Các loại chim ăn thịt như đại bàng, chim ưng, cú, … đều dùng một bộ phận duy nhất để đi săn: móng vuốt. Thế nhưng, móng vuốt của một con kền kền giống như chân gà vậy. Móng vuốt của chúng không hề lớn và sắc nhọn, và vì thế kền kền không thể bắt con mồi bằng bộ móng vuốt như vậy.
Sự thật là kền kền dùng chân của chúng cho một mục đích duy nhất: để đi. Đúng vậy, đó không phải là vũ khí của chúng. Nhưng bàn chân này giúp chúng di chuyển và cân bằng tốt hơn những loài khác rất nhiều.
Ngược lại, mỏ của những loài chim ăn thịt khác đều không quá to. Những người đã cầm những loài vật này trong tay thường sẽ phải để ý tới móng vuốt của chúng nhiều hơn là mỏ. Nhưng đối với kền kền thì lại khác, bạn sẽ phải để ý tới mỏ của chúng nhiều hơn là móng vuốt.
Mỏ kền kền rất to và chúng dùng những chiếc mỏ to, dài và sắc này để xé thịt từ xác chết của các loài động vật khác như voi, hổ, sói, … Nhưng kền kền không thể bắt mồi với chỉ mỗi chiếc mỏ dài và khỏe, chúng phải bắt và giữ được con mồi trước tiên đã. Trong khi bộ móng vuốt của chúng lại không cho phép chúng làm như vậy.
Vậy câu trả lời là kền kền đã tiến hóa để trở thành một chuyên gia ăn xác chết thay vì một chuyên gia săn mồi. Chúng rất giỏi trong việc ăn xác chết, nhưng lại không phù hợp cho việc bắt con mồi còn sống.
Vì sao kền kền không bị ngộ độc khi ăn xác thối?
Hệ thống tiêu hóa của kền kền có thể dễ dàng xử lí các bệnh dịch như bệnh dịch hạch, bệnh dại, bệnh sốt ho, các loại độc tố, … và hầu hết các hiểm họa khác có thể gây nguy hiểm cho sự sống trên trái đất.
Có hai nhân tố chính giúp kền kền có được “miễn tử kim bài” này. Đầu tiên là dịch tiêu hóa trong dạ dày của chúng có độ PH rất thấp.
Điều này giúp kền kền có một dịch tiêu hóa cực mạnh để có thể làm hòa tan được tới 60% các loại độc tố. Chì là một trong những nguyên nhân hiếm hoi mà hệ tiêu hóa của kền kền không thể xử lí được. Hiếm tới mức cứ khi nào kền kền bị chết vì nhiễm độc, thì đó là do chì.
Nhân tố thứ hai trong “miễn tử kim bài” của kền kền là chúng có thể giữ 40% số độc tố không bị tiêu hủy còn lại ở trong dạ dày của mình. Chúng chỉ đơn thuần là bị giữ ở đó, không làm gì cả.
Kền kền thoải mái với điều đó. Có lẽ các loại vi sinh vật độc tính này cảm thấy rất khó chịu vì chúng không có được thứ mình muốn trong trường hợp này. Kền kền là vậy, chúng đơn giản là không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra còn một vài yếu tố khác giúp kền kền tránh được hầu hết các loại độc tố. Đã bao giờ bạn thắc mắc cổ của chúng không có lông chưa? Đó là bởi vì điều này sẽ giúp chúng tự do thò đầu mình vào những khu vực hôi thối trên xác con mồi mà không sợ bị các loài virus có hại bám vào lông. Ánh sáng mặt trời và mưa sẽ làm trôi đi những gì bám trên cổ một cách dễ dàng hơn.
Chân thì sao? Kền kền luôn phải đứng trên các xác chết và các loài vi sinh vật có hại có thể đi vào cơ thể chúng bằng con đường này. Kền kền làm việc này theo một cách vừa thú vị vừa khá … trớ trêu.
Chúng “ị” lên chính chân mình. Axit uric trong phân mạnh đến mức sẽ giết hết các vi khuẩn có hại bám trên chân của kền kền.
Tất cả những điều này tạo nên một hệ thống miễn dịch hoàn hảo cho kền kền, bất kể chúng ăn gì.
Kền kền và nạn săn trộm
Vì kền kền bị thu hút bởi xác động vật chết, chúng đã gián tiếp góp phần giúp đỡ các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và điều tra các vụ săn trộm bất hợp pháp.
