Hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2024 tại Astana, Kazakhstan
- Tổ chức SCO được thành lập với tư cách là một tổ chức chính trị, an ninh và kinh tế, ngày nay bao gồm các nước chiếm khoảng 60% diện tích Á - Âu và khoảng 3,4 tỷ người, một nửa dân số thế giới và chiếm hơn 20% thu nhập GDP toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã được tổ chức ngày 3 - 4/7/2024 tại Thủ đô Astana dưới sự chủ trì của Kazakhstan với khẩu hiệu “Tăng cường đối thoại đa phương - Phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững”.
Tham gia hội nghị có các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên gồm Kazakhstan, Iran, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan, Uzbekistan và Ngoại trưởng Ấn Độ (Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vắng mặt vì thăm Liên bang Nga).
Đây là Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 của SCO và lần thứ tư được tổ chức tại Astana.
Belarus, Mông Cổ, Azerbaijan, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, Tiểu vương Ras Al-Khaimah (UAE) , Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres là khách mời của Hội nghị. Đây là Hội nghị thượng đỉnh SCO đầu tiên được tổ chức theo hình thức “cuộc họp của Hội đồng Nguyên thủ các nước thành viên SCO” và cuộc họp “SCO Plus”.
140 sự kiện, 25 văn bản được ký kết
Các cuộc thảo luận của hội nghị không chỉ có sự tham gia của nguyên thủ các quốc gia thành viên mà còn có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani, Người đứng đầu Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) Sergei Lebedev và Tổng thư ký Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) Imangali Tasmagambetov. Khách mời danh dự là Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.
Hội nghị đã thành công tốt đẹp với hơn 140 sự kiện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau được tổ chức. Một trong những sự kiện quan trọng của hội nghị thượng đỉnh Astana là lễ ký kết các văn kiện liên quan đến việc Belarus gia nhập SCO, trở thành thành viên chính thức thứ 10 của tổ chức này.
Nguyên thủ các nước thành viên SCO đã ký 25 văn kiện. Đặc biệt, hội nghị đã thông qua sáng kiến “Thống nhất toàn cầu vì công bằng, hòa hợp và phát triển”, Chiến lược phát triển SCO đến năm 2035, Chiến lược chống ma túy giai đoạn 2024 - 2029, Chương trình hợp tác chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan giai đoạn 2025 - 2027 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế SCO đến năm 2030.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Astana, chiến lược phát triển hợp tác năng lượng đến năm 2030 do người đứng đầu các cơ quan năng lượng nhất trí tại cuộc họp SCO ở thủ đô Kazakhstan vào tháng 6, đã được phê duyệt. Theo quyết định của Hội đồng Nguyên thủ các nước thành viên SCO, thành phố Thanh Đảo của Trung Quốc được tuyên bố là Thủ đô du lịch và văn hóa của Tổ chức trong giai đoạn 2024 - 2025.
Kết thúc hội nghị, các bên tham gia đã ký Tuyên bố Astana về các nguyên tắc láng giềng tốt đẹp, tin cậy và hợp tác, Tuyên bố về nước uống An toàn và vệ sinh, Tuyên bố về quản lý chất thải hiệu quả, Thỏa thuận giữa Chính phủ các nước SCO về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác.
Tuyên bố nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên tham gia SCO trong việc hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng dựa trên vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và mong muốn của các quốc gia có chủ quyền về quan hệ đối tác cùng có lợi.
Tuyên bố cuối cùng của hội nghị Astana kêu gọi phi quân sự hóa không gian, tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, tuân thủ nghiêm ngặt Công ước cấm phát triển và sản xuất vũ khí sinh học và độc hại, đồng thời cải cách toàn diện cơ chế hệ thống Liên hợp quốc nhằm tăng cường quyền lực của tổ chức này.
Các nước SCO coi việc chống tội phạm xuyên biên giới là một trong những lĩnh vực hợp tác chính.
