiếp sau đó là các hãng thiết kế chip khác như Qualcomm. Trong khi Intel xuất xưởng hàng trăm triệu bộ xử lý máy tính mỗi năm, cùng thời gian đó, ngành công nghiệp smartphone lại bán được hàng tỷ thiết bị. Đại đa số các thiết bị đó sử dụng các bộ xử lý của Apple hoặc Qualcomm – một lợi thế khổng lồ về quy mô mà Intel đã bỏ lỡ.
Khi Intel nhận ra sai lầm của mình và cố gắng chen chân vào thị trường đang tăng trưởng nóng này thì cũng đã quá muộn. Các nền tảng hệ điều hành cũng như đại đa số ứng dụng di động đã được thiết lập để tương thích với chip Apple hoặc Qualcomm, hơn là các bộ xử lý Intel Atom đến sau. Không tương thích tốt với các ứng dụng, các yếu điểm về hiệu năng cũng như hiệu quả năng lượng trên chip Intel Atom càng lộ rõ hơn và buộc Intel phải rút lui khỏi sân chơi này.
Trong khi lợi thế quy mô của đường cong học thức giúp TSMC tăng tốc nhanh về công nghệ tiến trình sản xuất chip, mô hình tích hợp theo chiều dọc giữa thiết kế và sản xuất chip của Intel – vốn là lợi thế trong suốt nhiều thập kỷ qua – lại trở thành điểm yếu. Thị trường máy tính cá nhân với quy mô giới hạn và lại đang trì trệ khiến việc mở rộng sang công nghệ sản xuất chip mới trở nên khó khăn do biên lợi nhuận thấp.
Trái ngược với Intel, sự kết hợp giữa năng lực sản xuất của TSMC và việc cấp phép thiết kế chip của ARM lại tạo nên thay đổi nền tảng cho ngành công nghiệp bán dẫn, khi nó tạo nên một số lượng lớn các hãng chip "fabless" (không xưởng sản xuất) như Apple, AMD, Nivida và Qualcomm, cùng nhiều công ty khác nữa.
Những công ty này bắt đầu từ việc vượt mặt Intel trong ngành smartphone và đã tiếp sức cho vị trí dẫn đầu TSMC trong ngành công nghiệp chip nhờ khả năng sản xuất khối lượng lớn các con chip tiên tiến nhất. Samsung, hãng sở hữu mảng kinh doanh gia công chip, cũng được hưởng lợi một phần từ xu thế này.
Tuy nhiên, không phải ai trên sân chơi gia công chip này cũng nhận được lợi ích như TSMC hay Samsung.
rong khi cả Samsung và TSMC đang tăng tốc về tiến trình sản xuất chip, hãng gia công chip lớn nhất Trung Quốc, SMIC vẫn đang kẹt lại với tiến trình 14nm, chậm xa so với 2 ông lớn trên. Không những thế, họ còn không có lợi thế về quy mô như TSMC hay Samsung, và do vậy, lý thuyết về lợi thế quy mô của đường cong học thức cho thấy họ sẽ khó có khả năng bắt kịp được 2 ông lớn này khi chỉ phục vụ thị trường trong nước.
Còn đối với Intel, việc bỏ lỡ thị trường smartphone nhiều năm về trước đang mang lại nhiều bất lợi hơn mọi người tưởng. Không chỉ đánh mất nguồn thu từ hoạt động sản xuất chip diễn ra sôi động nhiều năm qua, nó còn làm họ tụt hậu về công nghệ sản xuất chip khi không có đủ quy mô để đầu tư vào các công nghệ mới.
Tham khảo SCMP