Có bộ lông dày nhất trong thế giới động vật
Loài vật được nhắc đến ở đây là loài rái cá biển, loài này có thể được tìm thấy dọc theo các bờ biển của phía Bắc Thái Bình Dương và loài lớn nhất thuộc họ Chồn. Chúng có một bộ lông thuộc dạng dày nhất trong thế giới động vật với 250 ngàn cho tới 1 triệu chiếc lông cho mỗi inch trên da của chúng.
Có rất nhiều thứ thú vị khi nói về loài vật dễ thương này thế nhưng điều mà mọi người hay đề cập đến đó là chúng thường nắm tay nhau trong khi ngủ. Nhưng tại sao chúng lại làm thế?
Rái cá biển thường kết thành một cái “bè” khi chúng ăn, ngủ, nghỉ. Một cái “bè” như vậy thường có từ 2 cho đến cả trăm chú rái cá kết lại. Và để có thể giữ được một cái bè chắc chắn như vậy thì chúng thường nắm tay nhau. Bên cạnh đó nếu chỉ có một mình thì rái cá biển thường dùng các lá rong biển để cuốn mình lại để giữ cho chúng không bị trôi đi khỏi nơi sinh sống.
Rái cá có thể tung hứng đá điêu luyện như nghệ sĩ xiếc
Vì sao rái cá có thể tung hứng đá điêu luyện như nghệ sĩ xiếc?
Hành vi rái cá tung hứng hòn đá điêu luyện như nghệ sĩ xiếc thường thu hút sự chú ý của nhiều người khi gặp loài động vật thông minh này. Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra lý do đằng sau.
Đi tham quan sở thú, chúng ta thường tán dương, trầm trồ kinh ngạc khi bắt gặp những màn tung hứng đá điệu nghệ như nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp của rái cá. Chúng có thể vừa đứng hoặc nằm ngửa vừa tung hứng đá một cách hào hứng.
Thực ra, ít ai biết rằng đó là hành vi cơ bản của loài rái cá, kỹ năng cần thiết để chúng lấy thức ăn từ sò, trai, …
Các nhà khoa học mới đây đã đưa ra lời giải thích về hành vi độc đáo này của rái cá. Các nhà khoa học từ Đại học Exeter đã tiến hành nghiên cứu hành vi của 44 rái cá vuốt nhỏ châu Á và 6 rái cá lông mịn trong môi trường nuôi nhốt.
Trong khi thức ăn của rái cá vuốt nhỏ châu Á thường là cua và động vật có vỏ, thì rái cá lông mịn thích ăn cá.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số thử thách trước khi đưa ra kết luận. Họ dùng những quả bóng tennis có khoét lỗ để giấu thức ăn trong đó, hay chai lọ có nắp đậy lỏng lẻo, và hai khối xếp hình đặt chồng lên nhau kẹp vào thức ăn.
Bà Allison cho biết những thiết kế này bắt chước hành vi tìm kiếm thức ăn của rái cá. Ví dụ như rái cá phải tìm cách tách các viên gạch để lấy thức ăn tương tự như hành vi phá vỡ trai và nghêu sò ngoài thực tế.
Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy rái cá tung hứng đá nhiều hơn trước mỗi bữa ăn khi chúng đói bụng. Rái cá con và rái cá lớn tuổi tung hứng nhiều hơn những con rái cá trưởng thành đang nuôi con.
Mari-Lisa Allison, thuộc Đại học Exeter, là tác giả đứng đầu nghiên cứu cho biết động lực chính của hành động là thể hiện sự đói bụng và phấn khích khi thấy thức ăn ngon nhưng nguyên nhân cuối cùng cho hành vi này vẫn là một bí ẩn.
Mari-Lisa Allison cho biết: "Phát hiện quan trọng nhất của chúng tôi là rái cá tung hứng thường xuyên hơn trước khi được cho ăn. Do vậy, chắc chắn đây là hành vi biểu hiện sự đói bụng. Vẫn cần nghiên cứu kỹ hơn để điều tra mở rộng nguyên nhân về hành vi".
Ngoài ra, theo các nhà khoa học từ Đại học Exeter, việc tung hứng đá có thể giúp rái cá nhỏ tuổi học các kỹ năng cần thiết để lấy thức ăn từ con mồi như trai, sò …
Đối với rái cá lớn tuổi, đó có thể chỉ là một cách để giữ cho bộ não của chúng hoạt động
Bà Allison nói: "Chúng tôi đã đưa ra giả thuyết rằng rái cá con thực hiện hành vi để phát triển những kỹ năng tự tìm kiếm đồ ăn.
Khi chúng lớn lên, đạt đến độ chín và bắt đầu sinh sản thì thời gian, năng lượng của chúng dành nhiều cho việc nuôi dạy con cái, do đó chúng không chơi nhiều như trước. Ở rái cá già, chúng không còn trách nhiệm làm cha mẹ với con nên có thời gian, năng lượng để chơi đùa. Khi đó, rái cá cao tuổi thực hiện hành vi để luyện tập não bộ, ngăn ngừa lão hoá".