Khi Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 diễn ra, Ban tổ chức có những hoạt động về công tác phòng chống doping thế nhưng vẫn có môn thể thao xảy ra trường hợp đáng tiếc. Ảnh: MINH MINH
Theo thông tin SGGP có được, Ban kỷ luật về doping đối với các trường hợp dính chất cấm trong môn thể hình khi thi đấu Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 đã làm việc và sơ bộ đã ra các án cấm dành cho từng trường hợp. Khi văn bản được ký và quyết định ban hành thì án cấm sẽ được thực hiện. Dự kiến, văn bản trên sẽ được Liên đoàn cử tạ - thể hình Việt Nam ban hành tới đây.
Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022, Ban tổ chức Đại hội cùng Tiểu ban kiểm tra doping chọn môn thể hình là một trong những môn lấy mẫu kiểm tra doping. Hình thức lấy mẫu thực hiện đối với các trường hợp tuyển thủ đạt kết quả thành tích. 14 trường hợp được lấy mẫu thử doping và sau khi kiểm tra cho kết quả, 11 trường hợp trong số đó đã dính doping. Tuy nhiên, danh tính của từng trường hợp trên thuộc đơn vị nào được giữ kín đảm bảo đúng nguyên tắc bảo mật kết quả. Mặc dù vậy, khi án phạt sắp tới được Liên đoàn cử tạ - thể hình Việt Nam công bố, danh sách 11 VĐV dính doping sẽ được công khai.
Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 đã kết thúc ngày 21-12 năm ngoái. Theo quy trình, ngay khi có kết quả và có sự nghi vấn về doping, các thông báo đã được gởi tới đơn vị chủ quản có VĐV ở môn thể hình và cử tạ ở sự việc này. Từng người sẽ được quyền giải trình về nguyên do cũng như sẽ có những xem xét theo các mức độ vi phạm. Môn thể hình của Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 được tranh tài tại Hải Phòng. Ở kỳ Đại hội trên, có 12 đơn vị giành được huy chương (trong đó các đơn vị có HCV là Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, An Giang, Công an Nhân dân, Lâm Đồng, Hải Phòng, Khánh Hòa; các đơn vị không có HCV là Cà Mau, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đắk Lắk).
Về quy định ra án phạt đối với các VĐV thể thao sử dụng doping trong thi đấu, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL ngày 30-12-2015 để Quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao cũng ghi rõ khi có trường hợp VĐV dính doping thì sẽ thành lập Hội đồng gồm các thành viên theo trách nhiệm để đánh giá mức độ vi phạm doping. Từ kết quả trên, sẽ có kết luận về mức độ vi phạm của VĐV.
“Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận đánh giá mức độ vi phạm doping, cơ quan có thẩm quyền, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia ban hành Quyết định xử lý vi phạm bao gồm: Hình thức xử phạt, thời gian cấm tham gia hoạt động thể thao trên cơ sở đánh giá mức độ vi phạm và hình phạt bổ sung theo quy định của liên đoàn, hiệp hội; Quyết định xử lý vi phạm của liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia được gởi tới VĐV, Tổng cục TDTT, Trung tâm Doping và Y học thể thao và các cơ quan liên quan theo quy định chuyên môn về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao; Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia có trách nhiệm theo dõi và báo cáo định kỳ 6 tháng một lần về hoạt động tập luyện, thi đấu và công tác chuyên môn khác của VĐV trong thời gian bị kỷ luật”, Thông tư ghi cụ thể.
Theo tìm hiểu, mức xử phạt cao nhất có thể là cấm thi đấu 4 năm.