Aron Ralston, sinh năm 1975 tại một vùng ngoại ô, bang Indiana, Mỹ. Lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác, anh tốt nghiệp và trở thành nhân viên cho một tập đoàn điện tử.
Tưởng như cuộc đời của anh sẽ diễn ra yên bình thế nhưng không ngờ đam mê khám phá thiên nhiên đã vô tình kéo anh đến những rắc rối, trong đó có tai nạn để đời vào năm anh 28 tuổi.
Aron Ralston, chàng trai trẻ từ bỏ công việc ổn định để chạy theo tiếng gọi của con tim là chinh phục, khám phá những ngọn núi cao. (Ảnh Internet)
Hành trình để đời
Anh từng đặt ra mục tiêu cho mình là trở thành người đầu tiên một mình chinh phục 55 ngọn núi ở bang Colorado, Mỹ trong mùa đông, trong đó ngọn núi cao nhất có độ cao lên tới 4270m.
Tháng 4 năm 2003, chàng trai trẻ quyết tâm tiếp tục theo đuổi và chinh phục mục tiêu lớn của đời mình. Anh tự lái xe một mình đến phía đông nam Utah, nơi có Công viên quốc gia Canyonlands. Sau đó, anh dùng xe đạp, sau lưng đeo theo chiếc balo nhỏ và bắt đầu hành trình để đời của mình.
Công viên quốc gia Canyonlands, nơi có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà Aron luôn ao ước được chinh phục. (Ảnh Wikipedia)
Mon theo đường mòn, chàng trai đạp một mạch 15km đến hẻm núi Bluejohn Canyon. Theo chia sẻ sau chuyến đi, anh dự tính sẽ mất khoảng 4h đồng hồ để vượt qua hẻm núi này.
Đến trưa, Aron lên tới đỉnh hẻm núi, trước mặt anh là một cái khe dài hơn 60m, sâu 23m và bề ngang khoảng 1m. Khi anh vừa nhảy sang bên kia, đứng lên một hòn đá nhìn khá vững chắc thì bỗng nhiên, tai nạn ập đến.
Aron bị trượt chân rơi xuống vực sâu, tảng đá hơn 300kg cũng bị đánh bật theo, rơi xuống đè trúng tay phải của chàng trai, khiến anh bị kẹp cứng không thể nào rút ra được.
Khe núi mà Aron mắc kẹt. (Ảnh Internet)
Chia sẻ trên báo chí, Aron thừa nhận sai lầm của mình là không hề cho ai biết về lịch trình của mình cũng như không mang theo điện thoại di động. Ở giữa vùng đất hoang sơ này, anh không biết phải kêu cứu và cầu đến sự giúp đỡ từ ai và như thế nào.
Trong chiếc balo Aron đeo trên vai, chỉ có bánh, một bình nước 4 lít, vài thanh kẹo, các dụng cụ sơ cứu như dao, bông băng, máy chụp hình, quay video, cuộn dây thừng và móc leo núi chuyên dụng. Những vật dụng này dường như không thể giúp gì anh. Aron cứ thế ăn và uống những món mình mang theo để cầm cự qua ngày.
Thời gian cứ thế trôi qua, tình trạng ngày càng một xấu đi. Do bị tảng đá lớn đè vào, cánh tay phải của anh bắt đầu bị hoại tử, nguồn lương thực và nước uống cũng dần cạn kiệt.
“Tôi hoàn toàn kiệt sức. Có những lúc rơi vào cơn mê sảng, tôi phải chiến đấu với 2 suy nghĩ trong đầu mình. Đó là 1 bên thì bảo tôi hãy tự sát đi, đây là nấm mồ dành cho tôi rồi, bên còn lại thì không ngừng nói tôi phải kiên cường lên, phải thật tỉnh táo, không được từ bỏ.” - Aron tâm sự.
Trải qua thời gian dài mắc kẹt với cánh tay phải bị hoại tử, Aron dần kiệt sức, có những lúc tưởng chừng như muốn bỏ cuộc. (Ảnh minh họa: Phim “127 giờ sinh tử”)
Phải uống nước tiểu, tự cắt đứt cánh tay của mình
Đến ngày thứ 5, bình nước Aron mang theo cũng không còn giọt nào, anh buộc phải uống nước tiểu của chính mình để duy trì hi vọng và sự sống. Lúc này, cánh tay bị tảng đá đè lên kia của anh cũng chẳng còn cảm giác.
Và chàng trai 28 tuổi đã đưa ra quyết định táo bạo, góp phần giải thoát cho chính bản thân anh. Sáng ngày thứ 6 bị mắc kẹt, anh đã tự cắt đứt cánh tay phải bị kẹt. Anh lấy dây thừng buộc chặt phần trên khuỷu tay để cầm máu, rồi dùng con dao cùn cắt bỏ phần da chết dưới khuỷu tay. Vì tay đã hoại tử từ mấy hôm nên anh chẳng cảm thấy gì.
Da, thịt, cơ và gân đều không vấn đề gì nhưng xương vẫn dính với nhau nên chẳng giải quyết được vấn đề. Lúc này, Aron quyết định tự bẻ gãy xương tay để thoát thân dù vô cùng đau đớn nhưng đó là cái giá tất yếu anh phải trả để đổi lại mạng sống!
Aron quyết định tự cắt đứt cánh tay đang bị tảng đá đè vào để giải thoát cho chính mình. (Ảnh minh họa: Phim “127 giờ sinh tử”)
Sau khi cưa đứt cánh tay bị tảng đá đè nặng, Aron hoàn toàn được giải thoát khỏi vách núi. Lúc này, anh dùng chút sức lực cuối cùng để đi tới khu vực khác, hi vọng gặp được sự giúp đỡ của người khác.
127 giờ sinh tử
Sau khi đi bộ hơn 8km, anh gặp một gia đình khách du lịch người Hà Lan và họ biết về sự mất tích của anh. Ngay sau đó, trực thăng đã được cử tới ứng cứu và đưa Aron đến bệnh viện.
Các bác sĩ cho biết nếu không được cứu thì nạn nhân sẽ chết sau khoảng 2 giờ đồng hồ nữa vì 38% lượng máu trong cơ thể đã mất.
Khi sức khỏe ổn định, Aron quay lại nơi xảy ra tai nạn, đội cứu hộ đã nhấc tảng đá và đem cánh tay đi hỏa táng rồi trao lại cho anh. Dù không còn được lành lặn, nhưng ít nhất anh đã trở về với gia đình, chiến thắng tử thần sau 127 giờ bằng sự dũng cảm vì nghị lực phi thường của mình.
Aron Ralston trở về, chiến thắng tử thần sau 127 giờ bằng sự dũng cảm và nghị lực phi thường của mình. (Ảnh Internet)
Câu chuyện về Aron Ralston chính là minh chứng rõ ràng cho việc vượt qua thử thách và ý chí kiên cường, không bỏ cuộc. Đã có những lúc, anh đã nghĩ tới cái chết, thậm chí dùng máy quay và ghi lại những lời trăn trối cho gia đình, thế nhưng sau cùng Aron Ralston đã chiến thắng số phận.
Năm 2010, các nhà làm phim đã tái hiện lại vụ tai nạn của Aron thông qua bộ phim “127 sinh tử” để người xem có thể hiểu và cảm nhận những khó khăn cũng như bài học rút ra khi đi du lịch, đặc biệt là du lịch mạo hiểm 1 mình của nhà leo núi trẻ.