GS Chung là một học giả của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là một chuyên gia về y học hô hấp – thành viên cao cấp trong Ban phòng chống dịch Quốc gia của Trung Quốc về tình hình dịch covid-19 và những dự đoán của ông.
Sau đây là 12 ý kiến của GS Chung dự đoán về những vấn đề liên quan giúp bạn đọc hiểu hơn về dịch bệnh trong bối cảnh mới.
1. Chưa đến lúc được bỏ thói quen đeo khẩu trang khi ra ngoài
Bây giờ không phải là lúc để có thể dừng việc đeo khẩu trang (khi đi ra ngoài). Tình hình trong và ngoài nước bây giờ rất khác. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thứ hai của dịch do các biện pháp rất quyết định, trong khi một số nước lớn khác vẫn đang trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát và vẫn đang trên đà tăng lên.
Điều này có nghĩa là xác suất lây truyền từ người sang người là rất cao và số trường hợp được xác nhận đang tăng rất nhanh.
Đeo khẩu trang vẫn là một phương tiện tự bảo vệ bản thân rất quan trọng, và còn quá sớm để đề xuất ý kiến không đeo khi ra ngoài. Tuy nhiên, ở những khu vực dịch bệnh không nghiêm trọng, những nơi có ít người hoặc những nơi trống không với không gian mở tự nhiên thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang.
2. Vũ Hán đã vượt qua được một cửa ải rồi (mở cửa), nhưng vẫn còn cửa ải tiếp theo
Khi Vũ Hán được dỡ lệnh phong tỏa, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền trung ương đã có hành động quyết đoán để kiểm soát tình hình và đồng thời kiểm soát giao thông đô thị ở Vũ Hán.
Nó đã rất thành công khi áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát hàng loạt ở nơi khác. Trong lịch sử phòng chống dịch bệnh, đây cũng là một kỳ tích.
Nhưng tình hình hiện tại vẫn còn hai việc quan trọng phía trước. Một là làm thế nào để kiểm soát và khống chế dịch bệnh khi mọi người đi làm trở lại, thứ hai là làm sao để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào.
Hiện tại, ở các nước ngoài vẫn đang ở đỉnh điểm của sự bùng phát. Một số thành phố lớn ven biển ở Trung Quốc, có quan hệ trao đổi giao thương chặt chẽ với nước ngoài, rất dễ dàng bị dịch xâm nhập và một số ổ dịch mới có thể xuất hiện. Điều này cũng cần phải thông qua các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát khác nhau.
3. Khả năng về nguồn dịch ở nước ngoài du nhập vào gây ra đợt bùng phát thứ hai ở Trung Quốc là rất nhỏ
Nhiều người băn khoăn rằng có rất nhiều người nước ngoài trở về hoặc đến Trung Quốc có thể mang mầm bệnh, liệu có thể gây ra sự lây truyền trong cộng đồng và gây ra sự bùng phát thứ hai ở Trung Quốc hay không?
Viện sĩ Chung cho rằng, đây thực sự là hai vấn đề, một là liệu các trường hợp "nhập khẩu" về nước có làm lây lan hay không, và vấn đề còn lại là liệu có bùng phát thành dịch trong quá trình lây lan hay không.
Nguy cơ lây truyền bệnh từ các trường hợp "nhập khẩu" ở nước ngoài về thì luôn tồn tại, đặc biệt trong trường hợp đã xét nghiệm axit nucleic dương tính hoặc các triệu chứng nhiễm bệnh đã xảy ra, khả năng lây nhiễm tương đối mạnh và sẽ khiến virus lây lan.
Còn đối với nguy cơ sẽ gây ra một ổ dịch hay không, thì dự tính khả năng này là tương đối nhỏ. Bởi vì việc phòng ngừa và kiểm soát đã được tuyên truyền sâu sát vào cộng đồng và mỗi cư dân trong cộng đồng đang có ý thức tự bảo vệ mạnh mẽ, như đeo khẩu trang và giữ liên lạc với mọi người.
Một khi ai đó có các triệu chứng như sốt, họ có thể nhanh chóng báo cáo hoặc nhận chẩn đoán, và cách ly cô lập. Nhìn chung, chắc chắn có nguy cơ lây truyền từ cộng đồng, nhưng làn sóng bùng phát thứ hai ở Trung Quốc là rất khó xảy ra.
4. Vẫn còn quá sớm để nói về bước ngoặt (đỉnh) của đại dịch toàn cầu
Từ góc độ toàn cầu, "tâm chấn" của dịch bệnh ban đầu là ở châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha và Ý, và bây giờ bao gồm Đức, Pháp và Vương quốc Anh.
