12.000 năm trước, con người đã thuần thục kỹ nghệ câu cá với lưỡi câu, quả nặng và mồi giả tiên tiến

Kim |

“Khả năng sử dụng mồi giả cho thấy những hiểu biết chi tiết về hành vi và chế độ ăn của cá”.

Tại khu vực phía Bắc Israel vào khoảng từ 12.000 đến 15.000 năm trước, đã có những ngư ông sử dụng lưỡi câu, dây câu, quả năng và mồi giả để bắt cá. Những tưởng khoảng 10.000 năm trước khi nông nghiệp chớm nở, con người mới có thời gian rảnh để chế tác những công cụ phức tạp, nhưng hóa ra nghệ thuật câu cá đã tồn tại lâu hơn ta tưởng.

Một nhóm các nhà nghiên cứu đa quốc gia, dẫn đầu là giáo sư Antonella Pedergnana công tác tại Đại học Zurich đã phân tích một loạt những móc câu và những viên sỏi nhỏ tại vùng sông Jordan để có được phát hiện mới. Những lưỡi câu trong hình dưới đây được làm từ xương động vật, rất có thể là xương linh dương hoặc hươu, đầu lưỡi câu còn có ngạnh để giữ chắc mồi câu cũng như ngăn cá thoát đi một khi mắc vào lưỡi.

12.000 năm trước, con người đã thuần thục kỹ nghệ câu cá với lưỡi câu, quả nặng và mồi giả tiên tiến - Ảnh 1.

Lưỡi câu cổ đại.

Những quả nặng dưới dạng những hòn sỏi được làm chủ yếu từ đá vôi, được dùng để giữ cho dây câu được thẳng khi thả xuống nước. Các nhà nghiên cứu cho rằng những quả nặng được dùng kèm với một loại phao nguyên thủy, rất có thể là lông nhím. Thiết bị phao được đặt xa hoặc gần lưỡi câu, nhằm xác định lưỡi câu có thể với sâu tới đâu so với mặt nước.

Nhóm nghiên cứu không phát hiện ra dấu vết con người sinh sống tại khu vực khai quật, tuy nhiên có thể đây là “một khu vực người ta thường xuyên ghé thăm, để tận dụng nguồn tài nguyên đa dạng ở bờ sông”.

12.000 năm trước, con người đã thuần thục kỹ nghệ câu cá với lưỡi câu, quả nặng và mồi giả tiên tiến - Ảnh 3.

Lưỡi câu hơn chục ngàn năm tuổi.

Không có dấu hiệu nào cho thấy quả nặng và lưỡi câu được chế tác tại khu vực được khai quật. Theo nhóm các nhà khoa học giải thích, lưỡi câu và phao hiện hữu nhiều ở khu vực này có lẽ là vì chúng đều đã bị hỏng, và được các “cần thủ” quẳng sang một bên, hoặc có thể cá đã kéo đứt lưỡi câu khiến chúng nằm lại khu vực này.

Nhiều khả năng, những thợ câu cổ đại tới từ nền văn minh Natufian, sống trong khoảng thời gian từ 11.500 tới 15.000 năm trước tại vùng ngày nay là Bắc Phi và Ả-rập Xê-út. Họ đã sống đời định cư nhiều ngàn năm trước khi con người phát minh ra nông nghiệp. Nhìn vào kích cỡ đa dạng của lưỡi câu, ta có thể đoán họ bắt được vô số loài cá để nuôi sống gia đình và bộ lạc.

Dây câu có thể tới từ nguồn gốc thực vật, và nhìn vào hình dáng lưỡi câu, có thể đoán họ có sử dụng mồi câu nhân tạo, có lẽ là làm từ vỏ sò - thứ có thể dụ cá nhờ vẻ ngoài màu sắc.

Khả năng sử dụng mồi giả cho thấy những hiểu biết chi tiết về hành vi và chế độ ăn của cá”, các nhà nghiên cứu nhận định.

Dấu vết cổ xưa nhất của hoạt động câu cá có niên đại 40.000 năm. Những người cổ đại từng sinh sống tại đảo Timor, Đông Nam Á đã có thể đánh bắt cá bằng giáo và lưới. Lưỡi câu đầu tiên có tuổi đời khoảng 20.000 năm. Tuy nhiên, những mẫu lưỡi câu tìm thấy ở sông Jordan phức tạp hơn nhiều những lưỡi câu 20.000 năm tuổi.

12.000 năm trước, con người đã thuần thục kỹ nghệ câu cá với lưỡi câu, quả nặng và mồi giả tiên tiến - Ảnh 5.

Quả nặng được dùng để câu cá, tương tự cục chì được dùng trong dây câu ngày nay.

Thứ công nghệ tinh vi này thể hiện một bầu kiến thức sâu rộng về hành vi, môi trường sống của cá, cũng như chiến thuật bắt cá phù hợp với những tiến bộ công nghệ và nguồn tài nguyên sẵn có ở thời kỳ này”, nhóm nghiên cứu kết luận.

Nghiên cứu mới đã được đăng tải trên tạp chí khoa học có tiếng PLoS ONE.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại