Tờ Mainichi dẫn lời ông Kazuyoshi Umemoto, chủ trì cuộc họp, nói rằng ngay từ đầu phiên họp ông đã quyết tâm thảo luận các lựa chọn khả thi để sớm đưa TPP vào hiện thực, trước khi các nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC ở Việt Nam vào tháng 11 tới.
“Thời gian không còn nhiều, vì thế chúng tôi rất hy vọng có thể đạt được càng nhiều kết quả càng tốt trong cuộc gặp này” - ông Umemoto - người được chỉ định là nhà đàm phán trưởng TPP của Nhật Bản - nói.
Hiện tại, TPP chỉ có thể có hiệu lực khi ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% GDP của 12 nước ký TPP ban đầu, chính thức thông qua thoả thuận. Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong số 11 nước, hy vọng sẽ đạt được một thoả thuận để thay đổi các yêu cầu nhằm đưa TPP vào thực thi, mà không phải xem xét lại nội dung của hiệp định, vì phải mất rất nhiều năm đàm phán mới có thể ký kết vào tháng 2.2016.
Tuy nhiên, một số nước muốn đàm phán lại về nội dung TPP, trong đó có cả vấn đề thuế quan. Một số nước mà đã đồng ý giảm bớt các quy định trong nước và mở cửa thị trường để đổi lấy việc tiếp cận thị trường khổng lồ của Mỹ, được cho là không muốn tiến tới thoả thuận mà không có sự tham gia của Mỹ.
Các cuộc đàm phán lần này dự kiến diễn ra ít nhất trong 2 ngày. Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại bên lề APEC hồi tháng 5 đã nhất trí “khởi động một quá trình đánh giá các lựa chọn để khẩn trương đưa TPP có hiệu lực”. Vào thời điểm đó, các bộ trưởng cho biết sẽ thảo luận cách thức tạo thuận lợi cho các thành viên tham gia ký kết.
Ông Nobutera Ishihara - Bộ trưởng phụ trách vấn đề TPP của Nhật Bản - phát biểu hôm 11.7 rằng, Nhật Bản muốn đẩy nhanh các cuộc thảo luận sớm thực thi TPP, bao gồm cả cách đưa Mỹ trở lại.
“Mặc dù TPP 11 có thể chấp nhận được, song các nước Châu Á vẫn muốn hướng tới thị trường Mỹ” - ông Ishihara nói, bổ sung rằng các cuộc thảo luận tại Hakone không phải là cuối cùng trước hội nghị APEC tháng 11. Các nhà đàm phán trưởng có thể gặp lại nhau vào tháng 9 tới.