Bước tiến tới trật tự đa cực
Sáng kiến "Thống nhất toàn cầu vì công bằng, hòa hợp và phát triển" được coi là một bước tiến tới một trật tự đa cực. Sáng kiến này nhằm phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực ổn định và an ninh, chủ yếu ở khu vực Á - Âu, đảm bảo điều kiện tăng trưởng bền vững cho tất cả các nước, bất chấp sự khác biệt về hệ thống chính tri, tôn giáo và văn hoá.
Một hệ thống an ninh toàn cầu mới, sự chuyển đổi sang tiền tệ quốc gia trong thanh toán quốc tế và việc Belarus gia nhập SCO là những kết quả nổi bật của hội nghị thượng đỉnh Astana.
SCO và những lần mở rộng
SCO hiện bao gồm 4 cường quốc hạt nhân là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và tất cả các quốc gia thành viên của CSTO. Sau hơn 20 năm phát triển, SCO đã chuyển từ tổ chức mang tính chất khu vực trở thành tổ chức quốc tế toàn diện lớn nhất.
Kể từ khi thành lập ngày 15/6/2001 tại Thượng Hải bởi 6 quốc gia Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, với việc ký kết điều lệ hoạt động của tổ chức, trong đó các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của tổ chức được xác định tại hội nghị thượng đỉnh Petersburg năm 2002, tổ chức này đã tìm cách mở rộng hơn nữa thông qua việc kết nạp các thành viên mới, thu hút sự tham gia của các quốc gia quan sát viên và các quốc gia là đối tác đối thoại.
Lần mở rộng đầu tiên nhằm nâng cao ảnh hưởng của tổ chức này trên trường quốc tế, bằng việc Ấn Độ và Pakistan tham gia với tư cách thành viên chính thức trong hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 9/6/2017 và Iran gia nhập tổ chức này năm 2023 trong hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Ấn Độ bằng hình thức trực tuyến do đại dịch Covid 19. Mới đây nhất, tại hội nghị thượng đỉnh Astana, Belarus đã được chính thức kết nạp trở thành thành viên thứ 10 của SCO.
Ngoài 10 quốc gia thành viên đầy đủ, SCO hiện có 2 nước tham gia với tư cách quan sát viên là Afghanistan và Mông Cổ. Ngoài ra, đến nay, còn có 14 nước khác tham gia tổ chức này với tư cách “đối tác đối thoại” gồm Qatar, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Maldives, Armenia , Azerbaijan, Campuchia, Myanmar, Nepal và Sri Lanka.
Tổ chức SCO được thành lập với tư cách là một tổ chức chính trị, an ninh và kinh tế, ngày nay bao gồm các nước chiếm khoảng 60% diện tích Á - Âu và khoảng 3,4 tỷ người, một nửa dân số thế giới và chiếm hơn 20% thu nhập GDP toàn cầu.
Theo dữ liệu từ “Báo cáo phát triển thương mại 20 năm của SCO, tổng giá trị thương mại của các quốc gia thành viên đã tăng từ 667,09 tỷ USD năm 2001 lên 6,06 nghìn tỷ USD năm 2020 và tỷ trọng của họ trong tổng thương mại toàn cầu đã tăng từ 5,4% năm 2020 lên 17,5% năm 2021. Tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia thành viên đạt khoảng 23,3 nghìn tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu. Thương mại giữa các quốc gia thành viên cũng tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua, đạt gần 500 tỷ USD cuối năm 2022.
Phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev nói: “Trong gần một phần tư thế kỷ qua, Tổ chức hợp tác Thượng Hải đã trở thành một cơ chế quan trọng trong hệ thống quan hệ quốc tế và đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo phát triển bền vững và tiến bộ chung trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa trên toàn bộ lục địa Á - Âu. Chúng ta đã cùng nhau biến SCO trở thành một trong những cấu trúc quốc tế có ảnh hưởng và thẩm quyền nhất”.