Lươn Protoanguilla Palau
Loài lươn mới phát hiện này có tên khoa học là Protoanguilla Palau, chuyên sống trong hang động dưới đáy Thái Bình Dương được xem là "hóa thạch sống" vì những đặc tính nguyên thủy của nó.
Con lươn cái dài 18cm đã được một trong các nhà nghiên cứu phát hiện khi lặn xuống một hang động dưới đáy biển của nước Cộng hòa Palau.
Để phân loại loài động vật mới này, các nhà nghiên cứu phải tạo ra một hệ, chi và loài mới, đồng thời đặt tên cho nó theo tiếng Latin là Protoanguilla Palau. Nhóm nghiên cứu đã phác thảo một "gia phả" gồm nhiều loài lươn khác nhau để cho thấy mối quan hệ giữa chúng. "Gia phả" cũng cho phép họ ước lượng được thời điểm tổ tiên của loài Protoanguilla Palau trên tách ra từ các loài khác.
Kết quả nghiên cứu khẳng định, gia đình mới này đã tiến hóa độc lập trong 200 năm qua, có nguồn gốc đầu thời Trung Sinh, khi khủng long bắt đầu thống trị hành tinh.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, dòng Protoanguilla chắc hẳn phải phân bố rộng rãi hơn, vì các hang động nơi chúng sinh sống đã có tuổi đời từ 60 - 70 triệu năm.
Chuột đá Lào
Loài chuột đá Lào được giới khoa học về động vật trên thế giới kết luận đã bị tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm, nhưng các nhà nghiên cứu công bố, nay chúng vẫn… còn sống. Nó có tên khoa học: Laonastes aenigmamus, thuộc giống Lazarus.
Chuột đá Lào có một chiếc đầu khá lớn cùng chiếc đuôi rậm lông đặc trưng. Một chú chuột đá Lào dài khoảng 26 cm (tính cả chiều dài đuôi), nặng khoảng 400g.
Chúng thường sống trên các mỏm núi đá thuộc tỉnh Khammouan (Lào) và thỉnh thoảng ở một số vùng thuộc Việt Nam. Thức ăn yêu thích của chúng là lá cây, cỏ và đặc biệt là các loại hạt. Đôi khi, chúng cũng đổi món sang côn trùng.
Một năm sau, nhóm nghiên cứu của nhà khoa học Dawson đã tiến hành so sánh các đặc điểm hình thái của loài thú mới này với các hóa thạch gặm nhấm cổ đại. Nghiên cứu khoa học phát hiện rằng, Chuột đá Lào chính là đại diện còn sống duy nhất của họ thú cổ Diatomyidae đã bị tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Bởi vậy, Chuột đá Lào được xem là “hóa thạch sống” của họ Diatomyidae.
Đến tháng 9/2011, FFI thông báo đã phát hiện Chuột đá Lào ở vùng rừng núi của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (địa phận xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) và đây là “thủ phủ” của chúng. Công bố này là một bí ẩn gây chấn động khoa học nghiên cứu động vật và mọi ánh mắt bắt đầu đổ dồn về Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.
Nhưng các kết quả phân tích so sánh đặc điểm hình thái (chiều dài các bộ phận cơ thể như đuôi, thân đầu, sọ, xương chẩm…) và các xét nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu khác, nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, quần thể chuột đá ở Phong Nha – Kẻ Bàng là loài mới, mặc dù đều cùng một giống Laonastes nhưng độc lập với Chuột đá Lào.
Do đó, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã đặt tên cho loài thú huyền bí này là “Chuột đá Trường Sơn” (Annamite Rock Rat) để khẳng định sự khác biệt đó.
Theo các nhà khoa học Việt Nam, loài Laonastes aenigmamus còn được xem là một hiện tượng "hiệu ứng hồi sinh" (lazarus effect) của họ Diatomyidae. Hiệu ứng hồi sinh là một hiện tượng liên quan đến các phát hiện hóa thạch sinh vật, nói về sự tái xuất hiện của một bậc phân loại sau một thời gian dài hàng triệu năm không có ghi nhận và được xem là đã bị tuyệt chủng.
Việc phát hiện ra chuột đá Trường Sơn, đại diện sống của họ Diatomyidae bị cho là tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm là một ví dụ điển hình về hiệu ứng hồi sinh rất hiếm gặp ở các loài thú.
Cóc tía Ấn Độ
Các nhà sinh học vừa phát hiện ở miền Tây Ấn Độ một loài cóc mới màu tím có chiếc mũi nhọn, mắt nhỏ xíu và có một quá khứ di truyền ấn tượng. Con vật mập mạp dài 7 cm được gọi là Nasikabatrachus sahyadrensis.
Theo các nhà khoa học, N. sahyadrensis không phải là con cóc bình thường. Xét về mặt tiến hoá, nó thuộc dòng dõi hoàng tộc, tức là đại diện cuối cùng của loài cóc đã nhảy quanh chân khủng long vào kỷ Phấn trắng hơn 65 triệu năm trước đây.
Loài cóc này có chung đặc điểm gene với sooglossid, họ nhà cóc nhỏ hiện sống tại Seychelles, Ấn Độ. Sự giống nhau về gene này ủng hộ giả thuyết rằng hàng triệu năm trước đây, tổ tiên của cả hai loài cóc sống ở siêu lục địa Gondwana. Về sau, Gondwana phân tách thành hai mảng thạch quyển lớn, một bên gồm châu Phi và Nam Mỹ, một bên gồm Australia, Nam Cực và Indo-Madagascar. Tổ tiên của N. sahyadrensis và sooglossid sống ở Indo-Madagascar.
Vùng đất lớn này lại tiếp tục phân chia và hình thành nên Ấn Độ và các hòn đảo ở Ấn Độ Dương. Tại đó, hai loài cóc lại tiến hoá độc lập dựa theo môi trường sống của chúng.