Không phải ngẫu nhiên mà Bố Già trở thành cái tên "nổi như cồn" trên thị trường web drama Việt thời gian gần đây. Sở hữu kịch bản "lắm hài nhiều bi" cùng dàn diễn viên, khách mời xịn xò bậc nhất showbiz Việt, ngay từ tập đầu tiên cho đến tập cuối cùng, Bố Già chưa khi nào khiến khán giả thôi rung động vì những bài học nhân sinh quý giá.
Muôn vàn ý vị cuộc sống được gửi gắm qua từng lời nói của các nhân vật, đặc biệt là trong những lời "gan ruột" từ ông Tư (Trấn Thành) - một người ba gia trưởng, cộc cằn nhưng luôn thương yêu vợ con hết mực.
1. Đúng là cái thứ cần cù thêm ngu dốt thành ra phá hoại. - ông Tư
Một trong những đặc trưng dễ dàng nhận diện nhất ở ông Tư ( Trấn Thành ) có lẽ chính là sự cộc cằn, thô lỗ. Tuy là hơi khó nghe nhưng những lời nói của ông luôn rõ ràng và thực tế, ví dụ như việc ông tức thay cho vợ mình khi bà cả năm đi làm vất vả rồi bị một phút ngu muội bỏ tiền vào đề đóm mà bao công sức đổ bể.
2. Có bao nhiêu cách để kiếm tiền, tại sao lại chọn đánh đề? - ông Tư
Ông Tư làm xe ôm, bà Tư (Lê Giang) làm người giúp việc. Dù nghèo khó nhưng ông luôn cảm thấy hãnh diện vì những đồng tiền chính đáng mà vợ chồng mình làm ra có thể nuôi hai con ăn học. Đó chính là lí do khiến ông đau đớn khi biết vợ mình vì khốn khổ mà sa chân vào cờ bạc.
3. Nghèo nó thường xui lắm - dì Sáu (NSND Ngọc Giàu)
Đây là một trong những câu nói thấm thía nhất của web drama Bố Già. Nhìn vào hoàn cảnh gia đình ông Tư, dì Sáu ( NSND Ngọc Giàu ) bất lực cảm thán về sự nặng nề của cái nghèo.
4. Mày chưa biết ngoài đời người ta đối xử với nhau thế nào đâu mà đòi đi làm, ráng học nốt cấp 3 lên đại học lấy bằng rồi muốn làm gì thì làm. - ông Tư
Khi con gái một mực muốn ra ngoài kiếm tiền phụ giúp ba mẹ, ông Tư đã quyết liệt cấm cản vì cho rằng việc đi làm thêm sẽ khiến con gái xao nhãng chuyện học hành. Đỉnh điểm là khi ông đã đánh con vì cho rằng cô đi làm gái kiếm tiền.
5. Cái gia đình này tao với má tụi bay đã cực rồi thì để tụi tao đi làm, nhiệm vụ của tụi bay là ăn học, năm sau mày ra trường, nhỏ này vô đại học, học hành cho đàng hoàng rồi cầm tấm bằng cho gia đình này nở mày nở mặt, chấm hết. - ông Tư
Động lực sống lớn nhất của ông bà Tư chính là hạnh phúc của hai đứa con. Hàng ngày họ vất vả bươn chải với cuộc sống cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là làm sao cho hai con của mình được ăn học đầy đủ, bằng bạn bằng bè. Vì thế, ông bà Tư không bao giờ muốn vì mình mà chuyện học hành của chúng bị ảnh hưởng.
6. Mình ít học mà, mình thô lỗ mà, nhưng được cái đạo đức luôn lề lối. - ông Tư
"Đói cho sạch, rách cho thơm", đó là lẽ sống đáng ngưỡng mộ của ông Tư. Dù nghèo khó đến cơm cũng chẳng có mà ăn nhưng ông Tư vẫn sẵn sàng san sẻ khó khăn với những người có hoàn cảnh giống mình. Đặc biệt, ông chẳng nề hà việc mình sẽ bị trả thù mà ra mặt "xử lí" bọn cướp giật ở đường phố, cứu nguy cho một người ông vốn chẳng hề quen biết.
