Bắt nạt học đường là hành vi bạo lực cực kỳ phổ biến, và xuất hiện ở mọi quốc gia. Khi còn đi học, hẳn đã vài lần bạn chứng kiển cảnh bắt nạt, thậm chí bạn cũng từng là nạn nhân bị bắt nạt. Sau này khi bạn đã có con, con bạn cũng có khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
Để ngăn chặn hành vi bắt nạt, điều quan trọng là phải hiểu tâm lý kẻ bắt nạt và nạn nhân, loại bỏ những quan niệm sai lầm và xác định các hình thức bắt nạt khác nhau. Dưới đây là 11 sự thật về bắt nạt mà mọi người nên biết.
1. Bắt nạt phổ biến hơn bạn nghĩ
Một nghiên cứu cho thấy khoảng 20% thanh thiếu niên phải đối mặt với bắt nạt. Hầu như tất cả các vụ bắt nạt đều xảy ra ở trường và càng ngày càng có nhiều vụ bắt nạt diễn ra trên mạng hơn. Cách bắt nạt phổ biến là nói dối, lan truyền tin đồn thất thiệt.
2. Có nhiều lý do để bắt nạt
Một số đứa trẻ bắt nạt vì muốn trở thành “đại ca” trường học, một số đứa thì ghen tị với bạn bè, cũng có đứa trẻ bắt nạt hùa theo số đông. Đôi khi, trẻ bắt nạt vì chúng cũng từng là nạn nhân bị bắt nạt.
3. Bắt nạt có thể xảy ra với bất cứ ai
Thông thường, những kẻ bắt nạt nhắm đến đứa trẻ hiền lành, nhút nhát, trông yếu đuối và không có kỹ năng tự vệ, nhưng đây chỉ là những trường hợp phổ biến. Ngay cả đứa trẻ nổi tiếng, tự tin nhất trường cũng có thể là nạn nhân bị bắt nạt.
Điều quan trọng cần nhớ là trẻ em bị bắt nạt vì kẻ bắt nạt muốn nhắm vào chúng, vì thế dù có làm gì hay là ai thì vẫn không tránh khỏi rơi vào “tầm ngắm”. Trách nhiệm bắt nạt luôn luôn thuộc về những đứa trẻ thực hiện hành vi không đúng đắn. Bởi kẻ bắt nạt có quyền lựa chọn trở thành kẻ xấu, nhưng không ai lại lựa chọn làm nạn nhân hết. Hiểu được tâm lý này sẽ tránh được định kiến “đổ lỗi cho nạn nhân”. Bởi vẫn còn nhiều người cho rằng nạn nhân là kẻ xấu tính, đáng bị “ăn đòn” (không có lửa làm sao có khói).
4. Bắt nạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
Mặc dù bắt nạt thường được ghi nhận là xảy ra vào thời điểm cuối cấp tiểu học, sau đó cường độ ngày một cao ở khối trung học, nhưng thật ra bắt nạt đã có thể diễn ra ở cấp độ “mầm non”. Bắt nạt ở nơi làm việc đôi khi cũng diễn ra rất khắc nghiệt.
5. Có 6 kiểu bắt nạt
Bắt nạt không chỉ gói gọn trong hình ảnh một nhóm trẻ đang tấn công, đánh đập một đứa trẻ khác. Đó là kiểu bắt nạt bạo hành thể xác, hay bắt nạt về thể chất. Tuy nhiên, vẫn còn những kiểu bắt nạt khác như:
- Bắt nạt bằng lời nói: Dùng lời nói để chửi bới, nhục mạ nạn nhân.
- Bắt nạt trên mạng: Dùng hình ảnh sốc, đe dọa qua tin nhắn nhằm gây tổn thương nạn nhân trong thời gian dài.
- Bắt nạt định kiến: Nạn nhân thường là người có khác biệt với tập thể (chủng tộc, màu da, xu hướng tính dục, gia cảnh, tôn giáo...), kẻ bắt nạt sẽ tận dụng đặc điểm này để thóa mạ.
- Bắt nạt tình dục: Đụng chạm hoặc dùng lời nói nhắm vào cơ thể nạn nhân. Bắt nạt tình dục cũng dẫn đến tấn công tình dục. Nam hay nữ đều có thể bị tấn công tình dục.
- Xâm lược quan hệ: Là một kiểu bắt nạt ngầm, rất dễ bị bỏ qua. Những kẻ bắt nạt xâm lược quan hệ sẽ thao túng mối quan hệ xung quanh đứa trẻ (nói xấu, tung tin đồn), khiến chúng bị cô lập, tẩy chay. Kiểu bắt nạt này phổ biến ở các nữ sinh.
