Dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa, có một sự thật mà tôi tin chắc rằng không ai có thể phủ nhận: Đã đi làm công ăn lương, ai cũng muốn được thăng tiến, chẳng ai muốn dậm chân mãi tại một vị trí với mức lương quanh năm không đổi, đặc biệt là những người không có “máu kinh doanh” hay không có nhiều nguồn thu nhập.
Khoảng hơn 20 năm trước đây, khi vẫn còn là một chàng thanh niên mới chập chững bước vào thị trường lao động, tôi nghĩ rằng chỉ cần giỏi chuyên môn là có thể thành công thăng tiến trong sự nghiệp. Nhưng kinh qua từng cấp quản lý, từ nhóm nhỏ 4-5 người tới một bộ phận không dưới 30 nhân sự, tôi nhận ra giỏi chuyên môn chưa bao giờ là đủ để một người thăng tiến.
Với 15 kinh nghiệm làm quản lý của mình, tôi sẽ cho bạn biết 3 điểm chung của những người rất giỏi nhưng cả đời chỉ có thể là nhân viên, tệ hơn là bị sa thải trong bối cảnh hiện tại. Mong rằng bạn không nằm trong số đó, và nếu còn có 3 đặc điểm này, hãy thay đổi nhanh nhất có thể.
1 - Lười suy nghĩ, luôn muốn được “cầm tay chỉ việc”
Khoảng 3 năm trở lại đây, tôi có cơ hội làm việc với khá nhiều bạn trẻ, chủ yếu là những người có 1-2 năm kinh nghiệm, vẫn còn đang ở level junior - không quá non nớt nhưng cũng chưa đủ “già dặn”. Là một người thuộc thế hệ 8x đời đầu, thú thực, tôi không hiểu lắm về quan điểm làm việc, tiếp nhận thông tin của họ.
Khi được giao việc, một vài người chỉ làm qua loa cho xong, một vài người vừa nhận thông tin đã ngay lập tức yêu cầu được cầm tay chỉ việc, dù họ không còn là nhân viên thực tập và cũng đã qua thời gian thử việc.
Họ thậm chí còn không nhận thức được rằng mình cần phải tự suy nghĩ để tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề được giao, trước khi cất tiếng nhờ được giúp. Còn tại sao tôi lại biết là họ làm qua loa ư? Vì đó cũng giống như bài tập “đánh vần” mà những người đã đọc thông nói sõi dành cho người chưa biết gì. Họ không bỏ công sức, thời gian, nghiên cứu, đào sâu thông tin.
Đương nhiên, không phải tất cả những nhân sự trẻ mà tôi có cơ hội làm việc cùng đều ỷ lại, lười suy nghĩ và thiếu nhiệt huyết với công việc như thế. Vẫn có những người rất hăng hái, rất chủ động trong công việc.
Sự khác biệt giữa hai nhóm nhân sự trẻ này là gì, có lẽ, ai cũng đều đoán được. Khi làn sóng sa thải ập tới, doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm nhân sự, khi phải đặt “người làm được việc” và “người hoàn thành xuất sắc công việc được giao” lên bàn cân, đương nhiên, nhóm thứ 2 sẽ là những người ở lại.
2 - Tư duy “làm đủ, làm đúng và làm tốt công việc được giao là quá đủ rồi”!
Không ỷ lại trong công việc, cũng không cần leader lúc nào cũng phải cầm tay chỉ việc, luôn làm rất tốt những gì được giao. Vậy là quá tốt rồi chứ còn gì nữa? Đúng! Nhưng những cái “đủ - đúng - tốt” ấy vẫn là chưa đủ để một nhân sự nhảy từ vị trí junior lên senior, hoặc từ senior lên C-Level.
Vì khi bạn làm đủ, làm đúng và làm tốt, thì những người đồng nghiệp cùng cấp bậc với bạn không những chỉ làm đủ, làm đúng, làm tốt; mà họ còn làm mới, làm hơn những gì được giao. Hay nói cách khác chính là họ tối ưu thời gian xử lý/hoành thành công việc, đồng thời, không ngại xắn tay hỗ trợ người khác hoặc tự đề xuất nhận thêm những đầu việc khác.
Người làm đủ, làm đúng và làm tốt công việc được giao có thể sẽ chẳng bị sa thải và vẫn được xét duyệt tăng lương đều đặn theo chính sách của công ty, nhưng để được chọn vào vị trí quản lý hay nhân sự cấp cao, chắc chắn, họ là những cái tên cuối cùng trong danh sách. Lý do rất đơn giản thôi: Một người dẫn đường không thể là một người chỉ biết chạy theo lối mòn.
3 - Luôn nghĩ “phải được gì đó, mình mới làm”
Tôi vẫn nhớ như in cuộc hội thoại với một nhân sự rất giỏi trong nhóm, cách đây 2-3 năm. Bạn xin lịch họp với riêng tôi. Đương nhiên, là người quản lý, tôi không có lý do gì để từ chối lắng nghe một nhân sự rất được việc như bạn.
Trong buổi họp đó, bạn trình bày ý tưởng của bạn nhưng câu đầu tiên bạn hỏi tôi không phải là “anh thấy ý tưởng của em có khả thi hay không”, mà lại là: Nếu bây giờ em triển khai thành công, liệu em có được tăng lương không?
Lúc ấy, tôi chỉ cười và hỏi một câu thế này: Nếu em thất bại với ý tưởng của em, liệu em có hoàn lại chi mà công ty đã chi ra để vận hành, triển khai ý tưởng ấy hay không?
Đoạn sau của cuộc hội thoại, tôi nghĩ rằng không cần thiết để kể ở đây nhưng tôi khá chắc rằng câu hỏi mà tôi dành cho bạn đã phần nào giúp bạn thay đổi hoàn toàn tư duy trong công việc. 1 năm sau đó, ý tưởng của bạn thành công. Bạn không những nhận được một khoản thưởng nóng, mà còn được thăng chức vượt cấp.
Kể lại câu chuyện này, tôi muốn bạn hiểu rằng đi làm văn phòng, đôi khi cũng nên chấp nhận mình phải bỏ công sức ra trước khi đòi hỏi được “đền đáp”. Một môi trường làm việc tạo điều kiện cho bạn thỏa sức sáng tạo, được làm những cái mới và trong suốt quá trình thử nghiệm đó, có leader đồng hành, tư vấn và hỗ trợ - tất cả những yếu tố này, tôi cho rằng chúng còn có giá trị hơn vài đồng tiền thưởng.