7. Con ích kỉ hay ba ích kỉ, từ nhỏ đến giờ có bao giờ ba hỏi con thích gì chưa, hay ba chỉ muốn con làm những gì mà ba muốn. - Sang (Tuấn Trần)
Chính vì ông Tư luôn "ngoài lạnh trong nóng" như vậy nên tâm tư của ông chẳng thể được con cái thấu hiểu. Người con trai của ông luôn "khắc khẩu" với ba mình đủ thứ chuyện. Sang ( Tuấn Trần ) không chấp nhận ép mình sống cuộc đời mà ba cậu mong muốn.
8. Tao là người đi trước mày, tao thất bại rồi nên tao muốn mày thành công, chứ tao ép mày làm cái gì? - ông Tư
Ông Tư vẫn luôn giữ vững quan điểm của mình. Ông cấm con trai theo đuổi đam mê làm ca sĩ cũng chỉ vì sợ con sẽ thất bại rồi lại nghèo khó như mình ngày trước.
9. Ba ơi, mình sinh con chứ không phải nhân bản một con người mà bắt nó phải làm cái này cái kia mình chưa làm được. - Sang
Và dĩ nhiên một chàng trai có cái tôi lớn như Sang sẽ không chịu im lặng trước sự bảo thủ của cha mình. Cậu cho rằng mỗi người có một cuộc sống riêng, người con không phải là người có nghĩa vụ phải tiếp tục ước mơ còn dang dở của cha mình.
10. Ở trên đời này không có chuyện gì thiếu tiền mà vui hết. - ông Tư
Ông Tư lý giải mọi điều bằng cái nghèo. Ông cho rằng nguyên do của tất cả mọi xích mích, cãi vã và khốn khó của cuộc sống đều bắt nguồn từ đồng tiền mà ra. Vì thế, nếu muốn thoát khổ, cách duy nhất mà ông làm và muốn các con của mình phải làm chính là kiếm tiền.
11. Ba nói không thích con đi làm ca sĩ chỉ là cái cớ, ba không muốn con nghèo như ba nữa. Nhưng ba không biết cách, bởi vậy mới cấm cản con như vậy. Ba ích kỉ quá. - ông Tư
Ngày con trai nằm trên giường bệnh và hấp hối giữa sự sống và cái chết cũng là ngày ông Tư nhận ra mình đã sai trong cách dạy dỗ con. Ông thừa nhận trong nước mắt rằng mình đã thương con theo cách ngược đời khiến con phải chịu khổ vì chính tình yêu thương của cha mình.
12. Ba, ba nghỉ làm đi, con nuôi. - Sang
Mặc dù luôn khắc khẩu với ba nhưng Sang là người thương ba mình hơn bất kì ai. Nhìn thấy ông Tư vất vả dành dụm từng đồng một, Sang nói ông hãy nghỉ làm để mình phụng dưỡng. Chưa biết câu nói có sớm thành sự thật hay không nhưng ông Tư hẳn là hạnh phúc biết nhường nào vì sự quan tâm mà con trai dành cho mình.
13. Con người ta dễ tha thứ cho người ngoài, dễ nổi nóng với người nhà, vậy là sai. - chị Phương (Khả Như)
Nhân vật chị Phương của Khả Như tuy không biết điều nhưng lại nói một câu ghim sâu vào lòng khán giả: "Con người ta dễ tha thứ cho người ngoài, dễ nổi nóng với người nhà, vậy là sai." Đó cũng chính là tính cách của ông Tư, một người cha luôn thương con bằng những hành động lộn ngược khiến khoảng cách tình phụ tử càng ngày càng xa hơn.