Rachel Jones hiện đang sống tại Goa, Ấn Độ, sau khi từ bỏ nghề y tá tại Mỹ. Cô đã chia sẻ về cảm xúc choáng váng khi lần đầu đi thử tàu chậm tại Mumbai.
Nỗi ác mộng mang tên "tàu chậm"
Mumbai có 11 triệu dân thì hàng ngày có tới 8 triệu người - tương đương với dân số của cả thành phố New York - đi làm bằng tàu chậm. Con số khủng khiếp ấy là lý do mỗi toa tàu luôn chật cứng với 4.500 người trên 9 toa, gấp gần 3 lần con số giới hạn 1.700 của nhà sản xuất.
Đi kèm với sự quá tải là những tai nạn thương tâm dường như đã thành "chuyện thường như cân đường hộp sữa" với người Ấn Độ.
Theo ước tính, trung bình mỗi năm có khoảng 600 người, đỉnh điểm lên tới 2.000 người thiệt mạng vì... rơi khỏi nóc tàu, bị điện giật khi ngồi trên nóc, băng qua đường sắt khi có tàu chạy qua, rơi từ trên tàu xuống do chen lấn xô đẩy hoặc tệ hơn là do tấn công khủng bố.
Vậy nên, nếu bạn có dịp sử dụng tàu chậm ở Ấn Độ, hãy ghi nhớ những quy tắc được chia sẻ trong bài viết này vì chính sự an toàn của bản thân!
Ga tàu cũng không còn một chỗ trống.
12 điều cần nhớ để có thể "tới đích" khi đi tàu chậm ở Ấn Độ
Dưới đây là những bí kíp để "sống sót" trên con tàu được xếp vào danh sách đông nhất thế giới này, được nữ phượt thủ Rachel Jones viết trên blog cá nhân Hippie in Heels:
1. Hãy quyết liệt! Bạn phải đẩy, đẩy và đẩy. Trước mặt bạn là những cô gái cực kỳ dễ thương? Hãy ghi nhớ bạn đang là một "chiến binh đi tàu" thực thụ, đừng để bị quyến rũ.
2. Luôn giữ tay trên không trung, không phải để... cùi chỏ người khác mà để giữ cho bản thân một chút không gian.
3. Đừng cố lên khi tàu đã bắt đầu chuyển động. Bạn sẽ bị đẩy bay đi ngay lập tức! Chỉ lên nếu bạn nằm trong nhóm những người đầu tiên, dòng người sẽ đẩy bạn vào vị trí. Cảm giác không khác một ngôi sao nhạc rock trong đám đông người hâm mộ lắm đâu. Nghĩ lạc quan thì là như vậy.
Đoàn tàu chật cứng người.
4. Đừng chờ mọi người xuống tàu rồi mới bước lên như bạn vẫn thường làm. Đây là cuộc chiến, bạn là một chiến binh và các chiến binh Ấn Độ thì không bao giờ biết đợi chờ. Nếu bạn cứ từ tốn thì không lên nổi tàu đâu!
5. Mặc kệ khi người khác cố gắng xuống tàu còn bạn lại đang tìm cách bò lên, đó không phải chuyện đáng lo. Việc của bạn là ở TRÊN tàu. Hoặc là cứ đứng mãi ở bến cả ngày mà cư xử lịch thiệp với tốt bụng.
6. Nhưng chắc chắn bạn cũng sẽ cần xuống tàu và nếu ai cũng cư xử như hai lời khuyên trên thì cũng khá khó khăn đấy nhỉ?
Tin tôi đi, bạn phải đưa ra một trong những quyết định khó nhất trần đời: hoặc là đứng sâu phía trong toa tàu, tránh được xung đột trong dòng người lên xuống ở mỗi điểm dừng, nhưng vật lộn tìm cách xuống khi tới lượt bạn; hoặc chấp nhận chịu khổ đứng chiếm vị trí sát cửa trong suốt 30 phút.
Rất nhiều người đã từng rơi từ trên tàu xuống.
7. Nếu là nữ, bạn có thể đi toa dành riêng cho phụ nữ. Nhưng cũng chẳng khá hơn chút nào trong những giờ cao điểm đâu...
8. À bạn có thể mua vé hạng nhất nữa, nhưng cũng chẳng khá hơn đâu. Tôi đã đề cập chuyện giá vé đi từ sân bay tới Churchgate chỉ là 7 rupees (tương đương 2,5 nghìn đồng) trong khi đi taxi mất khoảng 8 USD (tương đương 182 nghìn đồng) cho quãng đường tương tự chưa?
9. Đi trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 4 giờ chiều để tránh giờ cao điểm nếu bạn quá sợ hãi. Nếu không thì cứ đi thôi, thế nào rồi bạn cũng sẽ quen thôi. Tôi đi tàu chậm khoảng 5 lần khi tôi ở Ấn Độ, giờ có trở lại tôi cũng sẽ không gặp vấn đề gì.
Một số khác rơi trên nóc xuống hoặc bị điện giật thiệt mạng.
10. Bổ sung một điểm thú vị: Nếu tới ga Churchgate vào buổi trưa, bạn sẽ gặp các Dabawallas! Họ là những người giao hàng phân phối tới 200.000 bữa trưa ở Bombay nhưng KHÔNG BAO GIỜ nhầm lẫn món của người này với người khác.
11. Sẽ không có nhiều người phương Tây trên tàu chậm, đặc biệt trong giờ cao điểm... Đừng ăn mặc khiêu gợi quá nếu không muốn thành tâm điểm thu hút những ánh mắt thèm muốn từ đàn ông và bất bình từ phụ nữ.
12. Nếu bị khuyết tật hoặc ung thư, bạn có thể ngồi trong khu vực đặc biệt.