Kết quả nghiên cứu cho thấy: Quạ gáy xám (có vét lông xám ở gáy) sẽ bay trở về tổ nhanh gấp hai lần khi nhận biết được mối nguy hiểm đến gần trong lần thứ 2.
Quạ gáy xám phương Tây (danh pháp khoa học: Coloeus monedula) còn được gọi là quạ gáy xám châu Âu, quạ gáy xám Á - Âu hay đơn giản là quạ gáy xám là một loài chim thuộc chi Coloeus, trước đây được coi là một phần của chi Quạ.
Được tìm thấy ở hầu khắp châu Âu, phía đông châu Á và bắc châu Phi, loài chim này là loài hầu như không di trú mặc dù những con chim thuộc loài này sống ở phương bắc và phương đông sẽ di cư xuống phương nam vào mùa đông.
Quạ gáy xám có khả năng nhớ được người nào đó
Cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Exeter cho rằng loài chim có tính xã hội cao (sống theo bây đàn) này có khả năng nhớ được một người nào đó nếu như họ tiếp cận tổ của chúng lần nữa.
Trong nghiên cứu này, một người đàn ông lạ mặt đã tiếp cận tổ của quạ gáy xám, cùng lúc đó, các nhà khoa học đã phát bản ghi âm của lời gọi cảnh báo và lời gọi tương tác thông thường giữa loài chim này với nhau.
Kết quả cho thấy, trong lần kế tiếp nhìn thấy người đàn ông trước đó, những con quạ gáy xám nghe được lời gọi cảnh báo liền có thái độ phòng thủ và ngay lập tức bay trở về tổ của nó với tốc độ nhanh gấp hai lần tốc độ bay trung bình của loài chim này.
Trong khi đó, những con chim nghe được lời gọi tương tác thông thường (không cảnh báo) vẫn bay trở về tổ của chúng nhưng lại mất nhiều thời gian hơn – mất 63% thời gian so với những con mà không nghe bất kỳ lời nào. Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí khoa học danh tiếng “Royal Society Open Science”.
“Một trong những thách thức lớn nhất đối với nhiều loài động vật đó là việc phải sống như thế nào cùng với loài người. Con người có thể cho nhiều lợi ích như cung cấp lương thực cho chúng nhưng trong nhiều trường hợp, con người cũng là một mối đe dọa”, tác giả của công trình nghiên cứu, đồng thời là tiến sĩ đến từ trường Đại học Exeter, bà Victoria Lee cho hay.
“Khả năng phân biệt giữa những người nguy hiểm và người vô hại đối với chúng sẽ là một lợi thế đối với chúng. Và ở đây, chúng ta thấy được quạ gáy xám đã học cách nhận biết mối nguy hiểm mà không phải trải qua những điều tồi tệ trước đó”, nữ tiến sĩ chia sẻ thêm.
Loài chim có mối liên kết sâu sắc với ban đời của chúng
Quạ gáy xám là thành viên nhỏ nhất trong họ nhà quạ với đặc điểm nhận biết là có một vết lông xám ở cổ và mống mắt trắng nhạt.
Chúng được biết đến là loài chim có mối liên kết sâu sắc đối với bạn đời của chúng, sẽ đồng hành cùng nhau suốt đời, thậm chí khi không thể có con trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, sinh vật có tính xã hội cao này ăn ngủ cùng nhau, thậm chí, chúng còn khuyến khích những con khác bay theo mình khi tìm được nguồn thức ăn dồi dào.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhận xét trong nghiên cứu của mình rằng: “Nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng quan trọng cho thấy rằng động vật sử dụng phương pháp học hỏi, tiếp thu từ môi trường xung quanh để có thể phân tích mức độ nguy hiểm mà con người mang tới”, đồng thời “cung cấp cái nhìn mới mẻ về việc khả năng nhận biết có thể ảnh hưởng như thế nào tới khả năng thích nghi với môi trường ở động vật”.
Quạ gáy xám hiểu được ánh mắt người
Con người không phải là động vật duy nhất biết sử dụng mắt trong giao tiếp. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, quạ gáy xám có thể hiểu được ánh mắt của chúng ta.
Từ lâu giới khoa học đã muốn biết liệu có loài động vật nào khác ngoài con người biết dùng ánh mắt để trao đổi thông tin hay không.
Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy một số động vật được coi là thông minh – như tinh tinh và chó – không thể hiểu được ánh mắt của đồng loại.
Giống như người, quạ gáy xám sở hữu cặp mắt rất dễ nhận thấy từ xa, với tròng mắt màu trắng bao quanh đồng tử.
Sự tương đồng về cấu tạo của mắt giữa người và quạ gáy xám khiến các nhà sinh vật học của Đại học Oxford (Anh) cho rằng quạ gáy xám có thể hiểu ánh mắt chúng ta. Họ tiến hành một thử nghiệm để chứng minh nhận định này.
“Nếu quạ gáy xám đọc được ánh mắt của con người thì chúng cũng có thể đọc được ánh mắt của đồng loại”, Auguste von Bayern, trưởng nhóm nghiên cứu, tuyên bố.
Von Bayern tiến hành thử nghiệm với quạ gáy xám trong thời gian làm luận văn tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Anh). Trong một thử nghiệm, Von Bayern đo khoảng thời gian mà một con quạ gáy xám lấy thức ăn trong một khay. Hai cộng sự của bà, trong đó có một người mà con chim đã quen mặt, đứng gần khay thức ăn sao cho quạ có thể nhìn thấy.
Kết quả cho thấy khi nhìn thấy “người lạ”, con chim sẽ mất nhiều thời gian hơn trong việc lấy thức ăn. Tuy nhiên, khi “người quen” nhìn nghiêng hoặc nhắm mắt, quạ cũng tỏ ra chần chừ.
Điều này cho thấy quạ gáy xám đánh giá mức độ rủi ro thông qua chuyển động của mắt người chứ không phải bất cứ dấu hiệu nào khác.
Trong thử nghiệm thứ hai, Von Bayern giấu thức ăn ở nhiều vị trí để một đàn quạ gáy xám tìm. Một cộng sự của bà lần lượt nhìn về phía từng vị trí giấu thức ăn. Nhóm nghiên cứu nhận thấy lũ quạ tìm được thức ăn sau khi dõi theo ánh mắt của người cộng sự.
Các chuyên gia trong nhóm của Von Bayern cho biết, họ sẽ tiếp tục tiến hành một số thử nghiệm nữa để xem quạ gáy xám hiểu được ánh mắt của con người nhờ bản năng tự nhiên hay quá trình nuôi dưỡng của con người.
Video diều hâu và quạ gáy xám kịch chiến:
1001 thắc mắc: Loài chim nào có thể nhận biết được ai là kẻ nguy hiểm?