Vấn đề lớn nhất là Hoa Kỳ, nước đã gia tăng với tốc độ 10.000 hoặc 20.000 trường hợp mỗi ngày trong tuần gần đây nhất. Do đó, vẫn còn sớm để xem dịch bệnh đã đi vào bước ngoặt hay chưa.
Tại thời điểm này, nó phụ thuộc vào việc chính phủ có thể can thiệp mạnh mẽ hay không.
Có nhiều yếu tố không thể đoán trước ở các quốc gia khác, vì vậy sẽ khó hơn nhiều để tôi có thể dự đoán đỉnh dịch toàn cầu so với dự đoán đỉnh dịch tại Trung Quốc. Khi tình trạng này tiếp tục phát triển, tôi sợ sẽ mất thêm hai tuần nữa.
5. Tỷ lệ người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng ở Trung Quốc sẽ không quá lớn
Người bị nhiễm virus không triệu chứng không xảy ra một cách tự nhiên mà thường xuất hiện ở hai nhóm: một là ở những vùng có dịch bệnh tương đối nghiêm trọng, nhưng chưa có triệu chứng biểu hiện ra ngoài dù họ có thể đã bị nhiễm bệnh.
Nhóm thứ hai là những người có sự tiếp xúc gần gũi với các trường hợp đã được xác nhận nhiễm bệnh. Số lượng này hiện có tỷ lệ tương đối nhỏ.
Có hai khái niệm về người nhiễm virus không triệu chứng. Một là ban đầu không có triệu chứng, nhưng sau đó người bệnh sẽ dần dần phát triển thành triệu chứng. Nhóm người này chắc chắn có khả năng nhiễm cho người khác.
Còn loại thứ hai là nhóm người bệnh chúng tôi mới phát hiện ra gần đây. Trong một thời gian dài quan sát, họ không có triệu chứng, nhưng xét nghiệm axit nucleic là dương tính. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu về khả năng lây bệnh của nhóm này.
Tuy nhiên, theo đặc điểm của SARS-CoV-2, một khi các triệu chứng xuất hiện, khả năng lây nhiễm tương đối mạnh, do đó, việc cách ly nhóm người này để theo dõi chính là cách làm đúng đắn.
6. Hầu hết bệnh nhân "tái dương tính" không lây nhiễm
Khái niệm "tái dương tính" hay dương tính trở lại sau khi âm tính xảy ra đa số là các mảnh axit nucleic chứ không phải là bản thân virus.
Cần phải chú ý tới 2 yếu tố, một là bản thân người bệnh có phải là tái phát hay không, giả sử người bệnh sinh ra kháng thể rất mạnh, thì thông thường sẽ không thể tái nhiễm virus.
Về việc liệu các bệnh nhân thuộc nhóm dương tính trở lại có khả năng lây truyền cho người khác hay không thì cần phân tích cụ thể.
Thông thường, các mảnh axit nucleic không có tính lây nhiễm. Một số học giả đã nuôi cấy dịch tiết họng của bệnh nhân tái dương tính, nhưng đã không nuôi cấy ra được virus.
Trường hợp thứ hai, khá hiếm hoi, đó là bản thân bệnh nhân ban đầu có nhiều bệnh cơ bản (bệnh nền), chỉ là các triệu chứng đã được cải thiện nhưng họ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Những bệnh nhân này không thể loại trừ khả năng gây lây nhiễm (cho người khác).
Nói tóm lại là tôi không lo lắng quá nhiều về việc bệnh nhân tái nhiễm (dương tính trở lại) có khả năng lây truyền cho người khác hay không.
7. Không đủ bằng chứng để nói Covid-19 sẽ là dạng bệnh cúm mùa
Câu hỏi đặt ra là, liệu có hay không Covid-19 sẽ tồn tại lâu dài như là bệnh cúm mùa?
Đây là một trường phái tư tưởng, một luồng ý kiến. Cho đến hiện tại thì không có đủ bằng chứng để khẳng định điều này. Trừ khi virus này lây lan theo quy luật như thế này: khả năng lây nhiễm của nó vẫn còn mạnh, nhưng tỷ lệ tử vong càng ngày càng thấp hơn, trong trường hợp này, thì chúng (virus) có khả năng tồn tại lâu dài.
Do đó, bây giờ chúng ta cần thực hiện một quan sát/nghiên cứu dài hạn và nắm bắt đủ dữ liệu và mẫu bệnh/ca bệnh trước khi chúng ta có thể đưa ra một quan điểm như thế này. Trong tình hình hiện tại, tôi không nghĩ dự đoán này sẽ thành hiện thực.
8. Có hay không sự lây nhiễm giữa các loài động vật (giữa động vật và động vật) hiện còn quá sớm để đưa ra kết luận
Một số động vật, chẳng hạn như chó, mèo và hổ, đã được xét nghiệm cho kết quả dương tính với axit nucleic, cho dù nguyên nhân là do ô nhiễm hay bị nhiễm virus thì vẫn phải chờ nghiên cứu thêm. Một số động vật bản thân nó đã mang một số virus, có thể không có triệu chứng và có thể không truyền nhiễm.