Điều này đặc biệt đúng trong các vụ săn trộm voi và tê giác, vì những kẻ săn trộm thường chỉ cắt ngà voi hoặc sừng tê giác và để xác lại. Kền kền thường đánh hơi thấy xác chết mà bọn săn trộm để lại và bay quanh khu vực đó. Các nhà chức năng lợi dụng điều này để đánh dấu và phát hiện những vị trí có thú vật bị săn trộm.
Kền kền có nguy cơ tuyệt chủng
Một chuyện đáng buồn là số lượng của loài chim này đang bị giảm đi một cách đáng kể và có nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân chính được các nhà khoa học xác định vào năm 2003 là do một loại thuốc có tên là diclofenac, một loại thuốc có tác dụng chống viêm được sử dụng để điều trị cho các loại thú nuôi.
Khi thú nuôi được điều trị bởi loại thuốc này chết đi và kền kền ăn xác chúng, diclofenac sẽ xâm nhập vào cơ thể kền kền và làm hại thận của chúng. Do kền kền không có các loại enzim có thể phân hủy được diclofenac, nên loại thuốc này hủy hoại nghiêm trọng thận của chúng, và sẽ chết vài tuần sau đó.
Ăn phải xác chết bị bắn đạn chì cũng là một nguyên nhân khác. Chết do bị săn cũng góp phần đáng kể vào việc số lượng kền kền bị giảm đi.
Kền kền khoang cổ, còn gọi là Thần ưng Andes.
Loài vật này có thân hình đồ sộ, là loài chim bay được lớn nhất thế giới. Đã từng ghi nhận những cá thể Thần ưng Andes có chiều dài thân lên đến 2m, nặng 20kg, cánh 4,5m.
Chúng có tên khoa học là Vultur gryphus, thuộc họ kền kền Tân thế giới. Loài này phân bố ở Nam Mỹ trong dãy Andes, bao gồm các dãy núi Santa Marta. Ở phía bắc, phạm vi của nó bắt đầu ở Venezuela và Colombia, tiếp tục về phía nam dọc theo dãy núi Andes ở Ecuador, Peru, và Chile, thông qua Bolivia và phía tây Argentina Tierra del Fuego.
Mặc dù là kền kền, nhưng chúng không có quan hệ họ hàng gần với các loài kền kền Cựu thế giới, dù chúng có nhiều điểm giống nhau, đều ăn xác chết. Chúng là loài có khứu giác rất tốt, khác với kền kền Cựu thế giới, chỉ có thị giác tốt mà thôi.
Chúng định vị xác thối bằng việc phát hiện mùi của ethyl mercaptan, một chất khí do xác chết đang phân hủy tỏa ra. Thần ưng Andes là loài chim bay được lớn nhất thế giới, với chiều dài thân trưởng thành 1,3m, nặng 13kg, sải cánh dài tới 3m.
Clip nguồn youtube. Vì sao kền kền không bị ngộ độc khi ăn xác thối?
Có một loại kền kền có thể ngửi thấy mùi xác chết trong không khí từ cách vị trí của nó hàng km, đó là loài kền kền Thổ Nhĩ Kì. Kền kền Thổ Nhĩ Kì có thính giác nhạy bén vào loại bậc nhất trong thế giới động vật.
Và có một loài kền kền khác thường rất hay “đi chung” với kền kền Thổ Nhĩ Kì để tìm kiếm thức ăn, loài kền kền đen. Kền kền đen lại có thính giác rất kém. Chúng gần như không thể đánh hơi. Vì thế, chúng thường bay ở phía trên cao, cách vài trăm mét so với kền kền Thổ Nhĩ Kì.
Khi một con kền kền Thổ Nhĩ Kì đánh hơi thấy mùi thức ăn, kền kền đen thường bay theo và chiếm lấy thức ăn của kẻ đã đánh hơi được. Kền kền đen làm được điều này vì chúng hung dữ hơn. Vì thế kền kền Thổ Nhĩ Kì thường phải chia sẻ thức ăn của mình với kẻ mới đến.
Đôi lúc chúng sẽ phải đợi cho tới khi những con kền kền đen hoàn thành bữa ăn của mình rồi mới được ăn. Kền kền Thổ Nhĩ Kì không để ý chuyện này mấy, bởi vì đôi lúc kền kền đen sẽ vào vai kẻ bảo vệ nguồn thức ăn của chúng. Mối quan hệ này tuy kì lạ nhưng lại rất vững bền, vì cả hai bên đều có lợi.