Nắm được các kiểu bắt nạt sẽ giúp phụ huynh, nhà trường phản ứng hiệu quả và nhanh chóng hơn, bởi rõ ràng có những kiểu bắt nạt không thể quan sát trực tiếp nhưng vẫn bào mòn tinh thần nạn nhân từng ngày.
6. Các kiểu bắt nạt thay đổi tùy theo giới tính
Học sinh nữ thì thường sử dụng kiểu bắt nạt xâm lược quan hệ hoặc bắt nạt trên mạng nhằm ngấm ngầm thao túng nạn nhân. Đối tượng của họ cũng thường là những nữ sinh khác.
Mặt khác, các nam sinh thường có xu hướng bắt nạt thể chất, tức là dùng nắm đấm nhiều hơn. Chúng cũng bốc đồng hơn và thích tận hưởng cảm giác chiến thắng sau trận ẩu đả.
7. Trẻ em khuyết tật bị bắt nạt nhiều hơn
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị bắt nạt cao gấp hai đến ba lần so với các bạn khác. Bắt nạt cũng khiến các em phải nghỉ học thường xuyên, vì dù có đến trường thì cũng không thể tập trung học tập mà sẽ liên tục bị quấy rầy.
8. Tình trạng bắt nạt không được ghi nhận đầy đủ
Nhiều đối tượng bị bắt nạt nhất quyết không báo cáo lại với nhà trường hoặc người thân. Có nhiều lý do khiến các em chọn im lặng, có thể vì thấy xấu hổ, sợ bị bắt nạt dữ dội hơn nếu lộ ra, hoặc nghĩ mình tự xử lý được. Các em cũng hi vọng nếu cứ mặc kệ, phớt lờ kẻ bắt nạt thì mọi chuyện rồi sẽ ổn.
Thật không may, nhiều hệ thống giáo dục không xây dựng một mô hình giải quyết vấn nạn bạo lực học đường hiệu quả, cha mẹ cũng chưa quan tâm đủ, từ đó trẻ dễ hình thành tâm lý “có nói cũng chẳng giải quyết được gì”.
9. Người ngoài cuộc thường ngó lơ
Thông thường, khi tình trạng bắt nạt xảy ra, vẫn sẽ có ít nhiều học sinh khác chứng kiến. Tuy nhiên, phản ứng chung là đứng yên và không làm gì cả. Vì thế, các phương án phòng chống bắt nạt cần phải hướng đến các “nhân chứng”, trao quyền cho người ngoài cuộc, để các em bên ngoài can thiệp kịp thời.
10. Bắt nạt để lại hậu quả nghiêm trọng
Nếu tình trạng bắt nạt không được giải quyết, các vấn đề khác có thể nảy sinh, như ảnh hưởng đến kết quả học tập, học sinh cũng có khả năng gặp vấn đề sức khỏe tinh thần, như trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí có cả ý định tự tử.
Cha mẹ và giáo viên tuyệt đối không được nghĩ rằng trải qua cảm giác bị bắt nạt sẽ giúp nạn nhân trở nên mạnh mẽ hơn. Ngoài mặt, các em có thể cố tỏ ra “sắt đá”, nhưng bên trong có lẽ đã vụn vỡ từ lâu.
11. Bắt nạt ảnh hưởng đến tất cả mọi người
Hành vi bắt nạt có thể ảnh hưởng đến cả kẻ “chủ mưu”, nhân chứng, bố mẹ của những đứa trẻ. Nhà trường và tất cả các phụ huynh khác có thể cũng phải chịu hậu quả gián tiếp.
Kết
Nếu bạn là các bậc phụ huynh và đang có con bị bắt nạt, hãy cố gắng lắng nghe và tìm cách giải quyết. Báo cáo hành vi bắt nạt với nhà trường thường là cách tốt nhất, nhưng hãy trao đổi với con để con cũng thoải mái với hướng giải quyết của bạn.
Điều quan trọng là trao quyền cho trẻ, để trẻ cảm thấy bản thân cũng có vai trò tích cực trong việc đi tìm phương án giải quyết, đừng xông xáo đến gặp hiệu trưởng và tự mình cáng đáng tất cả. Bị bắt nạt, trẻ sẽ cảm thấy bất lực vì lòng tự trọng bị xúc phạm. Là bậc cha mẹ, hãy giúp khơi dậy sự tin và năng lực làm chủ của trẻ, bởi đây là bước đầu tiên của hành trình chữa lành.