Hiện tại người ta cho rằng Sars-CoV-2 có ở những động vật này có thể lây nhiễm cho cả người và động vật, và có thể gây bệnh. Kết luận như vậy vẫn là quá sớm, và tôi không nhìn nhận vấn đề theo cách đó.
9. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu, nhưng đã tìm ra một số loại thuốc có hiệu quả
Một số loại thuốc chúng tôi hiện đang thử nghiệm, chẳng hạn như chloroquine, kết quả của thí nghiệm hoàn toàn mang lại hiệu quả nên chúng tôi đang tổng kết lại và có thể sẽ sớm được công bố.
Ngoài ra còn có một số loại thuốc truyền thống của Trung Quốc, chẳng hạn như Lianhua Qingwen (Liên Hoa Thanh Ôn).
Chúng tôi không chỉ tiến hành thí nghiệm lập thể mà còn tìm thấy trong phòng thí nghiệm P3 (phòng thí nghiệm bảo vệ an toàn sinh học cấp ba) rằng tác dụng chống virus của nó không mạnh, nhưng hiệu quả chống viêm của nó rất vượt trội.
Kết quả thử nghiệm liên quan sẽ được công bố sớm.
Ngoài ra, còn có thuốc Xuebijing (Huyết Tất Tranh) của Trung Quốc. Thành phần chính của nó bao gồm hoa nghệ tây (hồng hoa), đan sâm, xích thược v.v., được sử dụng để thúc đẩy lưu thông máu và loại bỏ máu ứ, bước đầu có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nguy kịch. Hiện tại chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để tổng kết kinh nghiệm.
10, Chưa thể nhanh chóng đưa vắc-xin ra thị trường
Vắc xin rất quan trọng để có thể thực sự chấm dứt dịch bệnh. Hiện các quốc gia đang tiến hành nghiên cứu phát triển với tốc độ nhanh nhất có thể. Nhưng tôi không nghĩ rằng vắc-xin có thể được thực hiện trong ba hoặc bốn tháng.
Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm chiến đấu chống lại SARS, loại bỏ vật chủ trung gian cũng có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết chuỗi lây lan của Sars-CoV-2 là gì và điều quan trọng là phải cắt bỏ nó sau khi tìm ra nó.
Việc đặt tất cả hy vọng vào vắc-xin, mà không chú ý các phương pháp khác, là tiêu cực. Hơn nữa, sau khi vắc-xin ra đời, cũng không thể hoàn thiện ngay được. Những người nhạy cảm có thể được tiêm vắc-xin, nhưng không phải ai ai cũng cần tiêm vắc-xin.
11. Miễn dịch cộng đồng là cách tiếp cận/cách làm tiêu cực nhất
Cách tiêu cực nhất để đối phó với dịch bệnh là cái gọi là miễn dịch cộng đồng. Đây là ý tưởng từ hơn 100 năm trước. Vào thời điểm đó, con người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để virus lây nhiễm. Tôi không đồng ý với phương pháp này để đối phó với Covid-19.
Hơn 100 năm qua, nhân loại đã có những tiến bộ vượt bậc, có nhiều cách để phòng ngừa, không cần tiếp tục sử dụng cách miễn dịch tự nhiên, miễn dịch cộng đồng nữa.
12. Kinh nghiệm đáng giá nhất để chia sẻ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh chính là sự chấp hành
Trung Quốc đã đưa ra 2 biện pháp chính được thực hiện trong cuộc chiến với "đại dịch" này: một là phong tỏa và ngăn chặn các khu vực bùng phát để ngăn chặn sự lây lan, hai là phòng ngừa và kiểm soát ở nhóm cơ sở (phòng và chữa bệnh tại chỗ), đó là phòng ngừa chung và kiểm soát chung.
Hiện tại vẫn có hai điều cốt lõi trong phòng ngừa và kiểm soát, thứ nhất là giữ khoảng cách, và thứ hai là đeo khẩu trang.
Do đó, kinh nghiệm dễ chia sẻ nhất là sự chấp hành. Trình độ y tế và sức mạnh kỹ thuật của nhiều quốc gia cao hơn nhiều so với Trung Quốc.
Lý do khiến họ mất cảnh giác với dịch bệnh là vì họ không có sự chuẩn bị về ý thức hệ và không có biện pháp quyết định khiến nhiều nhân viên y tế tuyến đầu bị nhiễm bệnh.
Mà một khi tuyến đầu bị "vỡ trận" thì rất dễ dàng mất kiểm soát.
*Theo Health/Sohu